Nghệ nhân nặng lòng giữ nghề làm đồ chơi trung thu truyền thống Nghệ nhân Mai Hạnh: Một đời “phải lòng” hoa lụa Nghệ nhân sơn mài chế tác 1.000 tác phẩm Rồng đón năm Giáp Thìn 2024 |
Nghệ nhân Mai Hạnh. |
Bị “ép” làm hoa từ năm 13 tuổi
Chia sẻ về mối nhân duyên với nghề làm hoa, dù đây là nghề “cha truyền con nối”, bà Mai Hạnh trầm ngâm kể, thời điểm những năm 60 của thế kỉ trước, cũng là thời kì đất nước đang chiến tranh mưa bom, bão đạn. Tại thời điểm đó, khi tôi đi sơ tán cùng gia đình ở bên Trâu Qùy thì ở đó có các hầm chông có mấu tre lộ thiên, do không để ý nên tôi vấp chảy máu. Sau đó bị nhiễm trùng và phải nghỉ không đi học mất một năm.
Mẹ tôi vốn là nghệ nhân Đông Dương Đoàn Thị Thái, sau đó bà được Thủ tướng Chính phủ Phạm Văn Đồng mở một trường dạy ở Hưng Yên dành cho những nghệ nhân giỏi có tên tuổi, về ẩm thực, nghệ thuật hoa lụa và tỉa hoa đu đủ... 6 tháng sau, vết thương dần đã lành tôi cùng mẹ rong ruổi khắp các lớp học, mối nhân duyên “ép” làm hoa từ năm 13 tuổi cũng từ đó mà ra.
Trái ngang thay, từ nhỏ nghệ nhân Mai Hạnh lại rất thích học vẽ và mong muốn mai sau sẽ làm họa sĩ. Thầy giáo Phạm Viết Song dạy vẽ bà ngày đó đã nói với bà rằng: “Nghe thầy em nên đi theo nghề hội họa, nhiều họa sĩ lắm. Còn nghệ nhân về hoa lụa chỉ có một không hai, mẹ em đứng đầu rồi thì giờ em như thế nào…”. Chính câu nói của thầy đã thôi thúc bà không ngừng phấn đấu, tìm tòi sáng tạo ra những mẫu hoa mới, để ngày hôm nay bà thành công với hoa lụa - cái nghiệp mà bà đã nguyện gắn bó suốt cuộc đời.
60 năm làm hoa lụa, nghệ nhân Mai Hạnh đã sáng tác hàng nghìn mẫu hoa khác nhau. Trong đó, nổi tiếng nhất vẫn là hoa sen. Hoa sen lụa dưới bàn tay tài hoa của nghệ nhân Mai Hạnh, mang vẻ đẹp thuần khiết, có cả đài, nhụy và phấn hoa, cánh sen được nhuộm màu hồng, càng lên trên gần đài sen càng nhạt dần, trông chẳng khác nào hoa thật.
Bên cạnh đó, nghệ nhân Mai Hạnh còn nổi tiếng với những bông cúc vàng mềm mại, những bông hồng đỏ rực, những cành đào chúm chím nụ hồng hay những đoá tulip từ đất nước Hà Lan xa xôi… dưới bàn tay tài hoa của người nghệ nhân, tất cả đều toát lên một vẻ đẹp nhẹ nhàng, thanh thoát.
Với nhiều tác phẩm hoa tuyệt đẹp của mình mà nghệ nhân Mai Hạnh được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân khi mới 31 tuổi, và đến năm 2016, bà Hạnh chính thức được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân.
Đau đáu việc bảo tồn hoa lụa
Những bông hoa mang thương hiệu "Mai Hạnh" vẫn bốn mùa khoe sắc. |
Chính bởi tài năng sáng tạo hoa lụa rất độc đáo mà nghệ nhân Mai Hạnh được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch mời đi nhiều nước để biểu diễn và giảng dạy như Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Singapore, Trung Quốc, Pháp...
Đến mỗi nơi, bà lại tìm tòi về văn hóa, tín ngưỡng của dân tộc đó rồi tỉ mẩn làm hoa lụa cho thật giống như hoa tulip của Hà Lan, hoa hồng xanh của Nga, phong cách cắm hoa của Nhật…
“Dù thật đến đâu, hoa lụa cũng là hoa giả. Vì vậy muốn thổi sức sống tâm hồn và bàn tay nghệ nhân vào đó không thể làm rập khuôn như một người thợ mà phải tỉa tót, nâng niu như người nông dân yêu hoa cỏ”, bà Hạnh tâm niệm.
Dù đã bước sang dốc bên kia của cuộc đời, nhưng nghệ nhân Mai Hạnh vẫn còn nhiều nỗi niềm đau đáu trong lòng. “Thời gian chẳng chờ đợi ai nên còn ngày nào được sống với hoa, tôi sẽ làm tất cả để “giữ lấy lề”, giữ lấy cái nghề đã gắn bó bao đời của tổ tông”, giọng nghệ nhân trầm xuống.
Chính vì vậy, trong suốt những năm qua, bà đã đến không ít ngôi trường, làng hữu nghị truyền nghề cho biết bao học sinh, tạo công ăn việc làm cho các em mồ côi, tàn tật.
Năm 1979, nghệ nhân Mai Hạnh được mời sang Mông Cổ dạy làm hoa lụa trong 3 tháng cho hơn 100 học sinh. Khi về đến Việt Nam, bà cho rằng mình đã đến các nước dạy cho học sinh của họ, vậy làm sao mà không thể dạy cho học sinh ở nước mình. Do đó, bà đã mở nhiều lớp dạy cho học sinh quê hương mình. Thậm chí bà còn dạy cho cả những du khách nước ngoài có niềm đam mê với nghệ thuật hoa lụa.
“Hơn 20 năm qua, tôi vẫn miệt mài đến không ít ngôi trường, làng hữu nghị truyền nghề cho biết bao học sinh, tạo công ăn việc làm cho các em mồ côi, tàn tật và không bao giờ nhận một đồng tiền công. Đây là tình cảm của tôi đối với các con, là tấm lòng đáp lại tình cảm của tôi đối với cha mẹ, giúp tôi làm được việc có ích trong xã hội”, nghệ nhân Mai Hạnh tâm sự.
Để hoa lụa Mai Hạnh nói riêng và nghề hoa lụa nói chung trường tồn với thời gian, người nghệ nhân đã thường xuyên mang các sản phẩm mang thương hiệu “Mai Hạnh” đến các hội chợ, triển lãm, giới thiệu với bạn bè trong và ngoài nước. Bởi theo bà: “Là người Việt Nam nên bản thân phải có trách nhiệm, hành động để xây dựng đất nước, tuy đó chỉ là rất nhỏ”.
Trời sẩm tối, những dòng người vội vã trở về nhà ngày cuối năm. Bàn tay tròn đầy, trắng trẻo, mềm mại của người nghệ nhân vẫn miệt mài vuốt ve những cánh hoa bốn mùa khoe sắc.
Gian nan "giữ lửa" nghề tò he |
Nghệ nhân ưu tú Phan Thị Thuận - Người hồi sinh cho nghề dệt lụa tại Phùng Xá |
Festival bảo tồn và phát triển làng nghề Việt Nam 2023 sắp diễn ra tại Hà Nội |