Một góc Hà Nội được nhào nặn qua bàn tay khéo léo của các nghệ nhân |
Truyền thống trong thời hiện đại
Được hình thành từ bàn tay khéo léo và tâm huyết, tò he đã đi vào đời sống tinh thần của biết bao thế hệ người dân đất Việt. Những người nghệ nhân như ông Nguyễn Văn Tá đã “biến” thứ bột nặn thành những sản phẩm nghệ thuật đầy sáng tạo, đa sắc màu.
Ban đầu, người ta gọi tò he là đồ chơi chim cò bởi tò he được nặn thành hình con chim, con cò… những con vật gần gũi với đời sống của cư dân nông nghiệp. Sau này, sản phẩm thường gắn với một chiếc kèn ống sậy, khi thổi lên có tiếng kêu ngắt quãng tò… te… tò… te. Có lẽ vì thế người ta gọi là “tò te”, sau nói chệch thành “tò he”.
30 năm tròn ông Nguyễn Văn Tá theo nghề nặn tò he, với bàn tay lặng lẽ nhưng vẫn miệt mài cùng bao sóng gió thời cuộc. Giữ lửa truyền thống trước dòng chảy hiện đại chưa bao giờ khó khăn đến thế, ấy vậy mà ông vẫn kiên trì gìn giữ “ kí ức “ của biết bao thế hệ.
"Để mà bảo nghề này có từ khi nào thì tôi cũng chỉ biết có từ rất lâu lắm rồi. Tôi bắt đầu đi làm nghề từ những năm 90, thời đấy chuộng tò he hơn nhiều. Để nặn được con tò he đẹp thì người nặn cần phải rất tỉ mỉ, thổi hồn vào con vật thì nó mới sinh động. Bây giờ vẫn có nhiều người nhìn thấy con tò he là thích lắm, không cứ là trẻ nhỏ mà còn có cả người lớn cũng đều thích." ông Tá chia sẻ.
Nghê nhân Nguyễn Văn tá đang thổi hồn vào những "con bột" |
Nghề làm đồ chơi dân gian cần nhiều sự kiên nhẫn, giữa đam mê và cơm áo, có bao giờ thực tại khiến ông nản chí?
“Làm cái này rất nhiều công đoạn, từ luộc bột cho đến nhào bột, tạo màu. Nhiều lúc đi làm nắng mưa hỏng bột là chuyện bình thường, nhưng kệ nó chứ, mình giữ được cái nghề truyền thống tò hecủa quê hương Xuân La chúng tôi là tôi rất vui. Tôi cứ làm, giữ cái nghề ấy để truyền lại cho con cháu, để cho sau này khi các cháu lớn lên có thể tự hào được sinh ra trong Làng nghề truyền thống tò he. Cứ cố gắng thôi rồi sẽ nhận được kết quả xứng đáng”.
Hành trình đầy khó khăn
Ông Nguyễn Văn Tá cùng những cây tò he trên đường phố |
Việc gìn giữ và phát triển nghề nặn tò he truyền thống đã và đang đối diện với nhiều thách thức, nhất là sự “lên ngôi” của đồ chơi công nghệ. Nhưng bằng tình yêu và niềm say mê, ông quyết tâm theo nghề đến cùng.
"Thực ra để mà nói có gì kết nối tôi với cái nghề này thì cũng không hẳn vì đây là nghề truyền thống mà! nó cứ truyền từ đời này sang đời khác rồi các thế hệ cũng thay nhau kế thừa duy trì và phát triển nó thôi! tôi đã được tiếp xúc với tò he từ bé rồi nên có lẽ bản thân tôi đã cảm thấy yêu thích và đam mê như cha ông tôi vậy, lâu dần tôi cũng mày mò học theo rồi bị "cuốn" vào từ lúc nào không hay".
Khao khát gìn giữ hồn dân tộc
Có nhiều nghề tốt hơn sao lại không làm, mà mấy ai còn chơi cái này nữa đâu mà làm gì cho nó cực?
“Không, nghề truyền thống mà, nói bỏ là bỏ làm sao được, tuy làm nghề Tò He đang bị mai một nhưng vẫn phải là người giữ lửa truyền lại nghề cho con cháu, để sau này chúng nó còn nhớ đến nguồn gốc, ngọn ngành của Tò He Xuân La chúng tôi”.
Ông Nguyễn Văn Tá chia sẻ lửa nghề cho các bạn trẻ |
Dù đã ngoài 70, nhưng qua những chia sẻ đầy tâm huyết chúng tôi thấy được lửa nghề trong người nghệ nhân này vẫn được nung nấu chảy mãi với thời gian.
“Mặc dù hiện tại tôi biết có nhiều thứ đồ chơi còn bắt mắt và hiện đại nhưng tò he vẫn là thứ gì đó khác biệt hơn hẳn, thời gian sau này có thể mọi người sẽ quên đi những con thú bằng bột này nhưng tôi vẫn luôn tự hào vì nó đã hiện hữu trong lòng một thế hệ người Việt, rồi lúc ngồi kể lại hay nhắc lại ít gì cũng có những tư liệu truyền lại cho đời sau, tôi cũng tự hào nhiều lắm khi mà bản thân được đóng góp chút gì đó vào gìn giữ văn hóa của dân tộc..”
Giữa những món đồ chơi trung thu hiện đại, con giống bột mang vẻ đẹp giản dị nhưng không kém phần đặc sắc. Sự quan tâm, yêu mến của người chơi là thành quả xứng đáng cho quá trình nỗ lực không ngừng nghỉ của người nghệ nhân già, đây cũng là động lực để ông tiếp tục hành trình khôi phục và khẳng định vị trí của những tác phẩm tò he truyền thống.