Còn nhiều khó khăn cho ngành tôm Vượt khó nửa đầu năm, doanh nghiệp xuất khẩu tôm nỗ lực tăng tốc để về đích VASEP: Thông tin ngành tôm Việt Nam lạm dụng lao động là không đúng sự thật |
Ngành tôm thừa khó, ít thuận. |
Giá tôm nguyên liệu tăng mạnh
Giá tôm nguyên liệu đã tăng mạnh trong suốt tháng 10 và tiếp tục duy trì đà tăng trong tháng 11, đặc biệt là các loại tôm cỡ nhỏ. Nguyên nhân chính dẫn đến sự tăng giá này là sự giảm sút của nguồn cung, thời gian mùa vụ ngắn hơn so với năm ngoái, cũng như ảnh hưởng từ dịch bệnh và thời tiết khắc nghiệt.
Theo thông tin từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản (VASEP), từ giữa tháng 8 đến nay, giá tôm thương phẩm tại đồng bằng sông Cửu Long đã tăng mạnh. Một trong những yếu tố ảnh hưởng đến giá tôm là việc nguồn cung giảm đáng kể do dịch bệnh và chi phí đầu vào nuôi tôm tăng cao. Hơn nữa, sản lượng tôm nuôi giảm do thời tiết khắc nghiệt và việc sản xuất tôm nguyên liệu tại các quốc gia sản xuất chính trên thế giới gặp khó khăn, làm gia tăng nhu cầu nhập khẩu tôm từ Việt Nam.
Giá tôm nguyên liệu tăng mạnh nhất trong tháng 10, đặc biệt là tôm 50 con/kg, có mức giá tăng lên 155.000 VND (6,10 USD)/kg, một mức giá cao chưa từng thấy kể từ cuối năm 2021. Đây là lần đầu tiên giá tôm 50 con/kg chạm mốc 6 USD/kg. Ngoài ra, giá tôm cỡ 100 con/kg cũng duy trì ổn định ở mức 85.000-90.000 VND/kg. Giá tôm sú cũng có sự tăng trưởng ở tất cả các kích cỡ từ tuần đầu tháng 10, trong đó tôm cỡ lớn nhất đạt mức giá tương đương với đầu năm 2024.
Vì nguồn cung tôm nguyên liệu, đặc biệt là tôm cỡ lớn, đang khan hiếm, các nhà máy chế biến và thương lái đã phải chuyển trọng tâm sang thu mua tôm cỡ nhỏ hơn như tôm 40-50 con. Giá tôm 40 con tại đầm đã tăng 4%, tôm 50 con tăng 2%, trong khi tôm cỡ 80-100 con chỉ tăng 1%. Mặc dù giá tôm cỡ nhỏ tăng, nhưng việc nguồn cung thiếu hụt vẫn là một thách thức lớn đối với các doanh nghiệp chế biến, khi họ phải mua tôm với giá cao nhưng giá tôm thành phẩm lại phải cạnh tranh với tôm giá rẻ từ các nước khác.
Tôm nguyên liệu sẽ còn thiếu hụt đến hết quý I năm sau
Năm 2024, nghề nuôi tôm tiếp tục gặp bất lợi về thời tiết, dịch bệnh và nhất là giá tôm giảm thấp. |
Năm 2024, nghề nuôi tôm tiếp tục gặp bất lợi về thời tiết, dịch bệnh và nhất là giá tôm giảm thấp trong thời gian dài, khiến người nuôi tôm khó càng thêm khó.
Ngay từ đầu năm, dịch bệnh đã bắt đầu xuất hiện và diễn biến ngày càng phức tạp hơn, khiến tỷ lệ nuôi thành công đạt thấp, tôm thu hoạch kích cỡ nhỏ nhiều, người nuôi không có lời, thậm chí thua lỗ.
Tình hình trên không chỉ khiến mùa vụ nuôi chính kết thúc sớm mà người nuôi còn chùn tay không dám thả nuôi vụ 2 do lo sợ rủi ro không bảo toàn được nguồn vốn. Trong khi đó, bước sang quý III, thị trường tôm thế giới có dấu hiệu cải thiện, doanh nghiệp tăng tốc chế biến để trả nợ hợp đồng đúng hạn, nhưng không có đủ nguyên liệu.
Theo ông Hồ Quốc Lực - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta, ngoài sự khan hiếm nguồn tôm nguyên liệu, còn có tác động từ việc các hệ thống phân phối lớn trên thế giới tìm về nguồn cung từ tôm Việt, dù giá cao hơn nhưng an toàn hơn; khiến đơn hàng tôm ta tăng khá tốt. Đây cũng là một yếu tố góp phần đưa kim ngạch xuất khẩu năm 2024 tăng hai con số so năm trước. Ngoài ra, còn có diễn biến tỷ giá ở quý cuối năm, sự phục hồi của đồng yên Nhật… cũng có lợi cho xuất khẩu.
Sự khan hiếm nguyên liệu đã đẩy giá tôm tăng mạnh từ giữa tháng 8. Cùng với mưa bớt dần và các doanh nghiệp tôm giống tăng cường khuyến mãi lớn, với mức tăng thêm từ 70 - 100% con giống nên từ tháng 10 đến nay, tình hình thả giống tôm cũng dần được cải thiện. Trong khi số hộ nuôi đang “án binh bất động” vẫn còn khá lớn thì số thả mới luôn nơm nớp nỗi lo khi dịch bệnh vẫn chưa dứt, thiệt hại trên tôm nuôi vẫn chưa được cải thiện nhiều.
Theo nhận định của ông Lực, tôm nguyên liệu sẽ còn thiếu hụt đến hết quý I năm sau. Trong khoảng thời gian này, các doanh nghiệp chế biến đứng trước thách thức lớn, bởi phải mua tôm nguyên liệu giá cao nhưng giá tôm thành phẩm tiêu thụ phải cạnh tranh gay gắt với tôm giá rẻ hơn từ nhiều nước, dẫn đến sụt giảm hiệu quả sản xuất, kinh doanh. “Hy vọng năm 2025, năm sẽ có thời tiết nóng, sẽ thuận hơn trong việc nuôi tôm, sớm cải thiện tình hình tôm nguyên liệu, hoạt động ngành tôm ổn thỏa hơn”, ông Lực chia sẻ.
Các doanh nghiệp tôm cũng khá ê ẩm vì khó khăn kéo dài, tài chính diễn biến không thuận lợi… Tuy nhiên, kết quả kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng khá cũng là niềm an ủi nho nhỏ, nói lên sự nỗ lực hết lòng của toàn ngành. Về chiều sâu, sự chuẩn bị cho phát triển bền vững sẽ âm thầm tạo sức mạnh mềm, nâng tầm ngành tôm ta, kỳ vọng như vậy. Nhưng cái cụ thể có được còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố chủ quan lẫn khách quan; đòi hỏi sức bền, sự kiên nhẫn và nhất là tầm nhìn lâu dài của tất cả các bên tham gia chuỗi ngành hàng.