Giao lưu nền văn hoá, ẩm thực hai nước Việt – Hàn tại Đà Nẵng Mâm cỗ Tết 3 miền: Linh hồn văn hóa ẩm thực Việt Nam Bánh khúc làng Diềm: Nét văn hóa ẩm thực đặc sắc của vùng đất Quan họ |
Mộc mạc quà quê
![]() |
Một đặc sản khác không thể bỏ qua khi tới Đường Lâm là món thịt quay đòn với hương thơm, vị ngon đặc trưng. |
Người Đường Lâm vẫn truyền cho con cháu rằng:
Dù ăn bánh kẹo mười phương
Không bằng kẹo lạc bộn đường quê tôi
Trắng phau là phong kẹo dồi
Giòn tan kẹo bột, bồi hồi tình quê
Chè kho ngọt lịm đam mê
Nhớ thịt quay đòn, tìm về Đường Lâm”.
Nằm cách trung tâm Hà Nội 45km, làng cổ Đường Lâm ở thị xã Sơn Tây, Hà Nội được biết đến là “đất hai Vua”, đến nay vẫn giữ được vẻ đẹp mộc mạc, giản dị cùng các phong tục, tập quán của một làng Việt cổ. Tính đến nay, làng cổ Đường Lâm đã thay đổi nhiều, không chỉ phát triển du lịch mà còn níu giữ du khách một cách ấn tượng thông qua văn hóa ẩm thực truyền thống.
Từ lâu, thưởng thức ẩm thực truyền thống là một trong những trải nghiệm đáng giá của du khách khi đến làng cổ Đường Lâm. Đó cũng là nét đặc trưng, tạo nên sức hấp dẫn và ấn tượng khó quên của du khách về Đường Lâm. Do đó, khi khách phương xa có dịp ghé thăm làng cổ Đường Lâm sẽ dễ nhận ra hương vị rất riêng của vùng đất cổ qua những món quà quê. Và hơn hết, nó còn là sự phản chiếu tâm hồn, là cái nết ăn, nết ở của người xứ Đoài.
Đến Làng cổ Đường Lâm, hình ảnh dễ bắt gặp nhất tại các ngôi nhà cổ hàng trăm năm tuổi là những chiếc chum đựng tương xếp trước sân nhà. Để có những mẻ tương thơm ngon, vào khoảng tháng Sáu hàng năm, khi nắng Hè lên tới đỉnh điểm, người Đường Lâm bắt đầu cho gạo vào xay, giã.
Sau đó, họ ngâm, đãi gạo nếp cái hoa vàng và đồ thành xôi, để nguội rồi đem ủ mốc cho có màu vàng như màu hoa cải. Đó mới là mốc tương chuẩn. Bí quyết để làm nên vị tương thơm ngon đặc biệt là dùng nước giếng Giang - giếng đá ong cho dòng nước trong và ngọt hơn các giếng khác trong làng. Sau đó, người ta cho các nguyên liệu vào chum, phơi dưới nắng Hè cho ngấu. Đó là kinh nghiệm tạo nên thứ tương khác biệt chỉ Đường Lâm mới có.
![]() |
Hình ảnh dễ bắt gặp nhất tại các ngôi nhà cổ hàng trăm năm tuổi là những chiếc chum đựng tương xếp trước sân nhà. |
Ngoài ra, kinh nghiệm du lịch làng cổ Đường Lâm không thể bỏ qua món gà mía thơm ngon, hấp dẫn. Cũng vẫn là món thịt gà nhưng thịt từ con gà Mía Đường Lâm lại tạo nên sự khác biệt. Xưa kia, Đường Lâm còn có tên là Kẻ Mía, vì thế, giống gà quý nuôi tại đây được gọi là gà Mía - đặc sản chỉ dâng cúng thần thánh và cung tiến vua. Ngày nay, gà Mía được người dân bảo tồn nguồn gene và phát triển thành sản phẩm nông nghiệp cao cấp của Đường Lâm.
Gà Mía không chỉ là sản vật quý mà còn là món đặc sản tuyệt ngon từng chỉ dành riêng cho vua chúa. Loại gà này được nuôi lớn bằng ngô, thóc, sắn có dáng nhỏ, da đỏ au và khi trọng lượng khoảng 2kg da sẽ chuyển vàng. Cho đến nay, gà Mía là món ăn tượng trưng cho sự đủ đầy, sung túc thường được dâng lên tổ tiên khi Tết đến Xuân về hay dịp lễ, hội làng. Tuy không còn quý hiếm như xưa nhưng món ăn bổ dưỡng này vẫn được thực khách ưa chuộng nhờ hương vị thơm ngon, đậm đà rất riêng của nó. Thịt gà Mía phải sử dụng khi thịt hấp đã nguội mới thấm được vị ngọt, thơm, mềm của thịt gà.
Một đặc sản khác không thể bỏ qua khi tới Đường Lâm là món thịt quay đòn với hương thơm, vị ngon đặc trưng. Nguyên liệu làm ra món ăn này là thịt ba chỉ với lớp da dày, hạt tiêu, nước mắm và không thể quên lá ổi thái nhỏ. Tảng thịt được tẩm ướp vừa đủ; quấn lên đòn tre và quay trong lò than hoa 6 tiếng. Trong khoảng thời gian đó người thợ nướng thịt cần tập trung để điều chỉnh mức nhiệt sao cho vừa đủ và vị trí của đòn quay đảm bảo thịt chín đều; ngon mắt. Thành phẩm là miếng thịt vàng ruộm với phần bì giòn tan cùng hương thơm khó thể quên. Phần thịt quay ngọt đặc trưng; đậm vị khiến du khách ăn mãi không ngấy.
