Làng Hậu Ái (xã Vân Canh, huyện Hoài Đức, Hà Nội) được nhiều người biết đến với danh xưng là cái nôi của việc sản xuất đèn lồng từ thời xa xưa. Nhiều năm về trước, mỗi dịp Tết Trung thu ở làng này, nhà nhà, người người đều bận rộn, xe cộ ra vào tấp nập lấy đèn ông sao, đèn cá chép và các đồ chơi truyền thống để giao đi khắp nơi. Tiến sĩ giấy thôn Hậu Ái đã vang xa đến khắp các tỉnh trong Nam ngoài Bắc.
Trước sự cạnh tranh với đồ chơi ngoại nhập, người dân nơi đây đã không còn mặn mà với nghề làm đồ chơi trung thu truyền thống. Hiện nay, cả làng Hậu Ái chỉ còn duy nhất gia đình Nghệ nhân Nguyễn Thị Tuyến còn làm nghề này.
![]() |
Nghệ nhân Nguyễn Thị Tuyến đang tạo hình đèn ông sao |
Vừa thoăn thoắt ghép nứa, dán giấy, buộc dây để hoàn thiện đèn ông sao, Nghệ nhân Nguyễn Thị Tuyến vừa tâm sự: "Ngay từ khi lên 8 tuổi, tôi đã làm quen với nghề làm đồ chơi trung thu truyển thống. Trước đó có khoảng 10 gia đình trong làng theo nghề làm đồ chơi, thế nhưng hiệu quả kinh tế đem lại không cao, đồ chơi truyền thống dần bị mai một nên bây giờ chỉ còn duy nhất gia đình tôi giữ nghề".
![]() |
Tiến sĩ giấy, đèn ông sao, đèn con cá, ông đánh gậy... mang đậm chất dân gian Việt Nam. |
Theo Nghệ nhân Nguyễn Thị Tuyến chia sẻ, hiện tại gia đình chủ yếu làm đèn ông sao, đèn lồng hình con cá, và nhiều nhất là làm tiến sĩ giấy, ông đánh gậy...Nghệ nhân giải thích về ý nghĩa của từng món đồ chơi như đèn ông sao năm cánh tượng trưng cho đất nước Việt Nam hòa bình, ông tiến sĩ giấy được bày biện trên mâm cỗ trung thu với mong muốn con cái đỗ đạt, thành tài. Đi kèm với ông tiến sĩ giấy luôn có 2 ông đánh gậy trông trăng đi cùng, bởi xưa đỗ tiến sĩ là ra làm quan và quan là phải có quân lính đi cùng.
"Để làm ra một ông tiến sĩ giấy phải mất khoảng hai ngày, tính từ khi tìm nguyên liệu đến lúc hoàn thành. Ông tiến sĩ phải qua 25 công đoạn, còn để làm hai ông đánh gậy trông trăng đi kèm phải qua 36 công đoạn. Làm đồ chơi truyền thống đòi hỏi sự tỉ mỉ, khéo léo và cần phải đặt cái tâm của người làm vào mỗi sản phẩm", Nghệ nhân Nguyễn Thị Tuyến cho biết thêm.
![]() |
Tiến sĩ giấy được Nghệ nhân Tuyến làm tỉ mỉ, khéo léo. |
Làm đồ chơi thủ công vốn đòi hỏi nghệ nhân phải dành nhiều tâm sức và đầu tư thời gian. Thậm chí, với những công đoạn liên quan đến khung nứa, rất dễ khiến tay bị thương. Để hoàn thành một sản phẩm cần phải mất rất nhiều thời gian.
![]() |
Những đồ chơi trung thu truyền thống bắt mắt. |
Ông Nguyễn Đức Khôi, chồng Nghệ nhân Nguyễn Thị Tuyến cho hay: "Không giống như những nghề truyền thống khác, nghề làm đồ chơi trung thu dân gian này chỉ bận nhất vào 1-2 tháng trước Rằm Trung thu. Thế nhưng khâu chuẩn bị nguyên liệu như tre nứa, giấy màu, hồ dán giấy... phải chuẩn bị từ tháng 5 âm lịch để sẵn sàng đáp ứng đơn hàng của khách. Đặc biệt những ngày giáp Tết Trung thu như những ngày này, hai vợ chồng tôi phải làm đến 1-2 giờ sáng".
![]() |
Ông Nguyễn Đức Khôi miệt mài vót tre nứa để tạo hình sản phẩm. |
Ông Khôi cũng cho biết, nghề làm đồ chơi trung thu truyền thống có lãi không đáng kể. Giá của mỗi loại đồ chơi dao động từ 30.000 - 60.000 đồng tuỳ sản phẩm. Thế nhưng với lòng yêu nghề truyền thống làm đồ chơi dân gian nên gia đình vẫn quyết tâm giữ nghề.
Tuy vậy, gia đình bà Nguyễn Thị Tuyến vẫn trăn trở, sau này khi ông bà già yếu, sẽ không có ai nối tiếp nghề truyền thống của làng. Và trong tương lai không xa, nguy cơ về một làng nghề Hậu Ái truyền thống trước đây sẽ chỉ còn trong ký ức, qua những câu chuyện kể.