Áp thuế VAT 5% đối với phân bón: Tạo động lực mới, giúp ngành phát triển bền vững |
Thống kê của Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho thấy, nhu cầu phân bón ở Việt Nam vào khoảng 10,5 – 11 triệu tấn các loại. Trong giai đoạn 2018 – 2023, Việt Nam nhập khẩu từ 1 – 1,6 tỷ USD phân bón mỗi năm, riêng 6 tháng đầu năm 2024, con số này lên tới 838 triệu USD.
Việc sắp tới tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, diễn ra vào ngày 21/10/2024, Quốc hội có đưa phân bón vào diện chịu thuế giá trị gia tăng 5%, hay giữ nguyên là đối tượng không chịu thuế như hiện tại, sẽ tác động lớn tới ngành nông nghiệp, cũng như các chủ thế trong ngành.
Ba “nhà” sẽ cùng có lợi
“Từ năm 2015, khi Luật Thuế 71 có hiệu lực, Hiệp hội đã kiên trì kiến nghị yêu cầu chuyển phân bón từ mặt hàng không chịu thuế sang chịu thuế giá trị gia tăng 5%”, TS. Phùng Hà, Chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam chia sẻ tại “Toạ đàm tham vấn ảnh hưởng của việc áp dụng thuế giá trị gia tăng 5% đến ngành phân bón”, tổ chức chiều 17/10.
Ông Hà phân tích Luật Thuế số 71/2014/QH13 quy định phân bón, máy móc thiết bị chuyên dùng cho sản xuất nông nghiệp… là những mặt hàng không chịu thuế giá trị gia tăng.
Các doanh nghiệp sản xuất phân bón không được khấu trừ, hoàn thuế giá trị gia tăng của hàng hóa, dịch vụ mua vào, kể cả thuế giá trị gia tăng của hàng hóa mua vào hoặc nhập khẩu để tạo tài sản cố định dùng cho sản xuất phân bón. Điều này không chỉ khiến lợi nhuận doanh nghiệp giảm sút, mà còn cản trở việc doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ phân bón thế hệ mới, hướng tới sản xuất xanh, bền vững.
Quan trọng hơn, khi áp dụng Luật 71, phân bón nhập khẩu không có thuế giá trị gia tăng. Điều này có lợi cho các nhà sản xuất nước ngoài khi xuất khẩu phân bón sang Việt Nam và làm ảnh hưởng nặng nề đến các doanh nghiệp sản xuất trong nước.
Vì vậy, ông Hà đề xuất chuyển mặt hàng phân bón từ đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng sang đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng với mức thuế suất 5%.
“Bất kể một chính sách nào nói chung và thuế nói riêng có liên quan tới lợi ích của nhiều bên khó có thể mang lại lợi ích một lúc cho toàn bộ các bên, quan trọng là dựa trên lợi ích lâu dài, lợi ích tổng thể và khả năng của các cơ quan quản lý điều hòa lợi ích của các bên có liên quan, TS. Phùng Hà nhấn mạnh.
Theo TS. Nguyễn Trí Ngọc, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam, trong ngắn hạn, giá phân bón sẽ tăng lên và người nông dân sẽ chịu thiệt một chút do phải bỏ thêm tiền để mua phân bón. Nhưng xét trong dài hạn, người nông dân sẽ được hưởng lợi từ chính sách thuế giá trị gia tăng 5% đối với mặt hàng phân bón.
Ông Ngọc chỉ ra 3 cơ sở thực tế khiến người nông dân được hưởng lợi từ chính sách này.
Thứ nhất, doanh nghiệp sản xuất phân bón được khấu trừ thuế đầu vào, nên chi phí đầu tư giảm, giá thành sản xuất sẽ giảm đi.
Thứ hai, doanh nghiệp có động lực đầu tư vào nghiên cứu, đổi mới công nghệ, sản xuất các loại phân bón có hàm lượng kỹ thuật cao, thế hệ mới, làm tăng năng suất, cải thiện chất lượng sản phẩm, do đó tăng hiệu quả công tác trồng trọt một cách bền vững.
Thứ ba, Nhà nước thu được một khoản thuế từ mặt hàng phân bón nên có thêm điều kiện để tăng chi cho các hoạt động nghiên cứu khoa học… Điều này sẽ làm cho người nông dân tăng hiệu quả sản xuất trên đơn vị diện tích, tăng sự cạnh tranh của các sản phẩm nông nghiệp trong nước.
