Giá lúa gạo hôm nay ngày 8/3/2024: Giá gạo đẹp nhích nhẹ Ngân hàng Nhà nước yêu cầu đẩy mạnh cho vay thu mua, kinh doanh lúa, gạo Xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam: Còn nhiều việc phải làm |
Philippines dự kiến nhập đến 4,1 triệu tấn gạo, thời cơ để Việt Nam tăng xuất khẩu gạo. |
Philippines có thể nhập khẩu đến 4,1 triệu tấn gạo thay vì 3,9 triệu tấn
Theo báo cáo cập nhật mới nhất từ Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), năm 2024, Philippines có thể nhập khẩu đến 4,1 triệu tấn gạo, thay vì con số dự báo trước đó là 3,9 triệu tấn.
Với dự báo mới này, mức nhập khẩu của Philippines trong năm nay cao hơn đến 600.000 tấn gạo so với lượng gạo nhập khẩu năm 2023 là 3,5 triệu tấn. Nếu Philippines nhập khẩu gạo đúng như dự báo thì đây sẽ là con số kỷ lục của nước này (trước đó vào năm 2022 nhập khẩu gạo đạt kỷ lục 3.826 triệu tấn).
Lý giải nguyên nhân lượng gạo nhập khẩu của Philippines tăng, USDA cho hay, nước này tăng nhập vì tình trạng khô hạn ảnh hưởng đến sản lượng lúa gạo nội địa.
Theo báo chí Philippines, chỉ riêng trong tháng 2 năm nay, nhập khẩu gạo của nước này đạt 303.603 tấn, cao hơn 113,6% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 2 tháng đầu năm 2024, đã nhập khẩu 728.254 tấn gạo, cao hơn gần 85% so với cùng kỳ năm 2023. Có đến 391.000 tấn gạo tương đương 54% gạo được nhập khẩu từ Việt Nam. Trước đó, trong năm 2023 Việt Nam cũng là nguồn cung gạo lớn nhất cho Philippines khi chiếm tới 80% thị phần gạo nhập khẩu của quốc gia này.
Được biết, trong năm 2024, để đảm bảo nhu cầu gạo nhập khẩu, từ đầu năm chính quyền Philippines đã cấp 1.009 giấy phép cho các nhà nhập khẩu gạo. Bên cạnh đó, cuối năm ngoái chính phủ Philippines đã ký thỏa thuận với Việt Nam. Thỏa thuận có thời hạn 5 và mỗi năm Việt Nam sẽ đảm bảo nguồn cung gạo từ 1,5 - 2 triệu tấn. Bên cạnh đó, Ấn Độ cũng “hứa” sẽ bổ sung nguồn cung gạo cho Philippines bất chấp lệnh cấm nhập khẩu gạo non-basmati.
Ngoài Philippines, khách hàng nhập khẩu gạo lớn thứ 2 của Việt Nam là Indonesia gần đây cũng thông báo tăng lượng gạo nhập khẩu năm 2024 thêm 1,6 triệu tấn và đạt tổng sản lượng gạo nhập khẩu là 3,6 triệu tấn.
Mới nhất, Cơ quan Lương thực Quốc gia (Bapanas) của Indonesia tuyên bố tạm thời nới lỏng trần giá bán lẻ đối với gạo chất lượng cao. Lệnh này được thực hiện nhằm đảm bảo nguồn cung gạo chất lượng cao đến người tiêu dùng trong tháng Ramadan.
Việc Philippines và Indonesia tăng mạnh lượng gạo nhập khẩu đã tác động đáng kể đến thị trường toàn cầu. Cụ thể, cập nhật giá gạo xuất khẩu ngày 12/3 của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết, giá gạo 5% tấm của Việt Nam tăng 5 USD lên 584 USD/tấn so với tuần trước. Tương tự giá gạo cùng phẩm cấp của Thái Lan cũng tăng nhẹ 3 USD, lên mức 615 USD/tấn.
Việt Nam tận dụng ra sao?
Triển khai thực hiện Đề án xây dựng và phát triển thương hiệu gạo tỉnh An Giang đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. |
Theo các thống kê được đưa ra từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Philippines là thị trường số 1 của xuất khẩu gạo Việt Nam khi chiếm khoảng 35% thị phần. Trong 11 tháng của năm 2023, Việt Nam xuất khẩu sang Philippines 2,63 triệu tấn gạo, tương ứng 1,41 tỷ USD.
