Mường La xây dựng sản phẩm OCOP Đào rừng Sơn La theo chân "người chơi" về phố thị Quả dâu tây Cò Nòi đã có thương hiệu |
Người tiêu dùng tham quan, mua sắm các sản phẩm nông sản của huyện Mộc Châu (Sơn La). |
Xây dựng thương hiệu cho nông sản
Đặc sản xoài tròn nổi tiếng ở huyện Yên Châu, là giống xoài bản địa, được người dân trồng từ lâu với đặc điểm quả nhỏ, tròn, khi chín thịt xoài có màu vàng cam, vị ngọt đậm, thơm. Hiện nay, huyện Yên Châu có gần 600 ha xoài tròn, sản lượng đạt trên 3.000 tấn/năm. Với sự giúp đỡ của các sở, ngành và những nỗ lực của chính quyền địa phương, năm 2012, xoài tròn Yên Châu được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý “Xoài tròn Yên Châu” với diện tích xoài trồng ở 3 xã Chiềng Pằn, Viêng Lán, Sặp Vạt. Chính thức tháng 7/2020, sản phẩm xoài tròn Yên Châu được bảo hộ tại thị trường châu Âu. Nhờ "thương hiệu" mà thị trường tiêu thụ ổn định, thu nhập cho các hộ trồng xoài được nâng cao.
Ông Quàng Văn Xuân, Giám đốc Xuân Tiến, xã Sặp Vạt cho biết: HTX có 60 ha xoài tròn, 100% diện tích nằm trong vùng chỉ dẫn địa lý. Từ khi đăng ký chỉ dẫn địa lý “Xoài tròn Yên Châu”, sản phẩm xoài tròn tạo thương hiệu riêng và nâng tầm giá trị, nhờ đó giá bán cao hơn trước và được thị trường ưa chuộng. Mở rộng sản xuất, HTX đã thử nghiệm sản xuất thành công sản phẩm “Xoài sấy dẻo” từ quả xoài tròn, được chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh. Đến nay, quả tươi và sản phẩm xoài sấy dẻo được tiêu thụ mạnh tại các tỉnh và điểm du lịch trong cả nước, doanh thu hàng năm tăng từ 25-30%.
Khác với Yên Châu, huyện Thuận Châu có lợi thế phát triển cây chè. Năm 2018, sản phẩm chè của huyện Thuận Châu được cấp nhãn hiệu chứng nhận “Chè Phổng Lái Thuận Châu”, đây là động lực để bà con mở rộng diện tích, phát triển vùng chè nguyên liệu lên gần 800 ha. Không chỉ tạo nguồn thu cho gần 400 hộ trồng, chế biến, kinh doanh chè, giúp địa phương giải quyết việc làm cho trên 2.000 lao động, nâng cao đời sống người dân.
Bà Nguyễn Thị Bình, Phó Giám đốc HTX sản xuất, kinh doanh và dịch vụ tổng hợp Bình Thuận, xã Phổng Lái, chia sẻ: Việc cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu giúp sản phẩm chè Phổng Lái nói chung và sản phẩm chè của HTX nói riêng khẳng định "thương hiệu" và uy tín trên thị trường. Năm 2019, HTX xây dựng thành thương hiệu “Chè Trọng Nguyên - Phổng Lái Thuận Châu”, được công nhận sản phẩm OCOP 4 sao cấp tỉnh. Năm 2021, sản phẩm vinh dự tham gia bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia. Tiếp tục giữ vững thương hiệu, HTX đẩy mạnh hướng dẫn hộ dân áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng mới và thâm canh các giống chè chất lượng cao; sản xuất theo hướng hữu cơ, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường. Trung bình, HTX bao tiêu khoảng 2.500 tấn chè búp tươi/năm cho bà con; sản xuất 600 tấn chè khô cung cấp thị trường trong nước; xuất khẩu sang Đài Loan.
