![]() |
Ngành gỗ cần giải pháp gì để hóa giải những thách thức tại thị trường Hoa Kỳ? |
Bức tranh xuất khẩu gỗ những tháng đầu năm
Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong tháng 1/2025 đạt 1,42 tỷ USD, giảm 9,7% so với tháng 12/2024 và giảm 3,7% so với tháng 1/2024. Các thị trường xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong tháng 1/2025 chủ yếu gồm: Hoa Kỳ với 780 triệu USD, giảm 4,8%; Nhật Bản với 166 triệu USD, tăng 2,8%; Trung Quốc với 139 triệu USD, giảm 17,5%... so với cùng kỳ năm 2024.
Cũng theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ năm 2024 đạt 16,25 tỷ USD, tăng 20,3% so với năm 2023. Trong đó, giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam sang thị trường Hoa Kỳ đạt 9,1 tỷ USD, chiếm 56% tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam trong năm 2024.
Trong tháng 1/2025, Hoa Kỳ vẫn là thị trường chiếm tỷ trọng lớn nhất, chiếm 54,9% trong tổng giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ. Một báo cáo do MBS, công ty chứng khoán trực thuộc Ngân hàng Quân đội MB, vừa công bố cho rằng thị trường Hoa Kỳ sẽ tiếp tục là điểm sáng của ngành gỗ xuất khẩu Việt Nam trong năm 2025. Theo đó, thị trường nhà tại Hoa Kỳ đang phục hồi mạnh mẽ hơn, số nhà mới bán được sẽ cải thiện hơn vào năm 2025, qua đó thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ gỗ và sản phẩm gỗ.
Tuy nhiên, theo ông Trần Lê Huy – Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản tỉnh Bình Định bên cạnh những thuận lợi, ngành gỗ Việt Nam vẫn còn những khó khăn. Đó là các chính sách thuế, chính sách phòng vệ thương mại có nhiều thay đổi khó lường. Do vậy, bất kỳ sự thay đổi nào về chính sách ở thị trường Hoa Kỳ cũng sẽ tác động rất lớn tới hoạt động đầu tư phát triển, sản xuất, kinh doanh cũng như kim ngạch xuất khẩu của ngành gỗ Việt Nam.
Thời gian vừa qua, Tổng thống Donald Trump tăng thuế đối với hàng hoá nhập khẩu từ Trung Quốc đã khiến lượng đơn hàng dịch chuyển từ Trung Quốc về Việt Nam hiện nay khá nhiều, bởi cơ sở hạ tầng của Việt Nam cũng đã tốt lên nhiều so với trước đây. Ngành công nghiệp phụ trợ phục vụ cho ngành gỗ cũng đã phát triển; người lao động khéo tay, sản xuất ra những sản phẩm đẹp, chất lượng tốt,… đây là những lợi thế cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam so với các nước khác trong khu vực.
Bên cạnh những thuận lợi, gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam cũng chịu sức ép không ít khi xuất khẩu sang Hoa Kỳ. Khi nước này tăng áp dụng thuế phòng vệ thương mại đối với một số sản phẩm gỗ xuất khẩu của Trung Quốc và Ấn Độ, sẽ khiến một số doanh nghiệp Trung Quốc tìm các biện pháp để lẩn tránh mức thuế trên, trong đó Việt Nam có thể được chọn là một trong những điểm đến. Rủi ro sẽ xảy ra, khi các mặt hàng của Trung Quốc được nhập khẩu vào Việt Nam lấy nhãn mác, xuất xứ sau đó xuất khẩu vào Hoa Kỳ.
Thực tế, một số sản phẩm gỗ của Việt Nam đã từng phải đối mặt với những vụ kiện gian lận thương mại tại Hoa Kỳ. Vì vậy, việc ngăn chặn và giải quyết gian lận thương mại kịp thời, hiệu quả có tính chất sống còn với ngành gỗ Việt Nam. Đề nghị các cơ quan quản lý cần tăng cường nguồn lực, kiểm tra, giám sát chặt chẽ khâu cấp chứng nhận nguồn gốc xuất xứ sản phẩm xuất khẩu. Cần xây dựng kênh kết nối thông tin giữa các hiệp hội gỗ và cơ quan quản lý nhằm cập nhật thường xuyên thông tin về các dấu hiệu gian lận, từ đó, xác định các biện pháp can thiệp kịp thời.
Đổi mới mô hình, định vị lại thị trường
![]() |
Ông Võ Quang Hà, Chủ tịch Công ty Cổ phần Tân Vĩnh Cửu (Tavico) ở Đồng Nai |
Ông Võ Quang Hà, Chủ tịch Công ty Cổ phần Tân Vĩnh Cửu (Tavico) ở Đồng Nai, chia sẻ: Để ngành gỗ Việt phát triển trong bối cảnh khó khăn bủa vây như hiện nay, trước tiên, các doanh nghiệp phải định vị lại thị trường, sản phẩm gì bán cho thị trường nào; sản phẩm đó sản xuất ở khu vực nào; rồi nguồn nguyên liệu phục vụ cho sản phẩm đó lấy ở đâu, nếu là rừng trồng trong nước thì phải xác định trồng loại cây gì phù hợp.
