Hơn 400 món ăn hội tụ tại Lễ hội Văn hóa ẩm thực TP. Hồ Chí Minh 2024 Festival Phở năm 2024: Tôn vinh ẩm thực truyền thống Nam Định Khai mạc Liên hoan văn hoá ẩm thực xứ Thanh năm 2024 |
Mâm cỗ Tết miền Bắc
Người Bắc có câu: “Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ/ Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh”... Hình ảnh đó đã trở thành một biểu tượng văn hoá đồng hành với biết bao thế hệ theo dòng thời gian.
Dù cuộc sống hiện đại hơn, trên mâm cơm ngày Tết sẽ có thêm nhiều biến tấu để món ăn lạ miệng hơn. Nhưng sau cùng vẫn không thể thiếu những món ăn truyền thống như bánh chưng, thịt mỡ, dưa hành.
Mâm cỗ Tết miền Bắc, đặc biệt là mâm cỗ Tết của người Hà Nội thường rất bài bản theo đúng nét cổ truyền. Tùy theo điều kiện gia đình mà chuẩn bị mâm cơm ngày Tết cho phù hợp. Mâm cỗ Tết thường có 4 bát, 4 đĩa tượng trưng cho tứ trụ, bốn mùa và bốn phương.
Cỗ lớn thì 6 bát 6 đĩa hoặc 8 bát 8 đĩa tượng trưng cho phát lộc, phát tài. Có khi mâm cỗ lớn phải xếp cao đến 2, 3 tầng. Bên cạnh đó, món ăn sẽ được sắp xếp xen kẽ nhau theo màu sắc để tạo sự hài hòa. Đơn giản như là xếp bát trong và các đĩa quây quần bên ngoài. Riêng chén nước mắm luôn để ở giữa.
Mâm cỗ Tết miền Trung
Ở miền Trung ngoài một số tỉnh như: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh…vẫn mang sắc thái Tết miền Bắc. Các tỉnh còn lại có nhiều điểm khác biệt với cỗ miền Bắc, món bánh chưng và dưa hành được thay bằng bánh tét và dưa món.
Trong mâm cỗ miền Trung thường thấy các món như: Gà luộc, thịt heo, bánh tét, trứng chiên, đồ xào, ram cuốn, canh, rau sống, cơm trắng… Bên cạnh đó, người miền Trung chú trọng yếu tố lưu trữ nên thường có các món mặn như: Tôm rim, thịt kho tàu, thịt hon, gà rán, thịt phay, nem, tré, thịt ngâm nước mắm…rồi có thêm các món đồ mộc như: măng khô xào thịt, mít trộn...
Thêm vào đó với thói quen “cuốn” trong văn hóa ấm thực nên tất cả các món xuất hiện trong mâm cỗ Tết đều có thể cuốn chung với bánh tráng và rau sống. Điểm đặc biệt là các món ăn được chia ra thành từng đĩa nhỏ, mỗi thứ một ít, bày biện trên chiếc mâm tròn, như một cách thể hiện sự chắt chiu và san sẻ.
Với cỗ Tết Huế thì giao thoa các vùng miền, lại mang dấu ấn cung đình xưa nên luôn sang trọng, kiểu cách. Mâm cỗ tất niên thường tối thiểu 7 món (bánh tét, canh hầm, thịt luộc tôm chua, tôm thịt rim, cá chiên, món xào, dưa món) và thêm gà luộc, chả ram, nem chua, gỏi, xôi chè. Còn yến tiệc cung đình thì đủ sơn hào hải vị, đặc biệt là có nem công, chả phượng - thuộc hàng bát trân (8 món quý hiếm).
Mâm cỗ Tết miền Nam
Mâm cơm ngày Tết được người miền Nam chuẩn bị chủ yếu là các món ăn thường nhật nhưng được chuẩn bị cầu kỳ và đẹp mắt hơn.
Mâm cơm cúng 30 Tết ở miền Nam luôn có thịt heo kho nước dừa với trứng hoặc cá lóc kèm dưa giá, canh khổ qua nhồi thịt. Ngoài ra mâm cỗ Tết của Nam bộ cũng không thể thiếu các món nguội như gỏi ngó sen, tai heo ngâm dấm, tôm khô - củ kiệu, giò heo nhồi, phá lấu, nem, lạp xưởng tươi… Hoa quả chắc chắn không thể thiếu dưa hấu. Người miền Nam có thói quen ăn dưa hấu với cơm. Vừa ngon lại chống ngán thịt thà ngày Tết.
Bánh tét của người miền Nam đa dạng hơn cả phần vỏ lẫn phần nhân so với miền Trung. Phần nếp bên ngoài có khi được trộn lẫn với dừa nạo, có khi với đậu đen, hoặc là hạt điều, lá cẩm, lá dứa tạo ra nhiều màu sắc khác nhau. Phần nhân thì ngoài nhân đậu xanh với mỡ, còn có nhân chuối, nhân thập cẩm, nhân đậu xanh trứng muối.
Một số nơi còn tạo hình bên trong bánh thành hoa mai, chữ thọ, chữ phúc, khi cắt ra trông rất đẹp và độc đáo. Khi bày ra bàn sẽ dọn ra ăn kèm với dưa món, củ kiệu, tôm khô, lạp xưởng, cà rốt, củ cải ngâm nước mắm.
Mâm cỗ, mâm cúng Tết của ba miền tuy có nhiều điểm khác nhau trong các món ăn, cách bày trí cho đến những nguyên tắc, ý nghĩa đằng sau đó. Song, những mâm cỗ ấy đều thể hiện những giá trị thiêng liêng, sâu sắc của nền văn hóa và tín ngưỡng của con người Việt Nam.