Những năm qua, các cấp Hội Nông dân (HND) trong tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên về sản xuất nông sản an toàn và liên kết theo chuỗi giá trị. Qua đó đã xuất hiện nhiều mô hình tổ, nhóm sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn; bước đầu hình thành các chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, áp dụng quy trình quản lý chất lượng tiên tiến (VietGap, HACCP…) và truy xuất nguồn gốc, giúp người tiêu dùng nhận biết, lựa chọn thực phẩm an toàn.
Các cấp Hội đã có nhiều hoạt động nâng cao kiến thức sản xuất an toàn theo chuỗi giá trị cho nông dân như: Phát hành tờ rơi, pa nô, áp phích giới thiệu về các sản phẩm nông lâm thủy sản an toàn theo chuỗi liên kết đến hội viên. Nhân rộng các mô hình hộ, nhóm, tổ hợp tác, hợp tác xã (HTX) liên kết với doanh nghiệp sản xuất nông sản theo chuỗi. Vận động nông dân tích tụ ruộng đất để liên kết với doanh nghiệp sản xuất hàng hóa tập trung. HND các cấp là trung tâm kết nối giữa nông dân với doanh nghiệp liên kết hợp tác sản xuất theo chuỗi và bảo đảm hài hòa lợi ích giữa hai bên...
Đến nay, trong sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, hầu hết các HTX trong tỉnh đều quan tâm sản xuất sản phẩm hàng hóa, đẩy mạnh liên doanh liên kết sản xuất các sản phẩm an toàn gắn với chuỗi giá trị. Đã có hàng trăm HTX nông nghiệp thực hiện liên kết với doanh nghiệp trong cung ứng và tiêu thụ nông sản cho các hộ thành viên, trong đó có trên 100 HTX tham gia vào các chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản.
Năm 2022, Hội Nông dân các cấp phối hợp với các ngành tuyên truyền, vận động trên 270 nghìn hộ hội viên sản xuất, kinh doanh nông sản, thực phẩm đăng ký, cam kết đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, các cấp Hội tích cực, chủ động hướng dẫn nông dân ứng dụng công nghệ thông tin vào sản xuất để nâng cao chất lượng nông sản; nhân rộng các mô hình hộ, nhóm, tổ hợp tác, HTX liên kết với doanh nghiệp sản xuất nông sản theo chuỗi; vận động nông dân tập trung, tích tụ ruộng đất để liên kết với doanh nghiệp sản xuất hàng hóa tập trung.
Đến nay, trong sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, hầu hết các HTX trong tỉnh quan tâm sản xuất sản phẩm hàng hóa, đẩy mạnh liên doanh liên kết sản xuất gắn với chuỗi giá trị. Hết năm 2022, có 78 HTX thực hiện liên kết với các đối tác trong sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm với 126 chuỗi cho các hộ thành viên; 1.136 tác nhân tham gia liên kết thực hiện chuỗi sản xuất - chế biến - tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, trong đó gồm 997 hộ nông dân, 78 HTX và 33 doanh nghiệp.
Tuy nhiên hiện nay nông dân vẫn quen với phương thức sản xuất truyền thống, chưa có thói quen sản xuất theo chuỗi, việc liên kết giữa người sản xuất với doanh nghiệp thiếu tính bền vững, nhiều hợp đồng bị phá vỡ nên chưa tạo được niềm tin giữa doanh nghiệp với nông dân. Trong khi đó, trong lĩnh vực nông nghiệp, nhu cầu sản phẩm an toàn, chất lượng theo các tiêu chuẩn đã được công bố như VietGAP, GlobalGAP, AseanGAP, tiêu chuẩn Organic... ngày càng gia tăng đòi hỏi các hộ nông dân cần thiết phải hợp tác, liên kết để thành lập nên các tổ chức hợp tác giúp tăng khả năng đầu tư phục vụ sản xuất đáp ứng nhu cầu thị trường.
Nhằm góp phần nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên nông dân về sản xuất nông sản an toàn và liên kết theo chuỗi giá trị, HND tỉnh đã ban hành Nghị quyết về “Vận động nông dân sản xuất nông sản an toàn và liên kết theo chuỗi giá trị, giai đoạn 2019-2023 và những năm tiếp theo”. Qua đó nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm tuân thủ pháp luật của các tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất nông sản thực phẩm; chuyển dần từ phương thức sản xuất độc lập của người nông dân sang phương thức hợp tác liên kết sản xuất theo chuỗi.
Đồng thời nâng cao hiệu quả kinh tế, giá trị gia tăng cho các sản phẩm nông nghiệp; tạo sự liên kết chặt chẽ giữa người sản xuất và doanh nghiệp để sản xuất hàng hóa gắn với thị trường, góp phần thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
Qua gần 4 năm thực hiện nghị quyết, nhiều mô hình tiêu biểu về sản xuất, kinh doanh nông sản an toàn đã được xây dựng. Tiêu biểu như các mô hình “Chi hội nông dân nghề nghiệp chăn nuôi vịt thương phẩm, hỗ trợ và củng cố HTX” tại xã Hải Thanh (Hải Hậu); mô hình chăn nuôi lợn sinh học tại xã Trực Thắng (Trực Ninh); mô hình nuôi lợn sạch bằng thảo dược của gia đình ông Nguyễn Văn Thục, xã Trực Thái (Trực Ninh)…