Quốc hội đang bàn một vấn đề lớn đối với nông dân, nông nghiệp, đó là đưa lĩnh vực phân bón vào chịu thuế giá trị gia tăng. |
Ngày 10/11, Báo Nông thôn ngày nay tổ chức Toạ đàm “Thuế VAT cho phân bón - Vì lợi ích của nông dân và sự phát triển của ngành phân bón trong nước” để cùng trao đổi, thảo luận, làm rõ hơn tác động nếu áp thuế VAT đối với thị trường phân bón và hoạt động sản xuất của nông dân. Từ đó, nhìn nhận những lợi ích, những băn khoăn, vướng mắc nếu triển khai và đề ra các giải pháp để quy định đi vào đời sống xã hội hiệu quả nhất.
Tính kỹ tác động đến người nông dân
Phát biểu tại Tọa đàm, bà Bùi Thị Thơm – Phó Chủ tịch Trung ương Hội nông dân Việt Nam cho biết, trong sản xuất nông nghiệp, phân bón là vật tư chi phí sử dụng chiếm tỷ lệ lớn trong chi phí đầu vào của trồng trọt. Giá phân bón sẽ tác động trực tiếp đến giá thành các sản phẩm đầu ra của nông nghiệp, ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của người nông dân.
Việc Quốc hội đang thảo luận về dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (VAT) sửa đổi, trong đó có nội dung chuyển phân bón từ diện không chịu thuế sang áp dụng thuế suất đang thu hút sự chú ý của nhiều nông dân, Hợp tác xã, doanh nghiệp kinh doanh, sản xuất phân bón..
Đây cũng là một trong những nội dung được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quan tâm, thảo luận. Trên nghị trường Quốc hội, nội dung này cũng còn một số ý kiến tranh luận.
Đại biểu Phan Đức Hiếu - Ủy viên Thường trực Ủy ban kinh tế Quốc hội cho hay, quan điểm của ông đã thay đổi từ kỳ họp Quốc hội thứ 7 so với kỳ họp Quốc hội thứ 8.
Theo đại biểu Hiếu, hiện mặt hàng phân bón không chịu thuế GTGT. Hiện có hai phương án: một là có đưa mặt hàng này vào diện chịu thuế GTGT hay không; hai là nếu đưa vào chịu thuế GTGT, mức thuế suất là bao nhiêu sẽ phù hợp? Hai phương án đều có sự tác động khác nhau.
Việc thứ nhất, chúng ta bàn về việc phân bón không thuộc diện đối tượng chịu thuế GTGT. Các đại biểu cũng thảo luận với nhau là có nên đưa phân bón từ diện không chịu thuế GTGT vào diện chịu thuế GTGT hay không?
Thứ hai là khi đã đưa vào rồi nếu mà quyết định mức thuế GTGT áp dụng với phân bón là bao nhiêu. Và hiện có hai kịch bản để lựa chọn khi áp dụng thuế GTGT là 0% hay 5%, đây là hai kịch bản được nhiều người có ý kiến. Như vậy, chúng ta phải phân biệt hai phương án.
So sánh 2 phương án là 5% hay 0%, đầu tiên chúng ta phải khẳng định là mỗi một kịch bản đều có điểm lợi và điểm bất lợi khác nhau. Không có một kịch bản nào là toàn diện và phải nói là rất khó để so sánh.
Ông Phan Đức Hiếu cho rằng chỉ quyết định chọn được phương án nào nếu như chúng ta lấy cái đối tượng nào làm trọng tâm đó là Nhà nước, doanh nghiệp hay người tiêu dùng - ở đây là người nông dân, mà quyết định. Chúng ta muốn lợi ích của ai là lớn nhất đấy là câu chuyện cần phải bàn kỹ.
Nhìn ở góc độ người tiêu dùng, nếu doanh nghiệp giảm chi phí sản xuất, họ có sẵn sàng giảm giá bán cho nông dân hay không? Bởi khi áp thuế 5% chắc chắn giá thành sản phẩm sẽ tăng lên. Còn trong trường hợp thuế suất VAT 0%, ít nhất giá thành phân bón không tăng.
Đại biểu Phan Đức Hiếu - Ủy viên Thường trực Ủy ban kinh tế Quốc hội. |
Với kịch bản áp thuế GTGT5%, doanh nghiệp sẽ được hoàn thuế đầu vào, có điều kiện thúc đẩy sản xuất trong nước, gia tăng cạnh tranh. Trong cả hai kịch bản này thì doanh nghiệp đều có lợi ích như nhau, đây là cơ hội giảm chi phí. Sản xuất trong nước sẽ lợi hơn nhập khẩu vì sản phẩm nhập khẩu cộng thêm 5%, sản xuất trong nước sẽ được gia tăng lợi thế cạnh tranh.