Từ đó, ngành chức năng phân tích lợi thế cạnh tranh của từng địa phương, xác định từng loại gỗ nguyên liệu cho từng loại sản phẩm, ngành gỗ chủ động được hay phải nhập khẩu để tạo ra nhóm riêng. Hiện nay, ngành gỗ phải trang bị tư duy mới để thích ứng với những khó khăn trước mắt. Ngành gỗ cũng không nên thiên lệch quá về thị trường xuất khẩu, mà phải để ý cả thị trường nội địa.
“Trong bối cảnh thị trường xuất khẩu đang gặp nhiều thách thức, ngành gỗ cần chia nhóm cụ thể. Ví như Hoa Kỳ là thị trường lớn cho vào 1 nhóm, thị trường Trung Quốc 1 nhóm, thị trường châu Âu 1 nhóm, thị trường Bắc Á gồm Hàn Quốc và Nhật Bản 1 nhóm; phần còn lại của thế giới vào 1 nhóm và nhóm nội địa”, ông Hà đề xuất.
Cũng theo ông Hà, khi chia thành từng nhóm như vậy, ngành gỗ sẽ xác định được sản phẩm gì nhập được vào thị trường nào. Sau đó định vị lại địa phương nào có thế mạnh về sản phẩm nào để tập trung sản xuất. Sự tập trung đó sẽ mang lại chuỗi cung ứng cũng như chủ động nguồn nguyên liệu.
Còn ông Trần Lê Huy thì cho rằng, các doanh nghiệp sản xuất đồ gỗ nội thất ở nước ta cần đổi mới mô hình để đáp ứng trước những thách thức.
Trước tiên, đổi mới công nghệ có vai trò then chốt, việc áp dụng các phương pháp sản xuất tiết kiệm chi phí, giá cả phải chăng sẽ giúp khôi phục doanh số bán hàng, thúc đẩy tăng trưởng.
Hiện nay, nhiều doanh nghiệp đã đầu tư dây chuyền thiết bị hiện đại, áp dụng công nghệ tự động hóa, đầu tư vào thiết kế mẫu mã thích ứng nhanh với yêu cầu của đối tác nhập hàng. Nhờ vậy, thích ứng được với các yêu cầu cụ thể của từng đơn hàng, chủ động ứng phó với những biến động của thị trường, giảm lượng hàng tồn kho.
Tiếp theo, xây dựng chuỗi cung ứng linh hoạt là yếu tố quan trọng để đảm bảo sự phát triển bền vững. Bên cạnh đó, các kho hàng thông minh cần được phát triển để nâng cao khả năng phản ứng nhanh chóng với những biến động về nhu cầu, rút ngắn thời gian giao hàng, kiểm soát chi phí vận chuyển.
Thứ ba, tính bền vững ngày càng trở thành một yếu tố cạnh tranh quan trọng. Hoa Kỳ có đạo Lacey, cấm buôn bán các loài cây và sản phẩm liên quan có nguồn gốc bất hợp pháp, bao gồm cả gỗ và các sản phẩm gỗ. Do vậy, đa phần các đơn vị nhập khẩu sản phẩm đồ gỗ tại Hoa Kỳ đều yêu cầu sử dụng gỗ từ rừng trồng hoặc gỗ có chứng chỉ.
Để có thể đáp ứng được nhu cầu của các nhà nhập khẩu Hoa Kỳ, các doanh nghiệp sản xuất đồ gỗ tại Việt Nam phải đạt được các chứng chỉ rừng bền vững như FSC, COC. Các doanh nghiệp cần phải đẩy mạnh đào tạo nhân viên, người lao động để nắm bắt kịp thời các quy chuẩn, quy định của Hoa Kỳ, để tránh việc bị điều tra chống bán phá giá và bị tăng thuế lên cao.
Cuối cùng, chuyển đổi kỹ thuật số cũng đóng vai trò quan trọng trong việc thay đổi trải nghiệm của khách hàng. Đơn cử, thiết lập các phòng trưng bày ảo trên không gian mạng, sẽ giúp khách hàng dễ dàng trải nghiệm và lựa chọn sản phẩm nội thất một cách tiện lợi và thú vị hơn.
Phát triển bền vững phải trở thành một phần không thể thiếu trong chiến lược kinh doanh, giúp doanh nghiệp tạo dựng hình ảnh tốt đẹp trong mắt người tiêu dùng và nâng cao giá trị thương hiệu. Do đó, chất lượng tốt hơn, giá cả phải chăng hơn, tính linh hoạt, độ bền và sự đổi mới sẽ là động lực chính để thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ.
![]() |
![]() |
![]() |