![]() |
Cửa hàng nhỏ, đơn xơ chất đầy những chiếc khuôn bánh Trung thu bằng gỗ |
Ngày nay khi xã hội đã phát triển, khuôn bánh trung thu cũng được sáng tạo rất nhiều mẫu mã khác nhau. Nhằm đáp ứng nhu cầu tiện lợi cần là có ngay, người ta thường chọn mẫu khuôn nhựa thay cho khuôn gỗ đúc thủ công. Khi phương pháp công nghiệp chiếm ưu thế hơn so với phương pháp làm thủ công. Trong cuộc sống hiện đại hóa vẫn có những người thợ miệt mài ngày đêm để đúc ra những khuôn bánh gỗ.
Nằm trên con phố Hàng Quạt (Hà Nội), còn duy nhất nghệ nhân Phạm Văn Quang vẫn miệt mài hơn 40 năm gìn giữ được nghề làm khuôn bánh Trung Thu thủ công. Cửa hàng của ông chỉ rộng vài mét vuông, với tấm biển đơn sơ mộc mạc và cũ kĩ giữa lòng Hà Nội.
Ông Quang xuất thân từ một gia đình làm nghề mộc, chính ông cũng chẳng biết mình đã bén duyên với cái nghề làm khuôn bánh từ bao giờ.
“Hồi bé tôi cũng đam mê đục đẽo gỗ, cũng tự mày mò học rồi cứ thế làm. Cũng không biết cái nghề theo từ bao giờ. Nghề mộc gắn liền với cuộc sống của gia đình, không phải đi học nghề, đây là cái nghề của nhà, nghề của làng”, ông Quang chia sẻ.
![]() |
Những khuôn bánh Trung thu mang đậm vẻ đẹp truyền thống |
Cái đẹp, giá trị tinh hoa cốt lõi của từng sản phẩm làm ra trong mắt khách hàng
“Cái đẹp không thể tự nhận được, mà phải do chính những người khách đánh giá. Người này, người kia tìm đến mình thì đó mới là giá trị, mình thể hiện được tại sao lại làm được nghề này”, theo tiêu chuẩn cái đẹp của ông Quang.
Ông Quang cho hay: Khi biết cách chắt lọc được tinh túy của khách, khách hàng cũng giống như xã hội, người ta đến đòi hỏi mình một cái gì đấy, mình biết xã hội đang cần cái này, 1 người chưa làm, 2 người để tâm, 3 người thì mình làm. Mình làm thử, nhiều người mua thì cứ tiến tới làm đó chính là cảm nhận được ứng dụng của cuộc sống.
Những khuôn bánh này cũng vậy, từng hình dáng, chi tiết trên khuôn đều có nét riêng biệt. Nói đến giá trị của những cái khuôn gỗ ông Quang tâm sự: “Tôi đúc từng khuôn bánh thủ công bằng tay, mỗi khuôn như là một bức tranh, đằng sau là cả một câu chuyện, văn hóa, ý nghĩa khác nhau. Bây giờ, những khuôn bánh làm bằng nhựa được sản xuất công nghiệp bằng máy móc nhìn không có hồn như làm thủ công”.
![]() |
Từng chiếc khuôn bánh Trung thu với hình hình dạng và mẫu mã độc đáo |
Giữ nghề theo truyền thống nhưng cũng phải bắt kịp nhu cầu của thị trường hiện đại
Ông Quang chia sẻ: “Khuôn bánh này từ thời các cụ xa xưa đã làm rồi. Nét văn hóa đặc trưng của Việt Nam được khắc họa vào miếng ngỗ tạo ra một khuôn bánh. Cũng từ sở thích đam mê nên đến giờ tôi vẫn gìn giữ làm nghề này. Giờ cái gì công nghệ cũng làm được mình phải bắt kịp nhu cầu thị trường hiện nay, phải hiểu được người chủ, người thợ làm bánh và người mua họ muốn gì.”
Khi tiếp cận với khách hàng cũng vậy, ông Quang có nói: “Giống như khi đi câu cá phải có kỹ năng thả thính, thả mồi, phải biết cách thể hiện được cái tôi của anh, phải hiểu họ cần gì và muốn gì, đến khi người ta thấy mê thì mới đi vào việc chính, mới quyết định có lựa chọn mặt hàng của anh không.”
Được biết, bản thân ông Quang cũng xuất phát từ làng nghề truyền thống Thường Tín, đem văn hóa ở làng quê lên thành thị.
