Nhằm thực hiện Quyết định số 817/QĐ-UBND ngày 26/3/2019 của UBND tỉnh Hưng Yên về việc phê duyệt Đề án mỗi xã một sản phẩm tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2025, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham mưu Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Hưng Yên ban hành nhiều chủ trương, chính sách khuyến kích các doanh nghiệp, HTX và các hộ dân tích cực tham gia Chương trình OCOP nhằm gia tăng giá trị các sản phẩm, góp phần quan trong trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.
Thành viên HTX Thương mại dịch vụ sản xuất nghệ Đại Hưng, xã Đại Hưng (Khoái Châu) giới thiệu sản phẩm với khách hàng. |
Trong đó, UBND tỉnh, Hội đồng OCOP tỉnh ban hành các Kế hoạch: số 12/KH-UBND ngày 19/01/2022 Kế hoạch thực hiện Chương trình OCOP tỉnh Hưng Yên năm 2022; số 189/KH-UBND ngày 22/11/2022 Kế hoạch thực hiện Chương trình OCOP tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2023 - 2025.
Ngoài ra, tỉnh Hưng Yên cũng có các cơ chế, chính sách đặc thù cho quá trình quy hoạch vùng sản xuất hàng hóa tập trung; phát triển kinh tế trang trại; ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất; xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm... tạo tiền đề cho sản phẩm OCOP đảm bảo về chất lượng và số lượng sản phẩm.
Bên cạnh đó, các đơn vị thuộc Sở NN&PTNT, các sở, ngành, các huyện, thị xã, thành phố đã lồng ghép tổ chức nhiều hội nghị triển khai, tập huấn về Chương trình OCOP, về tổ chức sản xuất các sản phẩm tiềm năng OCOP cho hàng nghìn lượt người là cán bộ cấp huyện, xã, thôn và chủ thể sản xuất tham gia.
Mô hình chăn nuôi gà Đông Tảo tại huyện Khoái Châu. |
Tính đến tháng 11/2022, tổng số sản phẩm OCOP trên toàn tỉnh Hưng Yên được công nhận lên 199 sản phẩm (trong đó có 157 sản phẩm đạt hạng 3 sao, 42 sản phẩm đạt hạng 4 sao). Các sản phẩm OCOP chủ yếu thuộc nhóm thực phẩm, đồ uống, sản phẩm lưu niệm và trang trí. Các sản phẩm OCOP sau khi được công nhận đều mở rộng được thị trường, hệ thống mạng lưới tiêu thụ sản phẩm ra nhiều tỉnh, thành trong cả nước, ngày càng được đông đảo người tiêu dùng tin dùng.
Được biết, trong năm vừa qua, Sở Công thương phối hợp với các huyện, thị xã, thành phố xây dựng 5 Điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh để quảng bá, giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm OCOP của tỉnh để tăng kênh tiêu thụ cho chủ thể sản xuất.
Mô hình sản phẩm dưa lưới, dưa vàng của HTX Nông nghiệp Ngũ Phúc. |
Bên cạnh những kết quả đạt được, Chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh Hưng Yên vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc: Quy mô sản xuất các sản phẩm OCOP còn nhỏ lẻ; bao bì, nhãn mác đơn giản, sản phẩm hàng hóa chưa phong phú, không có nhiều đặc tính vùng miền, chưa hình thành những vùng sản xuất tập trung quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao.
Một số địa phương, cơ sở chưa quan tâm thực hiện Chương trình OCOP, việc triển khai còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu; chủ thể sản xuất chưa tích cực tham gia dẫn đến công tác triển khai thực hiện gặp nhiều khó khăn; công các lập hồ sơ và tổ chức đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP ở cấp huyện còn chậm tiến độ đã ảnh hưởng đến mục tiêu kế hoạch chung của tỉnh đề ra (năm 2022, thị xã Mỹ Hào và huyện Văn Lâm không có sản phẩm tham gia đánh giá).
Để thúc đẩy Chương trình OCOP phát triển trong thời gian tới, tỉnh Hưng Yên cần chỉ đạo quyết liệt các huyện, thị xã, thành phố; tăng cường rà soát các tổ chức kinh tế, các sản phẩm tiềm năng để hướng dẫn, hỗ trợ các cơ sở sản xuất đăng ký tham gia, hoàn thiện; ưu tiên việc nâng cấp, phát triển các sản phẩm đã được công nhận.
Tăng cường thực hiện tuyên truyền, phổ biến sâu rộng tới mọi tầng lớp nhân dân về Chương trình OCOP, tổ chức đào tạo, bồi dưỡng hướng dẫn đội ngũ cán bộ cấp huyện, xã hiểu rõ nội dung, tầm quan trọng của Chương trình OCOP, phân công rõ trách nhiệm cán bộ theo dõi Chương trình, chú trọng đến phát triên ngành nghề, làng nghề nông thôn phát triển các sản phẩm OCOP.
Ngoài ra, cần tích cực, chủ động hướng dẫn, hỗ trợ các chủ thể sản xuất thực hiện tốt công tác xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm OCOP, thực hiện liên kết tiêu thụ sản phẩm OCOP, bố trí nguồn lực, sử dụng lồng ghép các nguồn vốn, ngân sách địa phương, vốn tín dụng và các nguồn vốn hợp pháp khác để tổ chức triển khai thực hiện Chương trình OCOP trên địa bàn đảm bảo kế hoạch đề ra.