![]() |
Nỗ lực thúc đẩy xuất nhập khẩu nửa cuối năm 2023 |
Theo Tổng cục Hải quan, nửa đầu tháng 7 (1-15/7), kim ngạch nhập khẩu hàng hóa có chiều hướng tăng so với nửa cuối tháng 6/2023.
Cụ thể, nửa đầu tháng 7, kim ngạch nhập khẩu đạt 13,4 tỷ USD, tăng 5,5% so với nửa cuối tháng 6/2023, tương đương kim ngạch tăng thêm khoảng 700 triệu USD.
Hai nhóm hàng nhập khẩu đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên trong nửa đầu tháng 7 là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng.
Trong đó, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tiếp tục duy trì là nhóm hàng có kim ngạch lớn nhất với 3,7 tỷ USD, trong khi máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng đạt 1,71 tỷ USD.
Các nhóm hàng nhập khẩu khác có kim ngạch lớn đạt hàng trăm triệu USD như: than, dầu thô, vải, sắt thép, điện thoại và linh kiện…
Việc nhập khẩu hàng hóa có xu hướng tăng được kỳ vọng sẽ là động lực thúc đẩy sản xuất và xuất khẩu hàng hóa trong thời gian tới.
Dù có chiều hướng tăng trong nửa đầu tháng 7 nhưng tính chung từ đầu năm đến 15/7, kim ngạch nhập khẩu vẫn giảm sâu so với cùng kỳ năm ngoái. Cụ thể, đến 15/7, kim ngạch nhập khẩu chỉ đạt 165,2 tỷ USD, giảm 37,2 tỷ USD so với cùng kỳ năm ngoái.
Ở chiều ngược lại, xuất khẩu hàng hóa trong nửa đầu tháng 7 đạt 13,81 tỷ USD, giảm 12% so với cùng kỳ. Lũy kế từ đầu năm đến nửa đầu tháng 7, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 178.45 tỷ USD, giảm 11,4% so với cùng kỳ.
![]() |
Trong nỗ lực thúc đẩy xuất nhập khẩu nửa cuối năm, Bộ Công Thương đang rốt ráo tổ chức chuỗi sự kiện “Kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa quốc tế” (Viet Nam International Sourcing 2023) tại TP. Hồ Chí Minh vào tháng 9/2023.
Chuỗi sự kiện là hoạt động nhằm tích cực triển khai Đề án “Thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam tham gia trực tiếp các mạng phân phối nước ngoài đến năm 2030” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1415/QĐ-TTg ngày 14 tháng 11 năm 2022.
Sự kiện dự kiến thu hút 8.000 lượt khách tham quan, giao dịch với 150 đoàn quốc tế đến từ 30 quốc gia và vùng lãnh thổ. Ban tổ chức cũng phối hợp với các địa phương để đưa các đoàn thu mua về khảo sát doanh nghiệp tại một số địa phương.
Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) cho biết, sự kiện kỳ vọng hỗ trợ hiệu quả cho doanh nghiệp trong nỗ lực tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu, xuất khẩu trực tiếp vào các mạng phân phối nước ngoài; đầu tư bài bản để đổi mới quá trình sản xuất từ nguồn nguyên liệu đầu vào tới máy móc thiết bị, thông qua đó sản xuất ra các sản phẩm có nhiều giá trị gia tăng với chất lượng tốt.
Thông tin từ đơn vị tổ chức, lúc này, hàng loạt đại siêu thị, các nhà phân phối bản lẻ nước ngoài đang lên danh sách mua thực phẩm, dệt may, giày dép, ba lô, đồ thể thao và dã ngoại, đồ gia dụng và nội thất... từ các nhà cung ứng Việt Nam.
Các tập đoàn bán lẻ lớn như như Aeon, Uniqlo (Nhật Bản); Walmart, Amazon, Boeing, AES (Mỹ), Carrefour, Decathlon (Pháp); Central Group (Thái Lan); Coppel (Mexico)… đã xác nhận hiện diện tại sự kiện kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa quốc tế.