Sở dĩ gạo Việt xuất khẩu mạnh qua Philippines là do gạo Việt Nam có lợi thế về phẩm chất phù hợp người dân nước này, từ người nghèo đến người có thu nhập cao và giá cạnh tranh. Tuy vậy, ông Thành cũng chỉ ra rằng, đó là diễn biến của những năm trước đây còn hiện nay giá gạo Việt Nam đang cao nên vấn đề cạnh tranh cần nhìn lại. Cùng với đó, chúng ta cũng cần phải xây dựng thương hiệu cho gạo Việt tại nước này.
“Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam sang Philippines tăng từ mức trung bình khoảng 400 USD/tấn cuối năm 2020 lên mức trung bình khoảng 500 USD/tấn trong năm 2021, ổn định ở mức trung bình khoảng 480 USD/tấn trong năm 2022 và có xu hướng tăng, tăng mạnh từ giai đoạn quý II/2023, có thời điểm đạt tới hơn 650 USD/tấn”, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Philippines thông tin.
Tuy vậy, trên thực tế, Thái Lan đang tìm cách gia tăng sản lượng, thị phần xuất khẩu gạo vào Philippines và cạnh tranh với gạo của Việt Nam. Đại diện Thương vụ Việt Nam tại Philippines kiến nghị, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Việt Nam cần tiếp tục phối hợp tốt với Bộ Công thương, Đại sứ quán và Thương vụ Việt Nam tại Philippines để triển khai các chương trình xúc tiến, tuyên truyền, quảng bá các sản phẩm gạo của Việt Nam.
Cùng với đó, tiếp tục giữ vững và bảo đảm ổn định chất lượng gạo, không ngừng nâng cao chất lượng, đa dạng các mặt hàng sản phẩm gạo xuất khẩu, qua đó góp phần nâng cao giá trị kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đối với mặt hàng gạo vào thị trường Philippines.
“Doanh nghiệp cũng cần chủ động tìm kiếm đối tác, mở rộng bạn hàng, tăng cường quan hệ và gìn giữ uy tín trong kinh doanh với các đối tác, bạn hàng, xây dựng các mối quan hệ bạn hàng truyền thống và bền vững”, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Philippines kiến nghị.
Trước sức ép giá lúa gạo giảm, ông Nguyễn Thành Huân, Phó Giám đốc Sở Công thương An Giang cho biết, tỉnh đang cùng với doanh nghiệp triển khai thực hiện Đề án xây dựng và phát triển thương hiệu gạo tỉnh An Giang đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Sau khi có sản phẩm gạo thương hiệu, đề xuất Bộ Công thương hỗ trợ An Giang đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến tiêu thụ, góp phần tăng giá trị cho sản phẩm gạo của tỉnh trong thời gian tới.
“Tiếp tục duy trì Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài; đồng thời, lập kênh thông tin nhanh về nhu cầu nhập khẩu gạo của các nước. Qua đó, thông tin đến các doanh nghiệp để chủ động về giá trong đàm phán xuất khẩu ở thời điểm và cả hợp đồng tương lai, cơ quan đầu mối là Bộ Công thương khi tiếp nhận thông tin từ các tham tán sẽ tiếp chuyển gửi vào nhóm email của Sở Công thương các tỉnh có lượng lúa, gạo hàng hóa xuất khẩu lớn”, ông Nguyễn Thành Huân kiến nghị.
Còn theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), đến nay cả nước đã thu hoạch khoảng 3,2 triệu tấn lúa. Cả năm 2024, theo kế hoạch, Việt Nam sẽ gieo trồng khoảng 7,1 triệu ha, dự tính sản lượng vẫn hơn 43 triệu tấn lúa. Căn cứ theo nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu năm nay, nếu nhu cầu tăng cao, Bộ NN&PTNT sẽ điều chỉnh theo hướng tăng diện tích vụ thu đông lên khoảng 700.000 ha như năm 2023, còn vụ đông xuân và hè thu nếu tăng cũng không đáng kể.
Tuy vậy, thị trường lúa gạo có biên độ hẹp và biến động rất nhanh, do đó doanh nghiệp cần chủ động nắm thông tin, dự báo thị trường để chốt giá, chốt hợp đồng xuất khẩu với giá tốt nhất và mang lại lợi ích hài hòa cho doanh nghiệp, cho nông dân sản xuất lúa. Đặc biệt, cần chủ động phối hợp với cơ quan quản lý như Bộ Công thương, Bộ NN&PTNT để theo dõi sát thông tin thị trường, tận dụng tranh thủ cơ hội xuất khẩu gạo khi các nước có nhu cầu.
Thủ tướng yêu cầu xuất khẩu lúa, gạo bền vững, hiệu quả trong tình hình mới |
Giá lúa gạo hôm nay ngày 5/3: Điều chỉnh tăng với các loại lúa nếp |
Tìm giải pháp phát triển thị trường gạo trong năm 2024 |