Thăng trầm thương hiệu nón Ba Đồn Khám phá làng nghề truyền thống Hà Nội - nơi lưu giữ văn hóa Việt Sản phẩm làng nghề truyền thống Hà Nội vươn xa trong kỷ nguyên mới |
Làng nghề đậu bạc kim hoàn Định Công
Làng nghề đậu bạc Định Công là một trong 4 làng nghề thủ công tinh xảo nhất ở đất Kinh kỳ xưa, bao gồm: “Lĩnh hoa Yên Thái, gốm Bát Tràng, bạc Định Công, đồng Ngũ Xã”. Đã từng có khoảng thời gian, làng bạc Định Công chìm dần vào quên lãng nhưng những người nghệ nhân đã miệt mài gìn giữ, níu lấy cái hồn của làng nghề đậu bạc.
![]() |
Làng nghề đậu bạc Định Công |
Làng Định Công Công hiện nay nằm bên bờ sông Tô Lịch, thuộc quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội. Nghề đậu bạc Định Công có khoảng 1500 năm. Sản phẩm làng nghề đậu bạc của Định Công nức danh khắp đất Kinh kỳ xưa và nhiều nghệ nhân được vào Kinh thành làm đồ trang sức cho Triều đình.
Trước thời Pháp thuộc, làng có hơn một nửa gia đình theo nghề truyền thống. Sau năm 1954, do thiếu nguyên liệu sản xuất, rất nhiều người dân làng Định Công đành bỏ nghề tổ truyền, nghề đậu bạc dần bị rơi vào quên lãng. Bên cạnh đó, kỹ thuật đậu bạc đòi hỏi sự khéo léo, tỉ mỉ rất cao, khi làm phải đều tay, các chi tiết hài hòa, cân xứng, vậy nên rất ít người có đủ tố chất để theo nghề.
Năm 1957, Nhà nước ra chính sách quản lý vàng bạc và nghề chế tác vàng bạc, tư nhân không được tự ý sản xuất, lưu hành. Người dân dù có tiền cũng không dám mua sắm, tích lũy. Ai lưu giữ từ hai chỉ vàng trở lên phải khai báo (nếu không sẽ bị thu hồi). Nhờ chính sách này mà trong giai đoạn từ năm 1959 đến năm 1964, hầu hết các hợp tác xã mỹ nghệ vàng bạc đều làm ăn phát đạt.
Nhà nước cung ứng vật tư, bao tiêu sản phẩm, chịu trách nhiệm khâu xuất nhập khẩu hàng hóa. Thợ kim hoàn ồ ạt gia nhập các hợp tác xã. Nhưng từ sau năm 1964, đặc biệt là giai đoạn 1970 - 1980, sau khi thị trường vàng bạc Đông Âu bị giảm sút, hàng hóa ế ẩm, Nhà nước không đủ sức bao tiêu, nghề đậu bạc lại rơi vào tình trạng trôi nổi. Đây là một trong số nguyên nhân khiến nghề kim hoàn Định Công mai một dần.
Vào giai đoạn trước năm 1985, nhiều thợ kim hoàn bỏ làng, bỏ nghề. Một số người ra nội thành kiếm kế sinh nhai nhưng số ít người có điều kiện để mở cửa hàng. Thậm chí, vào thời điểm này, kiếm một chỗ làm thuê cũng khó.
![]() |
Làng nghề đậu bạc Định Công |
Năm 1988 - 1989 với chính sách đổi mới cơ cấu kinh tế, Nhà nước công bố mở cửa cho các mặt hàng mỹ nghệ. Từ đấy, làng nghề đậu bạc Định Công không những được khôi phục mà còn có triển vọng lấy lại sự sầm uất vốn có xưa kia. Vào giai đoạn này, một người thợ Định Công dù làm công cũng dành ra được mỗi năm vài cây vàng. Hội Mỹ nghệ kim hoàn thành lập. Cửa hàng, cửa hiệu mọc lên khắp nơi. Nhưng sự thịnh vượng này cũng chỉ kéo đến năm 1995. Từ đó đến nay, mặc dù đời sống kinh tế chung của xã hội được cải thiện nhưng nghề đậu bạc Định Công lại bắt đầu một giai đoạn khó khăn mới.