“Phân bón chịu thuế giá trị gia tăng sẽ hài hòa lợi ích của cả 3 ‘nhà’, đó là Nhà nước, doanh nghiệp sản xuất và người nông dân”, đại diện Hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam khẳng định.
Tạo động lực đổi mới để ngành phát triển
Doanh nghiệp có động lực đầu tư vào nghiên cứu, đổi mới công nghệ, cải thiện chất lượng. |
Theo Phó tổng giám đốc DAP - Vinachem Nguyễn Hoàng Trung: Vòng đời công nghệ của một nhà máy vào khoảng 10-15 năm, nếu không có động lực và nguồn lực, ngành sản xuất phân bón trong nước sẽ rất khó khăn để đổi mới công nghệ, từ đó không tạo ra được sản phẩm cạnh tranh được với phân bón nhập khẩu, cũng như không giữ ổn định được giá bán trên thị trường.
Đại diện DAP - Vinachem cũng cho rằng, việc điều chỉnh chính sách thuế lần này là động lực quan trọng nhất, tác động thúc đẩy ngành sản xuất trong nước, dẫn đến phục vụ tốt hơn cho bà con nông dân, cũng như đóng góp cho sự phát triển bền vững nền kinh tế Việt Nam.
Đồng quan điểm trên, các chuyên gia cho rằng, nếu phân bón được đưa trở lại mặt hàng chịu thuế giá trị gia tăng, các doanh nghiệp trong ngành sẽ được khấu trừ thuế đầu vào giúp có thêm động lực cho các quyết định đầu tư, đổi mới công nghệ, mở rộng quy mô để gia tăng năng lực cạnh tranh từ đó có nhiều dư địa hơn để giảm giá thành sản phẩm tới tay người nông dân.
Đặc biệt, trong bối cảnh nền kinh tế hướng đến kinh tế xanh, giảm phát thải khí nhà kính, việc bảo vệ môi trường hiện nay là vấn đề cấp thiết trên toàn cầu. Quá trình sản xuất phân bón có sử dụng nhiều loại hóa chất dễ gây ra ô nhiễm môi trường sinh thái, từ khí thải, nước thải, chất thải rắn... Việc đầu tư máy móc, đổi mới công nghệ, kỹ thuật nhằm giảm lượng tiêu thụ năng lượng, giảm lượng phát khí thải, ô nhiễm môi trường nước, không khí... Đồng thời, tăng hiệu quả sản xuất và chất lượng sản phẩm từ đó mang lại lợi ích lâu dài cho người nông dân, ngành nông nghiệp. Qua đó, tạo ra hướng phát triển bền vững cho các doanh nghiệp phân bón trong nước.
Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, trong tháng 9/2024 cả nước nhập khẩu 378.158 tấn phân bón, tương đương 140,35 triệu USD, giá trung bình 371 USD/tấn, giảm 15,8% về lượng, giảm 10,9% kim ngạch nhưng tăng 5,8% về giá so với tháng 8/2024. So với tháng 9/2023 giảm 19,8% về lượng, giảm 10% kim ngạch nhưng tăng 12,1% về giá.
Tính chung trong 9 tháng của năm 2024 lượng phân bón nhập khẩu của cả nước đạt gần 3,85 triệu tấn, trị giá 1,28 tỷ USD, giá trung bình đạt 332,2 USD/tấn, tăng 32,3% về khối lượng, tăng 29,7% về kim ngạch nhưng giảm 2% về giá so với cùng kỳ năm 2023. Trung Quốc đứng đầu về thị trường cung cấp phân bón cho Việt Nam, chiếm 42% trong tổng lượng và chiếm 40,7% trong tổng kim ngạch nhập khẩu phân bón của cả nước, đạt gần 1,62 triệu tấn, tương đương 519,38 triệu USD, giá trung bình 321,2 USD/tấn, tăng 13% về lượng, tăng16,5% kim ngạch và tăng 3% về giá so với cùng kỳ năm 2023.
Ai được lợi khi đưa phân bón vào diện chịu thuế 5%? |
Xuất khẩu phân bón tăng mạnh, “soi” doanh thu, lợi nhuận của các doanh nghiệp trong ngành |