Festival bảo tồn và phát triển làng nghề Việt Nam 2023 sắp diễn ra tại Hà Nội Nghệ nhân nặng lòng giữ nghề làm đồ chơi trung thu truyền thống Nghệ nhân Mai Hạnh: Một đời “phải lòng” hoa lụa |
Nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát. |
Bộ sưu tập 1.000 tác phẩm Rồng
Từ trung tâm Hà Nội, chúng tôi di chuyển khoảng 50km về Đường Lâm (thị xã Sơn Tây) thăm nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát. Dù là những ngày giáp Tết, nhưng ông vẫn miệt mài làm việc để hoàn thiện bộ sưu tập 1.000 tác phẩm rồng nhân dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024.
Dẫn chúng tôi tham quan không gian trưng bày 1000 tác phẩm rồng, nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát cho biết, năm nay là Giáp Thìn. Theo quan niệm của người Việt, rồng có vị trí đặc biệt, là linh vật đứng đầu trong tứ linh (Long, Lân, Quy, Phụng). Rồng đại diện cho quyền lực, sự may mắn, thịnh vượng và thăng tiến. Vì thế, ông quyết định thực hiện 1.000 tác phẩm rồng độc bản với các nguyên liệu quen thuộc của xứ Đoài như gỗ mít, đá ong, gốm, tre.
Điểm nhấn trong bộ sưu tập 1.000 tạo tác rồng - tiên là chiếc ghế được dát 2.500 lá vàng và con số 1.000 cũng gắn với Thăng Long nghìn năm văn hiến. Ghế có hình con rồng với 5 móng vững chãi và mạnh mẽ, đuôi rồng như lá bồ đề, tư thế uốn lượn mang đậm ý nghĩa về văn hóa cội nguồn của người Việt Nam.
Tạo tác rồng độc bản trong bộ sưu tập 1.000 tác phẩm đón năm Giáp Thìn 2024. |
Một ý nghĩa nghệ thuật mà nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát tâm đắc với bộ ghế Rồng chính là “Lão long huấn tử” tức “Rồng già dạy rồng con”. Giới thiệu về bộ ghế này, nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát cho biết, linh vật rồng được khắc tạc phỏng theo hình tượng rồng thời Lý. Đó là thời kỳ hình tượng con rồng Việt xuất hiện rõ nét nhất, nó mang được đúng hết tính chất của người Việt Nam như nhẹ nhàng, thanh tao và không bị lẫn với hình tượng rồng khác trên thế giới.
Hiểu sâu hơn, khi giành được độc lập, nhà Lý lên ngôi và đặt tên nước là Đại Việt. Hình ảnh "Rồng bay lên" - Thăng Long tượng trưng cho khí thế vươn lên của dân tộc. Rồng thời Lý còn tượng trưng cho mơ ước của cư dân trồng lúa nước nên luôn được thể hiện trong khung cảnh trời mây, non nước.
Ngoài ra, đuôi rồng được chạm khắc theo hình chiếc lá bồ đề nhằm nhấn mạnh hình ảnh rồng thời kỳ phật giáo phát triển. Hình móng rồng cũng là hình ảnh rồng năm móng nhằm tăng thêm sự mạnh mẽ, vững chãi và tác phẩm được làm từ sơn mài truyền thống trên gỗ với vẻ đẹp vĩnh cửu.
Còn nhiều trăn trở
Gia đình nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát vốn có truyền thống đam mê mỹ thuật. Tiếp nối truyền thống gia đình, sau khi học hết phổ thông, ông thi đỗ vào Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp, chuyên ngành hội họa sơn mài. Vừa học, ông tranh thủ thời gian xin làm việc cho một số cửa hàng thủ công, mỹ nghệ có tiếng ở phố cổ Hà Nội để học hỏi sâu hơn về sơn mài.
Sau khi tốt nghiệp, ông còn tìm về làng nghề sơn mài Hạ Thái (huyện Thường tín, Hà Nội) xin học nghề để tích lũy thêm kiến thức và kinh nghiệm. Đến nay, Nguyễn Tấn Phát đã theo đuổi con đường làm nghệ thuật sơn mài được hơn 20 năm.