Hiện nay, cùng nỗ lực của những thế hệ nghệ nhân, tiêu biểu là nghệ nhân Quách Phan Tuấn Anh, nghề đậu bạc dần tìm lại chỗ đứng. Dẫu vậy, để phát triển làng nghề đậu bạc Định Công là một vấn đề lâu dài.
Thách thức trong phát triển du lịch trải nghiệm
Một số làng nghề truyền thống Hà Nội phát triển theo các làng nghề để khách tham quan vừa trải nghiệm du lịch vừa sản xuất sản phẩm thủ công. Nếu thành công phát triển làng nghề truyền thống theo mô hình trải nghiệm thì đây sẽ là nguồn thu nhập không nhỏ đối với các nghệ nhân.
Chẳng hạn như làng nghề lụa Vạn Phúc là làng nghề thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước không chỉ bởi đây là làng nghề truyền thống lâu đời mà cảnh quan làng nghề thu hút. Làng gốm Bát Tràng (Gia Lâm) trước mùa dịch, vào những tháng cuối năm thường sôi động người, xe tấp nập ra vào mua hàng gốm, sứ mỹ nghệ,... cũng có nhiều hoạt động trải nghiệm để khách tham quan tự tay làm các công đoạn sản xuất gốm. Thế nhưng, điều này khó có thể áp dụng tại làng nghề đậu bạc Định Công. Bởi dĩ, làng nghề đậu bạc bây giờ chỉ gói gọn trong căn xưởng rộng chưa đầy 30m2 của nghệ nhân Quách Phan Tuấn Anh. Không gian nhỏ hẹp với một vài nghệ nhân rất khó tổ chức người ngoài vào tham quan.
![]() |
Thách thức trong phát triển du lịch trải nghiệm |
Anh Bùi Văn Anh, người thợ trẻ tuổi bắt đầu theo nghề khi UBND quận Hoàng Mai mở lớp dạy “vỡ lòng” cho các thanh niên trẻ trong quận. Anh bộc bạch, nghề này vất vả, thu nhập cũng chẳng được bao nhiêu, nhưng đã bắt đầu rồi lại không thể dừng lại được.
Khi được hỏi về việc có khách đến xưởng tham quan hay không, anh Văn Anh cho hay “Người ta thích mua bạc hay xem làm bạc thì thường lên phố, ở xưởng nhỏ này trừ thợ bọn anh chẳng có mấy ai đến. Chỗ này cũng là khu dân sinh, nếu không tìm hiểu có khi còn không biết có cái làng nghề này tồn tại”.
Hiện nay, làng nghề đậu bạc Định Công không hướng đến phát triển trải nghiệm du lịch, phần là do thiếu nhân lực, phần cũng là do chưa được đầu tư về cơ sở hạ tầng, kỹ thuật, khả năng tổ chức,quản lý, vốn kiến thức thị trường và kỹ năng mar-keting, truyền thông ở địa phương không được coi trọng. Hình thức quảng bá cho các sản phẩm chỉ qua các kênh internet và mạng xã hội (facebook, youtube,...) mang tính tự phát và không đạt hiệu quả mong muốn.
Để đưa nghề đậu bạc trở về thời hoàng kim, cũng như phát triển nơi đây thành khu du lịch, có lẽ cần nhiều hơn những nghệ nhân trẻ tràn đầy tình yêu và nhiệt huyết với nghề, hiểu được du lịch cộng đồng là giải pháp tạo ra công ăn việc làm, bảo đảm sinh kế, nâng cao thu nhập,... từ đó bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa làng nghề của địa phương.
![]() |
![]() |
![]() |