Nhưng ở góc độ người tiêu dùng, họ phải trả thêm 5%. Việc doanh nghiệp có sẵn sàng giảm giá bán hay không mới chỉ là kỳ vọng. Tôi nhìn ở góc độ người tiêu dùng, đại diện cho cử tri.
Đối với phần ngân sách không thu được nếu thuế suất VAT là 0% có thể coi như thực hiện chính sách tài khóa, coi như chính sách hỗ trợ, coi như khoản đầu tư cho nông nghiệp, người nông dân. Nên chúng ta cần đứng từ các góc độ khác nhau để nghiên cứu.
"Tôi đề xuất nên lấy ý kiến riêng về vấn đề thuế GTGT đối với mặt hàng phân bón, trước khi thông qua trình toàn văn dự thảo Luật Thuế GTGT", ông Phan Đức Hiếu nhấn mạnh.
Áp thuế 5% sẽ đảm bảo lợi ích hài hòa giữa "ba nhà"
Ông Nguyễn Trí Ngọc – Phó Chủ tịch Hiệp hội phân bón Việt Nam (tham dự trực tuyến) nói rằng ông rất đồng cảm với người nông dân, nghành nông nghiệp. Hiện nay việc xuất khẩu nông lâm thủy sản đã vượt quá 50 tỷ USD, kết thúc năm 2024, dự kiến có thể vượt con số 60 tỷ USD, nhất là trong bối cảnh kinh tế Việt Nam đang phát triển, hội nhập ngày càng sâu. Và đó sẽ là trụ đỡ cho nền kinh tế Việt Nam.
Vì vậy ông Ngọc cũng như nhiều nông dân khác luôn mong muốn làm thế nào để duy trì sự phát triển bền vững của ngành nông nghiệp và một vấn đề cần thiết là bàn bạc, trao đổi với nhau về chính sách, ý kiến của bà con nông dân, doanh nghiệp.
Theo ông, hiện nay, Quốc hội đang bàn một vấn đề lớn đối với nông dân, nông nghiệp, đó là đưa lĩnh vực phân bón vào chịu thuế giá trị gia tăng, theo chuyên gia kinh tế, nó sẽ đảm bảo hài hòa lợi ích, Nhà nước, doanh nghiệp, người nông dân.
Áp thuế VAT 5% sẽ đảm bảo lợi ích hài hòa giữa "ba nhà". |
Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam vẫn còn ý kiến, nếu điều chỉnh áp thuế suất GTGT 5% người nông dân chịu ảnh hưởng bởi giá thành tăng. Làm sao người nông dân có thể được hưởng lợi. Về nội dung này chúng ta đã phân tích rất nhiều. Bất kỳ một chính sách nào đưa ra đều có tác động tích cực và tiêu cực tới người nông dân.
Ông Ngọc cho biết thêm, ngày hôm qua, chúng tôi cũng có buổi làm việc với doanh nghiệp, chúng tôi làm được một việc hết sức quan trọng, mặc dù bão số 3 đi qua, nhưng chúng tôi đã động viên các doanh nghiệp đóng góp hỗ trợ bà con nông dân được hơn 2 tỷ đồng, con số tiền còn tiếp tục tăng lên. Điều đó cho thấy sự đoàn kết của doanh nghiệp và việc hỗ trợ chia sẻ cho bà con nông dân.
"Đối với việc áp thuế GTGT đối với mặt hàng phân bón, tôi nghĩ rằng đã đến lúc chúng ta nhìn nhận với nhau đó là hướng đi đúng đắn trong tình hình hiện nay, đảm bảo lợi ích 3 nhà, Nhà nước, doanh nghiệp, nông dân", ông Ngọc nói.
Ông cho biết thêm, khi đó doanh nghiệp có cơ hội điều chỉnh giá thành theo hướng giảm xuống để cho người nông dân được hưởng lợi thì đó là một việc làm ý nghĩa. Cho nên trách nhiệm quản lý Nhà nước ngay từ đầu càng quan trọng hơn.
Còn với người lao động, việc sử dụng vật tư, ngành phân bón phải đảm bảo làm sao sản phẩm phân bón của người nông dân ngày càng hội nhập sâu. Câu chuyện ở đây, người nông dân cũng phải ý thức hơn với sản phẩm của mình, chúng ta rất mừng sản phẩm của chúng ta ngày càng chất lượng, nâng cao quá trình hội nhập. Sản phẩm của bà con không chỉ bền vững ở khâu đầu vào mà cả những khâu cuối cùng ra thị trường.