![]() |
Những năm gần đây, chào mào càng được giới chơi chim cảnh ưa chuộng. |
Trong khuôn khổ các hoạt động tổ chức tại Triển lãm và Hội thi Sinh vật cảnh khu vực miền Trung - Tây Nguyên mở rộng năm 2023 diễn ra tại TP Quy Nhơn từ ngày 19 - 28.8, sáng 20.8, tại bãi cỏ Trung tâm Hội nghị tỉnh, rất đông người yêu thích chim cảnh đã có mặt từ sớm để theo dõi Hội thi chim chào mào hót.
Ông Mai Chí Quốc, Trưởng tiểu ban Hội thi chim chào mào hót, cho biết: “Hội thi quy tụ 64 chim chào mào của các nghệ nhân trong tỉnh và các tỉnh khác, như: Gia Lai, Quảng Ngãi, Phú Yên, Khánh Hòa tham gia. Số lượng chim chào mào đăng ký dự thi giảm hơn so với số lượng đăng ký ban đầu, bởi thời điểm này đang là mùa chim thay lông, một số nghệ nhân tham gia các cuộc thi chim chào mào khác nên không về dự hội. Tuy vậy, Hội thi vẫn diễn ra sôi nổi, hấp dẫn, tạo được không khí giao lưu vui vẻ giữa các nghệ nhân nuôi chim chào mào trong và ngoài tỉnh, góp phần phát triển phong trào sinh vật cảnh của tỉnh nói chung, nghệ thuật nuôi chim chào mào hót nói riêng”.
![]() |
Rất đông người yêu thích chim cảnh đã có mặt từ sớm để theo dõi Hội thi chim chào mào hót. |
Không khí Hội thi đầy kịch tính, khi những chú chim trong lồng bắt đầu cất những tiếng hót đầu tiên chào mừng hội thi. Những kĩ năng của các chú chim chào mào như: lộn 360 độ, Đấu, tắm cóng đặc biết là giọng hót to, thanh là những tiêu chí chấm điểm của Ban giám khảo.
Ngoài dáng vẻ độc đáo, chào mào rất siêng hót, tiếng hót thánh thót với nhiều âm tiết và giọng điệu biến chuyển liên tục. Chào mào rất dễ thuần dưỡng, không cần công phu và tỉ mẩn như chăm sóc các loài chim “quý tộc” sơn ca, chích chòe, họa mi và giá cả cũng phải chăng. Có lẽ đây chính là lý do mà những năm gần đây, chào mào càng được giới chơi chim cảnh ưa chuộng.
![]() |
Tổ giám khảo Hội thi theo dõi chăm chú từng lồng chim để chấm các vòng đấu loại. |
![]() |
Trải qua các vòng đấu loại, tốp 10 chim chào mào được chọn vào vòng chung kết. |
Trải qua các vòng đấu loại, có 30 chim chào mào được lựa chọn vào top 30 của Hội thi tiếp tục thi đấu chọn ra top 20, top 10. Kết quả, Ban tổ chức trao giải nhất cho chim chào mào của nghệ nhân Nguyễn Ngọc Định, ở TX Sông Cầu (tỉnh Phú Yên); giải nhì thuộc về chim chào mào của nghệ nhân Trường Thi, ở xã Phước Thành (huyện Tuy Phước) - thành viên CLB trường chim Cỏ; 2 giải ba được trao cho nghệ nhân Hà Văn Thuận, ở xã Phước Thành (huyện Tuy Phước) và nghệ nhân Nguyễn Xuân Vinh, ở xã Phước An (huyện tuy Phước) đều là thành viên CLB chim cảnh 1932. Ngoài ra, Ban tổ chức còn trao 6 giải khuyến khích, 10 giải tốp 20, 10 giải tốp 30 cho các nghệ nhân có chim đạt giải tại các vòng đấu loại.
![]() |
Ban tổ chức trao giải nhất, nhì, ba cho 5 nghệ nhân đạt giải cao tại Hội thi. |
Chim chào mào thuộc họ chim sẻ biết hót, giọng hót trong trẻo thường từ 3 đến 4 âm thanh, nên chúng ta có thể dễ dàng nhận biết. Đặc điểm nhận dạng một chú chim chào mào là có hai má trắng, mào to dựng đứng lên, bên trên má trắng là má màu đỏ. Ở nước ta có điều kiện tự nhiên phù hợp để chim chào mào sinh sống. Thú chơi chào mào và tham gia các cuộc thi đã trở thành phong trào thu hút nhiều người tham gia khắp cả nước./.