Những ngày giáp Tết, sau khi dọn dẹp và mua sắm các vật dụng cần thiết, các gia chủ thường chọn quả phật thủ thật đẹp để trưng trên bàn thờ hay mâm ngũ quả.
Việc làm này không chỉ đơn thuần vì loại quả này có hương thơm đặc trưng, dịu nhẹ, tạo cảm giác thoải mái cho mọi người mà quả phật thủ còn có ý nghĩa rất là tốt đẹp.
Phật thủ là giống cây ăn quả thuộc họ cam chanh, có tên khoa học là Citrus medica L.var.sarcodactylis Swingle và tên trong dược liệu là Fructus citri Sarcodactylis. Bề ngoài của quả chia nhánh trông như bàn tay Phật do đó nhiều người cho rằng loại quả này là quả linh thiêng và thường dùng để thờ cúng.
Theo Đông y, phật thủ vị cay, đắng, chua, tính ấm, có tác dụng chỉ thống, hóa đàm, dùng chữa các chứng ăn không tiêu, đầy bụng, đau dạ dày, đau gan, cổ họng nghẹn tắc, ngực tức đầy, mạng sườn trướng đau... Phật thủ còn có tác dụng giải trừ sự co thắt cơ trơn, hạ huyết áp, cắt cơn hen và tăng cường chức năng tiêu hóa. Phật thủ chứa nhiều vitamin C, đường, acid hữu cơ, dầu chanh, glycozit, dùng làm thuốc thơm điều hòa khí.
Theo lâm sàng, phật thủ chữa được tính truyền nhiễm của bệnh viêm gan trẻ em. GS Đỗ Tất Lợi ghi trong bách khoa Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam: phật thủ dùng ngày từ 3 - 6 gam dưới dạng thuốc sắc hay thuốc bột. Phật thủ rửa sạch, thái thành phiến, phơi khô ngâm với rượu, uống trước bữa ăn, có tác dụng chữa tỳ vị rất tốt.
Các công dụng dược lý của phật thủ
Chữa bệnh đường tiêu hóa
Chán ăn, không tiêu, ngực sườn trướng đau, buồn nôn, nhiều đờm, đau mỏi lưng: quả phật thủ 30g, rượu 5 lít. Phật thủ thái nhỏ để ráo nước ngâm rượu. Cứ 5 ngày có thể lấy ra uống, mỗi lần 15 - 20ml vào trước bữa cơm chiều.
Chữa tiêu hoá không tốt, không tiêu: quả phật thủ 50g thái mỏng rồi hong gió cho khô, xuyên tiêu 12g, sa nhân 12g, tiểu hồi hương 12g. Tất cả tán bột, hoà nước sôi để ấm rồi uống. Ngày 2 lần.
Kiện tỳ, trợ tiêu hoá: 15g gạo, 100g đường phèn. Nấu phật thủ lấy nước rồi nấu cháo ăn vào các buổi sáng.
Đau bụng do lạnh: phật thủ khô 15g, gạo rang 30g. Sắc uống ngày 3 lần.
Ợ hơi: vỏ quả phật thủ tươi ướp đường nhằn ít một rồi nuốt.
Viêm loét dạ dày - hành tá tràng: rễ cây phật thủ 30g nấu với dạ dày lợn lượng đủ dùng nấu chín ăn.
Chữa đau gan và dạ dày: quả phật thủ tươi 10g, thanh bì 6g, sắc nước uống. Hoặc hoa phật thủ 10g, hương phụ 10g, ô dược 6g, sa nhân 15g, bạch thược 15g, cam thảo 3g, sắc nước uống.
Chữa bệnh đường hô hấp
Ho suyễn, nhiều đờm, khó thở: quả phật thủ 9 - 15g, vỏ củ gừng (khương bì) 5 - 9g, lá hoắc hương 9g. Sắc lấy nước uống.
Viêm amidan: hoa phật thủ 10g, hoa hồng 10g, hoa tường vi 10g, hoa mai 6g. Sắc nước ngậm, súc miệng hoặc uống.
Chữa viêm phế quản mạn tính: phật thủ tươi 1 - 2 quả thái nhỏ để vào cái bát to với lượng đường mạch nha vừa dùng, đun cách thủy cho đến khi phật thủ chín nhừ. Dùng trong 3 tuần, mỗi lần ăn một thìa to.
Chữa ho sốt
Phật thủ 10 - 15g, gạo tẻ 60 - 80g. Nấu phật thủ và lấy nước bỏ bã, nấu với gạo tẻ. Khi cháo chín cho thêm đường trắng khuấy đều, đun sôi. Dùng cho các trường hợp sốt ho, đau tức vùng ngực do tràn dịch màng phổi.
Giúp giã rượu
Dân gian ta thường dùng phật thủ để trị giã rượu rất tốt trong những ngày tết. Khi lấy 30g phật thủ tươi sắc lên rồi cho người đang say rượu uống sẽ giúp người say không bị đau đầu mà còn rất tỉnh táo. Nếu kết hợp nước phật thủ với nước chanh pha đường sẽ càng tốt.
Phật thủ dùng làm thuốc chữa một số bệnh:
Đau bụng kinh: phật thủ tươi 30g, đương quy 6g, gừng tươi 6g, rượu gạo 30g, nước vừa đủ. Sắc uống.
Bạch đới ra nhiều: phật thủ 30g, lòng lợn non dài khoảng 0,5 - 1m. Ninh chín ăn liền 5-7 ngày.
Bệnh hạ tiêu (đái tháo đường, nước tiểu đục…): rễ cây phật thủ 15 - 25g, ruột lợn non 1 bộ. Nấu kỹ để ăn.
Động kinh: rễ cây phật thủ 30g, gà mái tơ lông trắng 1 con làm sạch cho vào ninh chín gà. Uống nước, ăn gà.
Lưu ý: Nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng các thông tin trên để chữa bệnh. Nếu trong quá trình sử dụng có dấu hiệu bất thường về sức khỏe, cần dừng lại và tham khảo ý kiến bác sĩ.