Hậu Lộc (Thanh Hóa): Thu tiền tỷ nhờ 'xây nhà cho yến ở' Tiền Giang: Người nuôi chậm thu hồi vốn vì giá yến sào giảm mạnh Cần Thơ: Giải bài toàn nuôi chim yến |
Theo báo cáo sơ bộ của các tỉnh, hiện nay cả nước có 42/63 tỉnh phát triển nghề nuôi chim yến. Từ năm 2017 với tổng số trên 8,3 nghìn nhà yến, đến tháng 8/2019, theo báo cáo của 18 tỉnh tỉnh đã có trên 11,75 nghìn nhà yến, tăng 1,42 lần. Tỉnh có số lượng nhà yến tăng cao nhất là Khánh Hòa (4,96 lần) và Lâm Đồng (4,63 lần). Hai tỉnh có số lượng nhà yến lớn nhất là Kiên Giang: 2.025 nhà yến, Bình Thuận: 1.204 nhà yến. Tỉnh có nhà yến xây kiên cố nhiều nhất là Kiên Giang với trên 1.050 nhà.
Năm 2013, Bộ NN&PTNT đã ban hành thông tư số 35 quy định tạm thời quản lý nuôi chim yến. Công nhận dẫn dụ, gây nuôi chim yến và khai thác các sản phẩm từ yến là 1 lĩnh vực cho sản phẩm có giá trị dinh dưỡng và kinh tế rất cao, 1 ngàn 500 đến 2 ngàn USD/kg tổ yến. Qua xuất khẩu thu về ngoại tệ khoảng 200 đến 300 triệu USD/ năm. Đây thực sự là một nghề quan trọng và có đóng góp cho ngành chăn nuôi.
Trong khoảng 10 năm trở lại đây, ngành nuôi yến ở nước ta phát triển mạnh, với nhiều loại hình, quy mô khác nhau |
Nhiều doanh nghiệp lớn đầu tư vào lĩnh vực này đã áp dụng công nghệ cao vào các khâu ấp trứng, nuôi nhân tạo, di đàn, xây nhà yến, dẫn dụ, khai thác tổ yến với quy mô lớn, chế biến sâu; xây dựng Trung tâm kiểm định chất lượng tổ yến, sử dụng phần mềm để quản lý nhà yến uy tín, xây dựng mã định danh quốc gia cho chủ nhà yến cho từng nhà yến, sản xuất sản phẩm theo chuỗi truy xuất được nguồn gốc phục vụ cho xuất khẩu. Người nuôi yến đã được trang bị kiến thức thực tế cũng như được tập huấn các kỹ thuật dẫn dụ và khai thác yến sào tiên tiến.
Là một nghề có hiệu quả kinh tế cao nhưng thời gian qua việc phát triển nuôi chim yến mang tính tự phát là chủ yếu, chưa xây dựng kế hoạch sản xuất theo ngành hàng, thiếu tính liên kết của một ngành hàng, chưa xây dựng thương hiệu cho sản phẩm, chưa truy xuất được nguồn gốc sản phẩm vì vậy không đem lại giá trị cao đúng với giá trị thực của sản phẩm vì chủ yếu xuất thô và tiểu ngạch. Một số tổ chức, cá nhân tư vấn, hướng dẫn xây dựng nhà yến không phù hợp làm thiệt hại kinh tế cho người dân, ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng và sản lượng tổ yến.
Việc săn bắt chim yến vì mục đích khác đang diễn biến phức tạp. Hộ nuôi thiếu hoặc không nghiên cứu đầy đủ về khí hậu, thời tiết, vùng sinh thái và tập tính của chim yến nhà, dẫn đến tình trạng nhà xây xong chim không về làm tổ hoặc chim chết do biến đổi thời tiết.