Ông bảo, mỗi tác phẩm điêu khắc sơn mài chứa đựng nhiều tâm huyết, kỳ công. Thường phải mất cả tháng mới hoàn thành, vì phải trải qua hàng chục công đoạn, từ lên ý tưởng, đến đục, đẽo tạo dáng cho khối gỗ, rồi phủ lên cả chục lớp sơn, đánh bóng, khảm trai, vẽ tạo phần hồn. “Riêng mỗi bộ sưu tập trong 12 con giáp thì phải mất 2 năm, từ khâu lên ý tưởng, chế tác và cho ra sản phẩm”, nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát chia sẻ.
Từ khi làm nghề đến nay, nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát đạt được nhiều giải thưởng cao quý. Năm 2017, ông được UBND thành phố Hà Nội phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân Hà Nội”. Ông cũng 2 lần đoạt: “Giải Nhất thiết kế mẫu thủ công mỹ nghệ Hà Nội” các năm 2014, 2019; “Giải Khuyến khích Mỹ thuật ứng dụng toàn quốc” năm 2019.
Bên cạnh việc không ngừng tìm tòi, học hỏi để nâng cao sức sáng tạo cho bản thân mình, ông còn mở những khóa dạy học, đào tạo học viên điêu khắc sơn mài hoàn toàn miễn phí.
Tượng rồng - trứng được nghệ nhân lấy cảm hứng từ truyền thuyết mẹ Âu Cơ đẻ trăm trứng. |
Dù đã thành công, nhưng nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát cũng còn nhiều trăn trở với nghề truyền thống sơn mài. Ông bảo, hiện nay các làng nghề sơn mài gặp nhiều khó khăn, từ việc tiếp cận thị trường, vốn, kinh nghiệm, tư duy và định hướng sản phẩm. Thêm vào đó, sản phẩm thủ công mỹ nghệ của Việt Nam hiện nay khá yếu kể cả về mẫu mã và thị trường phân phối hoặc về mặt quản lý Nhà nước. Trong khi đó, việc tiêu thụ sản phẩm thì chưa có định hướng chiến lược hỗ trợ cụ thể từ cơ quan chức năng mà người dân phải “tự biên, tự diễn”.
Hơn nữa, việc bảo vệ thương hiệu quyền tác phẩm của đồ thủ công mỹ nghệ tại Việt Nam còn nhiều hạn chế. Bên cạnh đó, Chương trình Thương hiệu Quốc gia lại chưa hướng tới các sản phẩm thủ công mỹ nghệ. Ví như, sản phẩm thủ công mỹ nghệ khó đáp ứng được tiêu chí về chất lượng và đổi mới - sáng tạo trong hệ thống các tiêu chí xét chọn sản phẩm đạt thương hiệu quốc gia.
Dù vậy, khát khao lớn nhất của nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát là đưa hàng thủ công mỹ nghệ truyền thống của Việt Nam phủ khắp năm châu. Ông luôn đau đáu làm sao để các sản phẩm thủ công mỹ nghệ của Việt Nam có chỗ đứng trên thị trường thế giới. Riêng với việc truyền nghề cho người dân làng cổ Đường Lâm, ông mong muốn cùng bà con giữ được làng nghề cổ để du khách đến đây có nơi tham quan, tìm hiểu về nghề điêu khắc sơn mài, hoặc trải nghiệm trực tiếp.
Bên cạnh đó, ông cũng mong muốn được sự giúp sức của chính quyền, cơ quan quản lý trong việc liên kết với các công ty du lịch để cùng xây dựng điểm đến, hình thành tour du lịch làng nghề tại Sơn Tây. Bởi, việc phát triển du lịch đồng nghĩa với thúc đẩy kinh tế, tạo thêm việc làm cho người dân địa phương và hỗ trợ đào tạo nghề.