Nhận thấy, điểm chung các sản phẩm sau khi được cấp nhãn hiệu chứng nhận, văn bằng bảo hộ, chất lượng sản phẩm nâng lên, diện tích canh tác mở rộng, sản lượng tiêu thụ tăng cao, tăng thu nhập cho người sản xuất; thu hút nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn vào xây dựng nhà máy, đầu tư dây chuyền công nghệ tiên tiến để thực hiện chế biến sâu sản phẩm. Việc xây dựng "thương hiệu" cho sản phẩm đã thúc đẩy sự phát triển các doanh nghiệp, HTX; gắn kết với chương trình mỗi xã một sản phẩm.
Với diện tích trên 19.600 ha, Sơn La hiện là tỉnh có diện tích, sản lượng nhãn lớn nhất cả nước. Cùng với xuất bán quả tươi ra thị trường, tỉnh còn tích cực tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp, HTX, hộ trồng nhãn phát triển nghề chế biến long nhãn, xây dựng thương hiệu long nhãn Sơn La.
Ban đầu, cây nhãn được trồng chủ yếu ở các hộ gia đình sinh sống hai bên bờ sông Mã, thuộc các xã Nà Nghịu, Chiềng Sơ, Chiềng Khoong (huyện Sông Mã). Dần dần cây nhãn ngày càng mở rộng diện tích và trở thành đặc sản của vùng này. Cây nhãn đã trở thành cây xóa đói giảm nghèo cho bà con dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Sông Mã nói riêng và tỉnh Sơn La nói chung.
Đặc biệt, bên cạnh chế biến quả tươi, tỉnh Sơn La còn đẩy mạnh chế biến nhãn tươi thành long nhãn. Hiện nay, toàn tỉnh có trên 600 cơ sở chế biến long nhãn, có 2 làng nghề chế biến long nhãn ở bản Hải Sơn và Hồng Nam, xã Chiềng Khoong, huyện Sông Mã. Nâng cao giá trị sản phẩm nhãn, Sở Công Thương đã chủ động phối hợp với các sở, ngành có liên quan tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1818/QĐ-UBND ngày 28/7/2021 của UBND tỉnh về việc quy định nội dung và mức hỗ trợ đầu tư các cơ sở chế biến, bảo quản sản phẩm nhãn và nông sản khác.
Theo đó, tỉnh đã hỗ trợ 726 kho bảo quản lạnh, đông lạnh, công ten nơ đông lạnh, lò sấy hơi nhiệt, nhiệt lạnh và dây truyền máy móc với tổng kinh phí hơn 27,4 tỷ đồng. Ngoài ra, còn hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị sản xuất chế biến các loại hoa quả và nông sản khác cho một số cơ sở công nghiệp nông thôn theo chính sách khuyến công với kinh phí hỗ trợ là hơn 2,2 tỷ đồng.
Thời gian qua, Trung tâm Khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp - Sở Công Thương Sơn La đã hỗ trợ cho 2 cơ sở (long nhãn Đạt Thủy ở huyện Mai Sơn; long nhãn Bảo Minh ở huyện Sông Mã) tham gia bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh và cấp khu vực phía Bắc năm 2022. Trong đó, Công ty TNHH một thành viên Đạt Thủy đã đạt giải tại cơ sở công nghiệp nông thôn có sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp khu vực phía Bắc. Năm 2021, sản phẩm long nhãn sấy khô do Công ty TNHH một thành viên Đạt Thủy, huyện Mai Sơn sản xuất được chứng nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh.
Hiện nay, long nhãn sấy khô của HTX Bảo Minh ở huyện Sông Mã (Sơn La) là một trong những sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 3 sao, có lối canh tác an toàn theo tiêu chuẩn Viet GAP.
Đến nay, Sơn La có 5 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; duy trì, phát triển 280 chuỗi cung ứng thực phẩm nông sản, thuỷ sản an toàn; cấp 294 mã số vùng trồng với diện tích trên 3.150 ha; 28 sản phẩm được cấp bảo hộ nhãn hiệu mang địa danh của tỉnh; 150 sản phẩm OCOP...