Nhiều giải pháp đã được đưa ra tham luận góp phần phát triển bền vững ngành yến hướng tới xuất khẩu tại các tỉnh phía Nam |
Hội thảo lần này, với chủ đề phát triển bền vững ngành nuôi yến hướng tới xuất khẩu tại các tỉnh phía Nam, đã mời đến những chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực nuôi yến của cả nước như: Chi hội Nhà yến Việt Nam; Công ty Yến Sào Khánh Hòa; Ban quản lý và khai thác Yến Cù Lao Chàm, Hội An, Quảng Nam; Trung tâm Khuyến nông; Hiệp Hội Trang Trại và Doanh nghiệp, Nông nghiệp Việt Nam;….Để tham luận những nội dung xoay quanh một số vấn đề tìm giải pháp cần quan tâm trong nghề nuôi yến ở Việt Nam hiện nay; giải pháp bảo vệ và phát triển quần thể chim yến; công tác xúc tiến thương mại xuất khẩu tổ yến sang thị trường Trung Quốc; kỹ thuật quản lý nhà yến uy tín…Đồng thời trực tiếp trả lời các thắc mắc của hộ nuôi về việc dẫn dụ chim yến, nguyên nhân, cách thức quản lý dịch bệnh.
Phát biểu tại Hội thảo, Ts. Hạ Thúy Hạnh - PGĐ TTKNQG kiến nghị, Cục Chăn nuôi tiếp tục phối hợp với TTKNQG tổ chức các hoạt động truyền thông, đào tạo kỹ thuật, tài liệu hóa các yêu cầu điều kiện về quản lý nuôi chim yến, tăng cường hoạt động quản lý nuôi chim yến theo mã định danh của Luật Chăn nuôi;
Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản đẩy nhanh việc ký kết nghị định xuất khẩu yến chính ngạch, phối hợp TTKNQG xây dựng tài liệu hóa, đào tạo kỹ thuật và các yêu cầu của nhà thu mua để nông dân sản xuất hướng đến xuất khẩu;
Các hiệp hội, Chi hội Nhà yến Việt Nam đẩy mạnh truyền thông, xây dựng chuỗi nhà yến theo quy định, yêu cầu chất lượng tổ yến trong nước và xuất khẩu. Phối hợp các địa phương, truy xuất và cụ thể điều kiện tham gia hiệp hội, Chi hội nhà Yến.
Sở Khoa học công nghệ các tỉnh tăng cường hoạt động thông tin để đăng ký nhãn hiệu hàng hóa liên quan ngành yến, ưu tiên các chương trình khoa học công nghệ nuôi yến bền vững, cơ chế đặc thù ưu tiên phát triển nghề yến tại địa phương;
Đối với Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp/Trung tâm Khuyến nông các tỉnh phối hợp cơ quan thú y trên địa bàn tỉnh tăng cường quản lý nhà yến, nhân rộng các mô hình nhà yến hiệu quả, có truy xuất nguồn gốc; Xây dựng chương trình khuyến nông 2021, ưu tiên phát triển ngành yến các tỉnh phía Nam, rà soát danh sách các cán bộ kỹ thuật địa phương tăng cường tư vấn cho người dân hiệu quả nhất.
Người nuôi yến cần có kỹ thuật chăn nuôi, khai thác sản phẩm yến có trách nhiệm, tham gia các chuỗi sản xuất yến bền vững, tích cực tham gia các lớp đào tạo kỹ thuật tư vấn về yến của địa phương để nuôi yến đem lại lợi nhuận và hiệu quả bền vững nhất.
TTKNQG sẽ phối hợp chặt chẽ với Cục Chăn nuôi, Cục Thú y, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản tài liệu hóa các nội dung yêu cầu quản lý nhà yến, tăng cường tài liệu kỹ thuật nuôi yến bền vững, xây dựng kế hoạch diễn đàn Yến thời gian tới.
Cũng tại chương trình các đại biểu đã đến tham quan nhà nuôi yến tại xã Lình Huỳnh, huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang.