Chăn nuôi hữu cơ - hướng đi mới của nông nghiệp Hưng Yên Doanh nghiệp gồng mình ghìm giá phân bón, hỗ trợ nông dân Hưng Yên nâng cao giá trị sản phẩm thực phẩm ngành nông nghiệp 2023 |
Nâng cao trình độ cán bộ
Hàng năm, các cán bộ khuyến nông cơ sở, cộng tác viên khuyến nông về các công tác nghiệp vụ khuyến nông; cử cán bộ tham gia tập huấn phương pháp, kỹ năng chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, tổ chức sản xuất nâng cao trình độ chuyên môn tại các lớp tập huấn do Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh (Sở NN và PTNT).
Thông qua đó, các cán bộ phụ trách các xã, thị trấn tư vấn, hướng dẫn, “cầm tay chỉ việc”, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất phù hợp với khả năng, truyền thống canh tác của từng vùng sản xuất và người dân; phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp, các địa phương tổ chức tập huấn các kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi thú y và thủy sản tiến bộ cho nông dân.
Thông qua các lớp tập huấn, nông dân trên địa bàn huyện được tiếp thu, áp dụng những tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất; chuyển đổi đất trồng lúa hiệu quả kinh tế thấp sang các loại cây có năng suất, chất lượng cao; phát triển nông nghiệp hữu cơ…
Áp dụng các thành tựu về giống, kỹ thuật
Để tuyển chọn, bổ sung giống lúa mới có chất lượng vào cơ cấu giống của huyện, thay thế cho các giống lúa cũ đã thoái hóa hoặc khả năng chống chịu kém, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp phối hợp với Phòng NN và PTNT tổ chức trình diễn, khảo nghiệm một số giống lúa triển vọng, phát triển vùng sản xuất lúa quy mô hàng hóa như: VNR20, ĐH12, CN11, Hạt Ngọc 9… Hỗ trợ các xã tiếp tục xây dựng các vùng lúa sản xuất theo hướng hữu cơ, VietGAP, sản xuất nông nghiệp thông minh đạt hiệu quả cao thích ứng với biến đổi khí hậu...
Nhiều mô hình đang được các doanh nghiệp, nông dân áp dụng và nhân rộng. Điển hình là các mô hình: nuôi giun quế trong chuỗi chăn nuôi sạch, khép kín, không rác thải ở các xã Hoàng Nam, Nghĩa Minh, Nam Điền; trồng cà chua sạch ở các xã Nghĩa Thành, Nghĩa Hồng; nuôi thủy sản kết hợp với trồng rau sạch xã Nghĩa Bình; trồng đinh lăng dược liệu theo tiêu chuẩn GACP-WHO tại các xã Nghĩa Thắng, Nam Điền và thị trấn Rạng Đông… Qua đó góp phần giúp huyện Nghĩa Hưng thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp có hiệu quả.
Theo dõi, phòng chống dịch bệnh động vật
Công tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm luôn được đặt lên hàng đầu, nhất là tại các địa phương có số lượng trang trại, gia trại lớn. Các cán bộ Trung tâm thường xuyên hướng dẫn UBND các xã, thị trấn và các cơ sở chăn nuôi thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo đúng quy định.
Trong năm 2022, Trung tâm đã tiếp nhận và cấp các loại vắc-xin phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm cho các xã, thị trấn; đồng thời kiểm tra, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ tiêm phòng vắc-xin cho đàn vật nuôi trong 2 vụ xuân, thu.
Kết quả, trong vụ xuân đã tiêm vắc-xin phòng dịch tả cho 23 nghìn con lợn; phòng bệnh lở mồm long móng cho 5.233 con trâu, bò, dê, lợn nái, lợn đực giống; phòng bệnh viêm da nổi cục cho 2.423 con trâu, bò. Ở vụ thu, toàn huyện đã thực hiện tiêm vắc-xin phòng dịch tả lợn cho gần 23 nghìn con lợn; phòng lở mồm long móng cho 6.200 con lợn nái, lợn đực giống; phòng viêm da nổi cục cho 1.000 con trâu, bò.
Ngoài ra, 1.300 lít thuốc sát trùng đã được cấp cho các xã, thị trấn để thực hiện khử trùng, tiêu độc; đồng thời cấp thuốc sát trùng cho các xã, thị trấn có dịch để phòng chống, ngăn ngừa không để dịch lây lan ra diện rộng.
Hàng tháng, Trung tâm này cũng phối hợp với Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở NN và PTNT) tiến hành lấy mẫu trên đàn gia súc, gia cầm, mẫu phủ tạng lợn, mẫu thịt, mẫu cám để giám sát dịch bệnh trên địa bàn. Nhờ đó đã góp phần giúp UBND huyện tăng cường quản lý chăn nuôi theo Luật Chăn nuôi và giúp công tác phòng chống dịch bệnh động vật đạt hiệu quả cao.
Trồng trọt và bảo vệ thực vật
Trong lĩnh vực trồng trọt và bảo vệ thực vật, thông qua Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp, huyện Nghĩa Hưng đã xây dựng các tuyến điều tra cố định, điều tra bổ sung; điểm điều tra sâu, bệnh hại đại diện cho vùng sinh thái đảm bảo tính khách quan và sát với điều kiện thực tế, đồng thời phân công công việc cụ thể cho từng thành viên trong tổ bảo vệ thực vật duy trì công tác điều tra sâu, bệnh hại hàng tuần theo đúng quy định.
Bên cạnh đó, cán bộ huyện và cán bộ Trung tâm thường xuyên phối hợp chặt chẽ với Phòng NN và PTNT, phân công cán bộ bám sát đồng ruộng, cùng Ban Nông nghiệp các xã, thị trấn chỉ đạo sản xuất gieo cấy lúa, điều tra dự tính, dự báo phát hiện chính xác các đối tượng sâu bệnh hại và tham mưu cho UBND huyện chỉ đạo tổ chức phòng trừ các đợt sâu, bệnh hại như: sâu cuốn lá nhỏ, sâu đục thân 2 chấm, rầy các loại, đạo ôn, khô vằn, đen lép hạt…. Các đợt chỉ đạo phòng trừ đều đạt hiệu quả cao đảm bảo an toàn sâu bệnh trên địa bàn huyện.
Năm 2022, giá trị sản xuất nông lâm nghiệp và thủy sản của huyện đạt trên 3,1 nghìn tỷ đồng; bình quân năng suất lúa cả năm đạt 126,9 tạ/ha; chăn nuôi tiếp tục phát triển theo hướng tập trung, sản xuất quy mô hàng hóa, sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt trên 23 nghìn tấn; sản lượng nuôi thủy sản ước đạt 33,5 nghìn tấn…
Chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp cho nông dân; làm tốt công tác dự tính, dự báo chính xác các đối tượng dịch hại trên cây trồng; tổ chức thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, theo đó nền nông nghiệp địa phương của huyện Nghĩa Hưng được phát triển bền vững, nâng cao giá trị gia tăng.