Những dấu ấn của Ngành Nông nghiệp trong năm 2023 "Chìa khóa" để nông nghiệp tỉnh Bến Tre phát triển bền vững, hiện đại Sơn La xây dựng thương hiệu để đưa nông sản vươn xa |
Nông nghiệp xanh là xu thế không thể đảo ngược. |
Tại hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân Việt Nam năm 2023, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho rằng nông nghiệp xanh, nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp tuần hoàn là xu thế không thể đảo ngược. Chẳng hạn như ở Tứ Kỳ, Hải Dương, nông dân sản xuất lúa - rươi - cáy, ba tầng giá trị. Nông dân thu nhập bán rươi nhiều hơn bán lúa, nhưng không có lúa thì sẽ không có hai sản phẩm kia.
Cần lan tỏa hơn nữa tư duy kinh tế trong nông nghiệp
Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, chúng ta phải tư duy lại, trồng lúa không chỉ bán lúa mà bán các sản phẩm khác từ tro, trấu, rơm rạ... Nông dân và các hợp tác xã cũng phải tư duy lại và gia tăng chế biến, tận dụng các phụ phẩm của lúa để làm các sản phẩm khác nhằm tăng thu nhập cho người trồng lúa.
“Trong bối cảnh giá vật tư đầu vào tăng, những mô hình trên sẽ giúp nông dân giảm chi phí. Khi giá sản phẩm không tăng, nhưng chi phí giảm thì lợi nhuận của nông dân vẫn tăng. Do đó, ngành nông nghiệp cũng cần lan tỏa những mô hình như vậy, đó là xu hướng nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp xanh, nông nghiệp sinh thái thuận theo tự nhiên. Mọi sự thay đổi đều khó khăn, nhưng nếu không thay đổi sẽ khó khăn hơn”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Lấy Đồng bằng sông Cửu Long làm ví dụ điển hình, Bộ trưởng cho biết nơi đây có lợi thế, có nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp sinh thái, như mô hình tôm ôm lúa, lúa - cá ở Bạc Liêu, Sóc Trăng, Cà Mau, đã lan tới Bến Tre, Trà Vinh. Đây chính là nông nghiệp tuần hoàn.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, cần lan tỏa và sâu sắc hơn nữa về tư duy kinh tế. Chúng ta đang nói câu chuyện chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp nhưng phạm vi của việc này là rất lớn gồm cả truyền thông, cơ chế vận hành của nhà nước, sự thay đổi tư duy, nhận thức của người nông dân. Tư duy thay đổi, hành động thay đổi, khi đó, các cơ chế chính sách sẽ vận động theo. Nông nghiệp không chỉ là nông nghiệp mà nông nghiệp đã tích hợp cho nhiều ngành, nhiều lĩnh vực từ đó mới cộng hưởng ra giá trị.
Còn nếu chúng ta cứ nghĩ đơn giản chỉ là những con số sản lượng, kim ngạch thì có thể nó đã tới hạn về không gian phát triển. Chúng ta cần có tầm nhìn dài hơi. Những gì đang làm thì làm cho tốt hơn. Liên kết các ngành hàng bền vững, từ tổ chức lại sản xuất, tổ chức lại thị trường, liên kết giữa người sản xuất với doanh nghiệp, tạo ra thị trường, ứng dụng những khoa học công nghệ cao hơn nữa. Nhiều người đặt những câu hỏi về kim ngạch xuất khẩu năm sau dự kiến đạt được bao nhiêu? Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đặt mục tiêu như thế nào cho tăng trưởng năm tới?
Người đứng đầu ngành Nông nghiệp thông tin thêm, có những cái có thể đong đo đếm được bằng số liệu nhưng có những cái không đong đo đếm được bằng số liệu. Có thể nó chưa thể hiện được vào tăng trưởng năm 2024 nhưng mang lại kết quả cho năm 2025 và các năm tiếp theo. Bộ Nông nghiệp và Phát triển đang xây dựng một cái thang chỉ số để đo đếm chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn. Ở đó, Bộ sẽ không chỉ nhìn vào con số tăng trưởng toàn ngành nông nghiệp hay kim ngạch xuất khẩu mà còn đo lường được thu nhập của người nông dân. Đây mới là yếu tố quan trọng nhất.