Đưa nông sản Sơn La tham gia chuỗi giá trị toàn cầu
Khởi hành xuất khẩu nhãn sang thị trường Trung Quốc, EU và Vương Quốc Anh GB năm 2023. |
Cùng với xây dựng vùng nguyên liệu, năm 2023, hoạt động xúc tiến thương mại để lại nhiều dấu ấn. Ông Nguyễn Văn Bắc, Giám đốc Sở Công Thương, vui mừng: Sở Công Thương phối hợp các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố đẩy mạnh hoạt động liên kết sản xuất, chế biến, xúc tiến thương mại, phát triển thương mại điện tử, tìm kiếm, mở rộng thị trường xuất khẩu. Nổi bật, Hội chợ ASEAN - Trung Quốc lần thứ 23 (CAEXPO 2023) tại thành phố Nam Ninh, Quảng Tây, Trung Quốc. Tuy là lần đầu tiên tham dự, nhưng gian hàng trưng bày, giới thiệu về tỉnh Sơn La vinh dự được Ban tổ chức Hội chợ trao giải thiết kế và tổ chức Khu Gian hàng quốc gia ấn tượng nhất.
Với nhiều giải pháp tích cực, hoạt động xuất khẩu nông sản tỉnh Sơn La đạt kết quả nổi bật. Sản phẩm nông sản của tỉnh nhận được sự quan tâm, đánh giá cao của các đối tác chế biến, xuất khẩu và người tiêu dùng trong, ngoài nước. Năm 2023, giá trị nông sản, thực phẩm tham gia xuất khẩu của tỉnh Sơn La ước đạt 177,6% triệu USD, tăng 8,8% so với năm 2022. Các sản phẩm nông sản xuất khẩu, chủ yếu: Cà phê 22.800 tấn, sắn trên 78.000 tấn, chè 10.600 tấn, nhãn trên 5.430 tấn, chanh leo trên 1.400 tấn và chuối trên 4.500 tấn...
Hiện nay, Hiệp định EVFTA tạo điều kiện cho xuất khẩu nông sản Sơn La vào thị trường EU thuận lợi hơn khi được ưu đãi thuế quan. Tuy nhiên, các hàng rào phi thuế quan được dựng lên ngày càng nhiều. Ông Nguyễn Thành Công, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La, thông tin: Ngày 16/5/2023, Nghị viện châu Âu thông qua quy định chống phá rừng châu Âu (EUDR). Theo đó, EU cấm nhập khẩu các mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ, cà phê, cao su của Việt Nam nếu được sản xuất trên đất phá rừng kể từ sau ngày 31/12/2020; tất cả 100% các sản phẩm nông nghiệp vào EU phải có thông tin định vị (GPS) bằng hệ thống giám sát viễn thám.
Chủ động thích ứng với các quy định của phía bạn, UBND tỉnh Sơn La xây dựng, ban hành kế hoạch, giao nhiệm vụ cụ thể các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố triển khai khung hành động thực hiện thích ứng với Quy định xuất khẩu các hàng hóa và các sản phẩm có liên quan đến gây mất rừng và suy thoái rừng của châu Âu (EUDR). Cùng với đó, tỉnh Sơn La tiếp tục phát triển vùng nguyên liệu theo chuỗi liên kết; tăng cường cập nhật thông tin thị trường; đẩy mạnh hoạt động chế biến nông sản; ứng dụng chuyển đổi số trong các hoạt động xúc tiến thương mại; tăng cường tính liên kết vùng để phát triển các trung tâm dịch vụ logistics giảm chi phí vận chuyển, hỗ trợ các dịch vụ xuất khẩu.
Với sự đồng hành của cấp ủy, chính quyền địa phương, sự chủ động của doanh nghiệp và sự nỗ lực của hộ dân, năm 2023, nông sản Sơn La có thêm những bước tiến, chinh phục thị trường mới tiềm năng như Scotlen và một số nước thuộc EU, Bắc Mỹ, Trung Đông. Đây là động lực để tỉnh Sơn La phấn đấu hoàn thành mục tiêu đặt ra cho năm 2024 xuất khẩu đạt 186 triệu USD, tăng 8,8% so với năm 2023, đưa giá trị nông sản, thực phẩm vươn xa ra thế giới.
Xây dựng vùng cây ăn quả chất lượng cao |
Sản phẩm OCOP mới của Mai Sơn |
Trồng rau an toàn ở Tân Lập |