Ngày 19/6, Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức tọa đàm Nâng cao chất lượng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” góp phần phục hồi nhanh và phát triển nền kinh tế nước nhà sau đại dịch COVID-19.
Tọa đàm Nâng cao chất lượng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam"
Phát biểu tại tọa đàm, các đại biểu cho rằng, nền kinh tế các nước trên thế giới đã và đang tiếp tục trải qua những khó khăn do đại dịch COVID-19 gây ra. Đối với nước ta, tác động của đại dịch COVID-19 là rất nghiêm trọng do nền kinh tế hội nhập sâu rộng, độ mở lớn, tính tự chủ và khả năng chống chịu còn hạn chế. Nhiều doanh nghiệp phải ngừng, giảm quy mô sản xuất, thiếu hụt nguyên liệu đầu vào, gây thiệt hại về kinh tế do các hoạt động sản xuất kinh doanh đình trệ, gián đoạn chuỗi cung ứng và lưu chuyển thương mại…. Vì vậy, việc nâng cao chất lượng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” góp phần phục hồi nhanh và phát triển nền kinh tế nước nhà sau đại dịch COVID-19 là rất quan trọng.
Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng, để nâng chất lượng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” điều cốt yếu là doanh nghiệp trong nước phải tạo ra được những sản phẩm đủ sức chinh phục người Việt, dành được sự tự hào của người Việt.
GS.TSKH Nguyễn Quang Thái, Tổng thư ký Hội Khoa học kinh tế Việt Nam đề xuất các doanh nghiệp trong nước cần đổi mới phương thức hoạt động theo hướng nâng cao chất lượng sản phẩm do doanh nghiệp làm ra. Bên cạnh đó, nhà nước cần tạo điều kiện cho khối doanh nghiệp tư nhân trong nước phát triển mạnh, tự chủ trên thị trường.
Các đại biểu cũng nhấn mạnh đến yếu tố cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” không nên tạo thành sự ép buộc hay trách nhiệm cho người dân là phải mua hàng Việt Nam mà cần tạo được nhận thức cho người dân tin dùng hàng Việt, tự hào về chất lượng hàng Việt, loại bỏ tư tưởng sính ngoại. Từ “ưu tiên” đến “tự hào” dùng hàng Việt Nam là sự chuyển biến rất lớn.
Tuy nhiên, thực tế vẫn còn nhiều doanh nghiệp có hành động tư lợi, tự bán rẻ thương hiệu của mình, hạ chất lượng sản phẩm để tăng lợi nhuận. Do vậy, lực lượng quản lí thị trường rất cần sự chung tay vào cuộc của MTTQ, các cơ quan chuyên môn để ngăn chặn những hành vi xấu, hỗ trợ cùng người dân chống hàng giả, hàng nhái, bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng.
Nâng cao chất lượng hàng Việt trong giai đoạn mới, góp phần phục hồi và phát triển nền kinh tế
Các đại biểu nhấn mạnh, với nhiều thành công trong phòng, chống dịch COVID-19, thế giới đang có sự tin tưởng vào Việt Nam trên mọi phương diện, trong đó có hàng hóa Việt Nam. Vì vậy, doanh nghiệp Việt không vì thế mà đánh mất mình, cần làm tốt hơn nữa trong sản xuất hàng hóa; đồng thời MTTQ Việt Nam cần tham gia giám sát về vấn đề này, phối hợp với những doanh nghiệp có uy tín, hàng hóa chất lượng cao và có cam kết chất lượng sản phẩm lâu dài…
Ghi nhận các ý kiến đóng góp tại tọa đàm, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh khẳng định, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã khơi dậy tinh thần tự hào dân tộc, niềm tin chiến thắng khó khăn, vượt qua thử thách của nhân dân Việt Nam; tuyên truyền và vận động nhân dân đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp cả nước khôi phục các hoạt động kinh tế-xã hội, tạo thêm nhiều việc làm, tạo ra nhiều sản phẩm, dịch vụ có chất lượng cạnh tranh với hàng hóa…
Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh mong muốn, từ những ý kiến, đề xuất cụ thể, tâm huyết của các chuyên gia, nhà nghiên cứu khoa học, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” sẽ đạt được nhiều thành công lớn, góp phần khôi phục nền kinh tế nước nhà.
Đồng thời MTTQ Việt Nam sẽ tiếp tục phát huy trách nhiệm phối hợp với các cơ quan chuyên môn để tham gia giám sát, ngăn chặn hàng giả, hàng nhái, tuyên truyền giới thiệu, quảng bá hàng hóa Việt Nam, góp phần nâng cao chất lượng và uy tín của hàng Việt Nam trong giai đoạn mới.
Minh Anh