Giá bán không quyết định thu nhập. Lợi nhuận là bài toán trừ chi phí chứ không chỉ là vấn đề đầu ra. Thị trường, giá cả đầu ra chúng ta không quyết định được, đó là quy luật cung cầu. Việt Nam không phải là quốc gia duy nhất tạo ra nông sản. Chúng ta bán sầu riêng sang thị trường Trung Quốc thì Thái Lan, Malaysia cũng bán sầu riêng sang thị trường này. Chúng ta bán quả xoài sang thị trường Nhật Bản thì người Thái Lan họ cũng bán quả xoài sang thị trường Nhật Bản.
"Rõ ràng, chúng ta có thể quyết định được giá và có thể quy định giá nếu kéo giảm chi phí đầu vào. Khi chi phí đầu vào giảm một đồng thì lợi nhuận sẽ tăng được một đồng. Và ở đây, tôi nhấn mạnh tư duy hợp tác, hợp tác và hợp tác. Việc này giúp bà con nông dân giảm bớt rủi ro về giá, về thị trường, có thể giảm chi phí và gia tăng lợi nhuận", Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.
Tạo ra những không gian giá trị cho ngành nông nghiệp
Bộ trưởng Lê Minh Hoan đối thoại với nông dân. |
Về cơ hội và thách thức trong năm 2024 với ngành nông nghiệp, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, thời đại này là thời đại VUCA, từ tiếng Anh viết tắt để chỉ sự bất định, biến động, phức tạp và mơ hồ. Thế giới này nó là một chuỗi mãi mãi như vậy, đan xen giữa vấn đề kinh tế và vấn đề địa chính trị. Chỉ có một điều chắc chắn là thị trường càng ngày càng khó khăn hơn. Thành ra trong bối cảnh khó đó, chúng ta phải tìm một không gian phát triển mới, đừng chỉ nghĩ bán hạt lúa, bán xoài, thanh long, sầu riêng nữa mà phải mở tư duy ra, làm sao để cái khó ló cái khôn chứ đừng để cái khó bó cái khôn.
Năm vừa qua, người ta nói nông dân trồng lúa thu nhập cao, nhưng nếu so với người Tứ Kỳ, Hải Dương trồng lúa-rươi, lúa chỉ là phụ, thu từ rươi là chính, nhưng không có lúa thì không có rươi. Người Bạc Liêu, Sóc Trăng giờ cũng thu từ bán tôm nhiều hơn bán lúa. Hay tôi lên Mù Cang Chải (Nghĩa Lộ, Yên Bái), gặp một chị người Thái nói rằng trồng lúa chủ yếu để làm homestay cho khách trải nghiệm thôi, còn bán được bao nhiêu thì bán.
Chúng ta cần tư duy lại, ngành nghề nông thôn còn rất nhiều, thu nhập của người nông dân không nên chỉ dựa trên nông sản họ tạo ra. Nông nghiệp bây giờ phải là nông nghiệp tích hợp, nông nghiệp xanh, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp du lịch,…chỉ khi nào chúng ta mở không gian tư duy ra thì không gian giá trị sẽ mở ra.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan khẳng định, năm 2024, ngành nông nghiệp tiếp tục lan tỏa sâu sắc hơn nữa về tư duy kinh tế, làm sao trên một đơn vị diện tích nông nghiệp đó, thậm chí thu hẹp diện tích nông nghiệp lại mà vẫn tạo ra nhiều của cải hơn.
Thứ hai là tạo ra những không gian giá trị cho ngành nông nghiệp với những cụm từ như: du lịch nông nghiệp, nông nghiệp giải trí, nông nghiệp thời trang, nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh…
Thực tế nông nghiệp du lịch ở Đài Loan đã chứng minh cho lợi nhuận tăng gấp 5-6 lần, thậm chí gấp vài chục lần mà không phải đầu tư quá lớn.
Hay như làng hoa Sa Đéc ở Đồng Tháp trước chỉ bán hoa ngày Tết, ngày rằm, nay thu hẹp sản xuất để tạo thêm điểm dừng nghỉ cho du khách thì lợi nhuận thu được sẽ tăng cao.
Thành ra cái vô hình chúng ta chưa khai thác lắm khi có giá trị nhiều hơn cái hữu hình mà ta đang theo đuổi.
Những tư duy này chúng ta phải thay đổi từng năm một, nếu không làm thì 5 năm hay 10 năm sau không có nông nghiệp du lịch, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn…