Hà Nội chú trọng phát triển công nghiệp ưu tiên, công nghiệp chủ lực Bộ Y tế đề xuất quy định để tránh "phóng đại sữa phát triển chiều cao" Vì sao nông sản Việt liên tục bị EU "tuýt còi"? |
Gạo nếp ong (còn gọi là Khẩu Phjẩng) là một đặc sản nổi tiếng của huyện Trùng Khánh. Loại lúa nếp này chủ yếu được trồng tại các xã như Ngọc Côn, Ngọc Khê, Phong Châu, Đình Phong, Chí Viễn… Nhờ khí hậu mát mẻ của vùng núi rừng cùng với đất đai màu mỡ và nguồn nước trong lành từ dòng sông Quây Sơn, gạo nếp ong nơi đây mang một hương vị đặc biệt, thơm ngon.
![]() |
Những bông lúa hạt to nhất, đẹp nhất được giữ lại làm thóc giống cho vụ mùa sau. |
Gạo nếp ong Cao Bằng nổi bật với hạt gạo dẻo, thơm, bóng đẹp và hương vị riêng biệt. Đây là sản phẩm được rất nhiều người tiêu dùng trong và ngoài nước ưa chuộng. Lúa nếp ong Trùng Khánh có bông dài, hạt to, tròn đều, mẩy và đẹp mắt. Mỗi năm, vào khoảng từ tháng 9 đến tháng 11, người dân nơi đây bắt đầu thu hoạch lúa. Để bảo vệ chất lượng hạt gạo, họ thu hoạch theo cách truyền thống, cắt từng bông lúa, buộc thành từng bó nhỏ rồi mang về treo trên gác hoặc hiên nhà. Ngoài phần lúa dùng cho ăn, những bó lúa này còn được cất giữ kỹ càng để làm giống cho vụ mùa sau.
Ngoài hương thơm đặc trưng, gạo nếp ong khi được đồ thành xôi vẫn giữ được độ dẻo và hương vị thơm ngon suốt cả ngày, từ sáng đến tối, hoàn toàn khác biệt so với các loại nếp thông thường. Không chỉ dùng cho bữa ăn hàng ngày, gạo nếp ong còn được chế biến để làm các loại bánh, món cúng dâng tổ tiên, ông bà, đặc biệt trong các dịp lễ Tết.
Đặc biệt, trong dịp lễ hội đầu xuân, nếp ong được kết hợp với các loại lá cây rừng tự nhiên, như lá cẩm cho màu hồng tím, hoa bjoóc phón cho màu vàng, hay lá gừng xanh non, tạo nên món xôi ngũ sắc không chỉ đẹp mắt mà còn rất thơm ngon, mang đậm dấu ấn của núi rừng.
Xôi đồ từ gạo nếp ong được chế biến bằng chõ trên bếp củi, giữ được độ dẻo, ngon suốt cả ngày mà không bị dính tay. Hạt gạo trắng, tròn đều, và hương vị rất hấp dẫn.
![]() |
Gạo nếp ong chất lượng với hạt tròn to, trắng trong. |
Lúa nếp ong Trùng Khánh với nhiều ưu thế cho chất lượng gạo vượt trội song việc bảo tồn nguồn giống của người dân chủ yếu tự giữ giống từ vụ này sang vụ khác không tránh khỏi thoái hóa. Để duy trì, nâng cao năng suất, chất lượng giống lúa nếp ong đặc sản của huyện Trùng Khánh, năm 2016 Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ tỉnh Cao Bằng phối hợp với huyện Trùng Khánh thực hiện đề tài “Nghiên cứu, bảo tồn và phục tráng giống lúa nếp đặc sản của huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng”.
Sau 3 năm triển khai, dự án tạo ra sản phẩm giống lúa siêu nguyên chủng nếp ong đặc sản năng suất bình quân đạt từ 42 - 45 tạ/ha, cao hơn từ 2 – 5 tạ/ha so với giống chưa phục tráng, chất lượng gạo tốt hơn và quy trình thâm canh giống lúa nếp đặc sản này được hoàn thiện, phù hợp với điều kiện địa phương, được chuyển giao cho các hộ nông dân để thâm canh phát triển mở rộng diện tích. Việc phục tráng, bảo tồn và phát triển nguồn gen giống lúa nếp đặc sản của huyện Trùng Khánh làm cơ sở xây dựng thương hiệu gạo nếp đặc sản của tỉnh Cao Bằng.
Với mục đích gia tăng giá trị, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho cộng đồng người dân vùng sản xuất, tạo thương hiệu sản phẩm nếp ong Trùng Khánh, UBND tỉnh Cao Bằng đã có Quyết định số 2769/QĐ-UBND, ngày 30/12/2020 phê duyệt dự án “Xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể gạo nếp ong Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng”. Sau 3 năm thực hiện dự án, năm 2023, sản phẩm Nếp ong của huyện Trùng Khánh đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu Tập thể “Nếp ong Trùng Khánh”. Nhãn hiệu do Hội sản xuất và kinh doanh nếp ong Trùng Khánh là chủ sở hữu. Mở ra cơ hội cho sản phẩm đặc sản gạo nếp ong Trùng Khánh nâng cao vị thế, tiếp cận thị trường, thúc đẩy sản xuất phát triển bền vững.
“Huyện tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền vận động người dân tuân thủ quy trình sản xuất lúa nếp ong để nâng cao chất lượng, gia tăng giá trị sản phẩm. Tăng cường quảng bá, giới thiệu sản phẩm, tiếp tục thiết lập chuỗi liên kết giá trị sản xuất để gia tăng vị thế thương hiệu sản phẩm “Nếp ong Trùng Khánh” và tìm kiếm mở rộng thị trường, nhằm tăng thu nhập, cải thiện đời sống người dân, góp phần thực hiện giảm nghèo, thúc đẩy kinh tế phát triển bền vững”. Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Trùng Khánh Hà Minh Hải cho biết.
Hiện nay, gạo nếp ong Trùng Khánh đã trở thành sản phẩm được người tiêu dùng tin cậy trên cả nước, có mặt tại các chợ truyền thống, siêu thị và sàn thương mại điện tử uy tín.