Theo chia sẻ của ông Quang: “Khách hàng chính là người đã dạy ông, là người thầy của ông. Tiếp xúc với bên ngoài xã hội, chắt lọc được tinh túy có người khen có người chê, có những vị khách đòi hỏi, vặn vẹo. Từ những thứ đó mình rút ra được kinh nghiệm, mình nhận ý muốn của khách, mình làm ra sản phẩm đưa cái sản phẩm ra thị trường cho chính khách hàng và thị trường là người đánh giá”.
Với nhiều năm kinh nghiệm về tay nghề, nắm bắt được tâm lý khách hàng ông Quang biết khách hàng muốn gì và cần gì.
“Mình phải nắm được ý muốn của khách, làm theo và chiều theo được đúng yêu cầu đấy của khách mới là cái cuốn hút được mọi người. Bởi vì khi người ta thích, mình chiều theo được, khi khách hàng mua và dùng khuôn của mình, họ lại bán được cho khách hàng kiếm được thu nhập và sang năm họ lại tìm đến mình thì sản phẩm mình làm ra mới là thành công. Ngược lại người ta không bán được hàng, thì năm sau có kéo người ta cũng không quay lại mua khuôn của mình” ông Quang chia sẻ.
![]() |
Nét đẹp tinh hoa truyền thống vẫn luôn tồn tại trong từng khuôn bánh Trung thu bằng gỗ |
Giá trị của sản phẩm quan trọng nhất khi nó được khách hàng công nhận
Chia sẻ về thời gian để hoàn thành một khuôn bánh hoàn chỉnh, ông Quang nói: “Đây là mặt hàng mĩ thuật, nên không có thời gian cụ thể được, nó còn tùy thuộc vào độ to nhỏ và độ khó dễ của từng loại khuôn.”
Công đoạn chọn gỗ để làm khuôn cũng vô cùng quan trọng, đòi hỏi người thợ phải am hiểu về các loại gỗ. Gỗ là một phần quan trọng để cho người thợ thổi hồn vào tạo ra một khuôn bánh có giá trị nghệ thuật và tinh hoa của cái đẹp. Một khuôn bánh cần có độ dẻo, độ rắn vừa phải, loại gỗ có độ mềm quá trong quá trình vệ sinh chùi rửa sẽ bị mất hoa văn. Khuôn bánh chịu sự va đập nhiều cần một loại gỗ có độ dẻo chống sự va đập trầy xước, để làm ra khuôn bánh cần sử dụng gỗ xà cừ hoặc gỗ thị.
Đối với ông Quang làm một khuôn mẫu không quan trọng thời gian mà quan trọng nhất vẫn là được lòng khách, “vừa ý khách thì có tiền, không vừa ý khách thì nó cũng thành rác”, ông Quang nói.
Về giá cả, ông Quang chia sẻ: “Không có một giá chung nào cả, khi khách hàng tìm đến bác đều sẽ tự định vị được giá trị của vật phẩm mà khách hàng muốn tìm. Làm được một khuôn, khách hàng khi đóng ra bánh mà bán được thì là ra vàng, không bán được thì cũng chỉ là củi. Cái giá trị nhất là giá trị nghệ thuật mà nghệ thuật thì phải được khách công nhận, chứ không được tự mình công nhận.” Hiện tại ông Quang cũng đã có tuổi nên cũng chỉ nhận làm khuôn bánh, các sản phẩm đồ gỗ khác trong tầm sức của mình.
![]() |
Với ông một chiếc khuôn có giá trị khi chúng được khách hàng công nhận |
Những khuôn bánh trung thu của ông Quang không chỉ được khách hàng trong nước biết đến, mà còn có cả khách nước ngoài. Sản phẩm của ông còn nức tiếng gần xa, được các đại sứ, tổ chức đặt hàng làm trong những dịp đặc biệt.
Ngoài sản phẩm chính là khuôn bánh, ông Quang còn làm các sản phẩm đồ gỗ khác như cửa võng, hoàng phi, bát bửu, con dấu, đồ thờ,....Các sản phẩm phục vụ cho chùa, đình, đền, nhà thờ họ và nhà thờ tư gia. Mỗi sản phẩm đều có ý nghĩa giá trị riêng. Đã có rất nhiều du khách nước ngoài ghé qua cửa hàng mua những sản phẩm này về để trang trí, làm quà lưu niệm.
Đã ngoài 70 tuổi, nhưng người đàn ông ấy vẫn luôn giữ cho mình những dòng suy nghĩ tích cực cùng bản lĩnh dám sống với nghề, quyết định làm trong tầm vừa đủ với sức mình.
“Đây là một nghề không như các nghề khác, nghề này đòi hỏi rất nhiều sức lực, trí tuệ và phải có sự thấm đẫm theo nghề, cũng giống như việc tiếp khách, mình phải hiểu được khách, nắm được ý muốn của khách hàng”, ông Quang tâm sự.