![]() |
Kẹo lạc Đường Lâm. |
Sống ở làng cổ Đường Lâm, gia đình ông Cao Văn Hiền - Chủ Cơ sở Bánh kẹo Hiền Bao (xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây) để nhanh chóng bắt nhịp với sự thay đổi tư duy làm du lịch. Gia đình ông chọn sản phẩm kẹo dồi, kẹo lạc truyền thống để sản xuất phục vụ khách du lịch. Gia đình luôn ý thức rằng, việc đảm bảo an toàn thực phẩm là tiên quyết cho văn hóa ẩm thực truyền thống.
Ông Cao Văn Hiền chia sẻ: “Cộng đồng Làng cổ Đường Lâm từ người trồng trọt, đóng gói, bán lẻ sản phẩm đã đổi mới tư duy nhằm phục vụ khách du lịch tốt hơn trong những năm vừa qua. Do đó, việc đảm bảo an toàn thực phẩm luôn được đặt lên hàng đầu và lúc đó, không chỉ khách du lịch mà sức khỏe cộng đồng cũng sẽ được nâng lên”.
Các món ăn ẩm thực ở làng cổ Đường Lâm vẫn thường thiên về các phương pháp thủ công truyền thống. Mặc dù ngày nay, một số hộ cũng đã thực hiện các quy trình cơ giới hóa dây chuyền máy móc. Tuy nhiên, có những sản phẩm bắt buộc vẫn phải dùng phương pháp thủ công như cách thức nấu kẹo dồi đòi hỏi phải tập trung và độ chính xác cao, nếu không sẽ bị tổn thất và không cho ra được sản phẩm như ý. Ướp thịt quay đòn cũng vậy.
Hấp dẫn những tour du lịch trải nghiệm
![]() |
Nhu cầu thưởng thức du lịch và các sản phẩm du lịch thời nay ngày càng được củng cố và nâng cao hơn. |
Mỗi năm, làng cổ Đường Lâm đón khoảng 30.000 khách tới tham quan, trong đó có rất đông khách nước ngoài. Qua đó, làng cổ Đường Lâm đã níu giữ du khách một cách ấn tượng thông qua ẩm thực truyền thống. Sự thay đổi này đã góp phần đưa ẩm thực tại làng cổ Đường Lâm nhận giải thưởng sản phẩm du lịch bền vững ASEAN năm 2024.
Do nhu cầu thưởng thức du lịch và các sản phẩm du lịch thời nay ngày càng được củng cố và nâng cao hơn. Du khách không chỉ biết sử dụng các sản phẩm đã hoàn chỉnh mà còn có nhu cầu muốn xem quá trình làm ra các sản phẩm, từ việc chọn nguyên liệu, các dụng cụ được sử dụng để chế biến, lộ trình thời gian, cách thưởng thức, đồ gói, pha chế.
Để dáp ứng nhu cầu này của du khách, tại Đường Lâm đã đưa vào khai thác theo các tour du lịch trải nghiệm bao gồm làm kẹo các loại (kẹo lạc, kẹo vừng, kẹo dồi), gần đây là kẹo hạt bí, gạo lứt; làm bánh gai, chè lam. Hình thức này thu hút sự tham gia của cả khách trong nước và quốc tế.
Ngoài các sản phẩm trên, loại hình du lịch thu hái nông sản, rau củ, đi chợ Mía cũng được các tour du lịch xây dựng như các em học sinh Trung học Cơ sở tham gia thu hoạch và thưởng thức các sản phẩm nông nghiệp thu hái từ đồng ruộng, mang về các nhà hàng trong làng cổ để chế biến và thưởng thức.
Khi khách du lịch đến Làng cổ Đường Lâm ngày càng đông, nhu cầu trải nghiệm, thưởng thức ẩm thực làng cổ ngày càng nhiều. Tận dụng lợi thế khuôn viên rộng, không gian nhà cổ, sân vườn đẹp, rất nhiều hộ gia đình đã tổ chức dịch vụ thưởng thức ẩm thực ngay tại nhà, thu hút đông đảo du khách.
Mỗi năm, nhà hàng Bếp Làng Đường lâm đón hàng nghìn khách du lịch trong và ngoài nước đến thăm quan và thưởng thức hương vị từ làng. Bếp Làng Đường lâm ra đời từ những ký ức về bữa cơm gia đình, nơi cả nhà quây quần bên bếp lửa, nghe tiếng củi cháy tí tách, cảm nhận hương thơm của cá kho, gà Mía hấp, thịt quay đòn hay bát canh cua thanh mát mộc mạc mang đậm hồn quê.
Qua 4 năm triển khai dự án mô hình điểm thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ sản phẩm truyền thống, đảm bảo an toàn thực phẩm gắn với du lịch, văn hóa ẩm thực tạ làng cổ Đường Lâm, Cục chất lượng và chế biến thị trường thuộc Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã nhận thấy dự án thực sự có tác dụng tích cực, làm thay đổi tư duy, nhận thức của người dân về gìn giữ, phát triển những giá trị ẩm thực từ những làng nghề truyền thống.
Ông Nguyễn Văn Thuân - Cục Chất lượng chế biến và Phát triển thị trường (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) chia sẻ: “Vệ sinh an toàn thực phẩm tại Làng cổ Đường Lâm là một trong nhiều mô hình chúng tôi triển khai. Nếu có sự hỗ trợ của các doanh nghiệp trong và ngoài nước, Đường Lâm không chỉ giữ được hoạt động sản xuất cũng như văn hóa du lịch ẩm thực truyền thống, mà chúng tôi sẽ đưa vào đó những đổi mới để giúp mô hình này ngày càng hoàn thiện”.