Hưng Yên nâng cao giá trị sản phẩm thực phẩm ngành nông nghiệp 2023 |
Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản tỉnh Hưng Yên cho biết, nhằm tăng cường kiểm tra, giám sát chất lượng các sản phẩm nông, lâm, thủy sản từ sản xuất đến kinh doanh thông qua việc lấy mẫu giám sát, từ đầu năm đến nay, các đơn vị của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hưng Yên đã phối hợp và hoàn thành đoàn kiểm tra liên ngành ATTP dịp Tết Nguyên đán Quý Mão và mùa lễ hội xuân 2023.
Nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý, kiểm tra, giám sát, mới đây UBND tỉnh Hưng Yên đã ban hành Kế hoạch số 25/KH-UBND về đảm bảo chất lượng vật tư nông nghiệp, chất lượng và an toàn thực phẩm nâng cao giá trị sản phẩm thực phẩm thuộc lĩnh vực ngành nông nghiệp năm 2023.
Kế hoạch đề ra các mục tiêu cần thực hiện như: Tỷ lệ các cơ sở nhỏ lẻ ký cam kết sản xuất thực phẩm an toàn tăng lên 92% so với 91% năm 2022. 100% văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về vật tư nông nghiệp, ATTP được tuyên truyền, phổ biến và áp dụng, được tham gia ý kiến đóng góp khi có yêu cầu. 100% nhiệm vụ kế hoạch về phổ biến, giáo dục pháp luật về truyền thông, quảng bá chất lượng vật tư nông nghiệp, ATTP được thực hiện.
Mô hình nuôi cá nheo thương phẩm tại huyện Khoái Châu |
Diện tích trồng trọt, nuôi thủy sản, số cơ sở chăn nuôi được chứng nhận VietGAP tăng 10%/năm so với năm 2022. Tỷ lệ cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp, thực phẩm được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện, HACCP, ISO hoặc tương đương tăng 10% so với năm 2022.
Tỷ lệ các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản xếp loại A, B đối với cơ sở thuộc tỉnh quản lý đạt 98,5%; cơ sở thuộc huyện, thị xã, thành phố quản lý đạt 97,9% so với năm 2022. Tỷ lệ mẫu thực phẩm giám sát, mẫu hậu kiểm vi phạm giảm 10% so với năm 2022; tiếp tục kiểm soát tốt việc sử dụng chất cấm, chất không được phép sử dụng trong chăn nuôi, thủy sản, trồng trọt và sơ chế, chế biến, kinh doanh thực phẩm.
Để thực hiện kế hoạch đạt kết quả cao, cùng với các sở, ngành, địa phương tổ chức thực hiện; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hưng Yên tập trung thực hiện một số giải pháp như: Tổ chức các hoạt động sản xuất, kinh doanh, vùng trồng, vùng nuôi bảo đảm an toàn cho các sản phẩm chủ lực; liên kết chuỗi sản xuất, cung ứng, tiêu thụ thực phẩm; thực hiện quản lý chất lượng sản phẩm thực phẩm, truy xuất nguồn gốc từ sản xuất đến tiêu dùng đối với nông, lâm, thuỷ sản.
Đồng thời, chủ trì, phối hợp với các địa phương, cơ quan chuyên môn thực hiện giám sát, phân tích nguy cơ mất ATTP nông, lâm, thủy sản tại các vùng sản xuất, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, các nhóm sản phẩm được phân công quản lý lưu thông trên thị trường (trong đó có sản phẩm được chứng nhận OCOP là thực phẩm ngành quản lý).
Ngoài ra, phối hợp với cơ quan chuyên ngành liên quan và các tỉnh, thành phố quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, chất lượng và điều kiện an toàn thực phẩm, đồng thời thúc đẩy các hoạt động xúc tiến tiêu thụ sản phẩm thực phẩm. Tham mưu tổ chức kiểm tra, thanh tra, hậu kiểm chuyên đề theo kế hoạch, đột xuất các cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp; sản xuất, chế biến, kinh doanh sản phẩm thực phẩm thuộc lĩnh vực ngành quản lý.