Gian nan những ngày đầu khởi nghiệp
Sinh ra tại vùng quê ven biển nghèo ở thôn Tây Hòa, xã Hưng Lộc (huyện Hậu Lộc), học xong cấp 2 do hoàn cảnh gia đình khó khăn, lúc ấy chàng trai Nguyễn Văn Tú tạm gác lại việc học hành vào Nam làm kinh tế phụ giúp gia đình. Cuộc sống mưu sinh vất vả lại xa gia đình nên năm 2013, Tú đã trở về quê hương xây nhà cho chim yến ở.
Thời điểm ấy, người dân trong làng ai cũng bảo gàn dở vì có ai dám bỏ ra hàng trăm triệu xây nhà chỉ để cho chim ở. Nhưng với đức tính cần cù chịu khó, cộng với những kinh nghiệm mà anh đã học hỏi được suốt thời gian anh làm kinh tế nơi xa, giờ đây anh đã thành thạo mô hình nuôi chim yến và anh cũng có thể tự lắp đặt mô hình nuôi chim yến tại nhà.
Anh Tú tự lắp đặt mô hình nuôi chim yến tại nhà
Đưa chúng tôi đi tham quan nhà nuôi yến sau bao năm tâm huyết gây dựng, anh Tú tâm sự: “Thời gian đi làm xa nhà có quen biết một số anh em nuôi yến, tôi đã tìm hiểu rất kĩ cũng như ghi chép lại những kinh nghiệm học được và rất muốn áp dụng ngay trên chính mảnh đất quê hương mình”.
Giấc mơ nuôi chim yến luôn cháy bỏng trong anh Tú, đến năm 2010, chàng trai ấy quyết tâm vào Khánh Hòa để hoàn thiện những kiến thức nuôi loài chim thiên nhiên ấy. Sau bao năm lăn lộn và những kiến thức về nuôi yến dần hoàn thiện như: Xây nhà yến, lắp đặt hệ thống âm thanh dẫn dụ loài chim trời về làm tổ, đẻ trứng, lắp đặt chim mồi tạo mùi bầy đàn để dụ yến về làm tổ…Đặc biệt môi trường trong nhà yến phải đảm bảo duy trì độ ẩm từ 80 đến 90%; nhiệt độ khoảng 30 độ C, trần nhà không cao quá 2,6m và diện tích mỗi phòng không quá 15m2, có hệ thống phòng chống rét cho yến trong mùa đông lạnh miền bắc.
Anh Tú với những sản phẩm “Yến sào xứ Thanh”
Để có được những thành công như ngày hôm nay, ít ai biết chàng trai xứ Thanh này đã phải nhiều lần đối mặt với những thử thách mà tưởng chừng không vượt qua được. Bắt đầu từ việc vay mượn tiền xây nhà cho yến ở đến việc đàn yến hơn 2.000 con lăn đùng ra chết do rét. Đó là thời điểm khó khăn nhất, sau khi thu hoạch tổ yến đầu tiên vào tháng 8/2014 năm đó mùa đông rất rét, cả đàn yến chết hết, lúc ấy giấc mơ như sụp đổ nhưng với bản tính chịu khó và quyết tâm làm giàu từ chim yến, anh lại động viên gia đình vay thêm tiền để sửa lại nhà cho yến ở.
“Chim yến không ưa lạnh, bên cạnh đó là tôi xây phòng quá rộng hơn 20m2 lại chưa chú trọng việc giữ ấm cho chim nên năm đó cả gia đình được phen hú vía”, anh Tú kể.
Ước mơ xây dựng thương hiệu
Cuối cùng những quả ngọt đã đến, chàng trai tiên phong mang loài chim trời về nuôi trên mảnh đất xứ Thanh đã được đền đáp khi chim về xây tổ ngày càng nhiều, cứ chiều về là chim bay về tổ kín trời phá vỡ không gian tĩnh lặng của làng quê. Giờ đây khi đã đủ kinh nghiệm nuôi chim yến, anh Tú còn đi chuyển giao công nghệ nuôi chim yến, xây nhà yến và chuyển giao khoa học kĩ thuật nuôi yến cho nhiều người trong tỉnh và cả tỉnh ngoài.
Để phát triển hơn nữa, anh đã thành lập doanh nghiệp từ năm 2017 đến nay doanh nghiệp của anh phát triển và vươn xa không ngừng. Hàng năm mô hình nuôi chim yến của anh Tú thu về khoảng 13- 15kg tổ yến, với giá bán hiện nay khoảng 28 triệu/1kg, trừ chi phí mỗi tháng doanh số doanh nghiệp của chàng trai này thu về 500 – 700 triệu/tháng.
Lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa đến thăm gian trưng bày sản phầm của anh Tú tại hội chợ
Để mở rộng thị trường và đưa thương hiệu “Yến sào xứ Thanh” vươn xa hơn nữa anh đã đi tìm hiểu thị trường và đặt các đại lý ở các tỉnh khác như Nghệ An, Bắc Ninh, Hà Nội…Với hệ thống dây chuyền sản xuất các sản phẩm từ yến được nhập từ các nước uy tín đem lại cho chàng trai này và thương hiệu “Yến sào xứ Thanh” không ngừng vươn xa khẳng định thương hiệu của mình.
Hiện nay công nhân trong xưởng của anh Tú khoảng 7 đến 10 người với mức thu nhập từ 5 đến 8 triệu đồng/tháng, với mô hình nuôi và sản xuất đã tạo công ăn việc làm cho các lao động tại địa phương.
Ông Nguyễn Văn Biển, Chủ tịch UBND xã Hưng Lộc cho biết: “ Mô hình nuôi chim yến trên địa bàn xã hiện nay rất hiệu quả, mang lại thu nhập cao và giải quyết được việc làm cho nhân dân, đây được xem là mô hình mẫu trong xây dựng nông thôn mới tại địa phương”.
Chung Hoàng – Nguyễn Thuấn