Ông Võ Tấn Sanh - Giám đốc HTX Nông nghiệp Bình Đào (Thăng Bình) chia sẻ với báo chí rằng: Cả 2 sản phẩm chủ lực của đơn vị là dầu mè đen nguyên chất và nếp Hương Lân Trường Giang được công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao.
Ngoài xây dựng cửa hàng bán sản phẩm tại đơn vị thì thời gian qua HTX còn liên kết bán sản phẩm tại cửa hàng OCOP huyện Thăng Bình và HTX Nông nghiệp Ái Nghĩa (Đại Lộc). Đặc biệt, nhờ sự quan tâm hỗ trợ từ nhiều phía, 3 năm qua HTX Nông nghiệp Bình Đào được tham gia trưng bày, giới thiệu và bán 2 sản phẩm OCOP này tại nhiều hội chợ trong và ngoài tỉnh.
“Nhờ kết nối đối tác tiêu thụ nên sản lượng sản phẩm OCOP của HTX bán ra thị trường ngày càng tăng cao. Năm 2022, đơn vị tiêu thụ 4,5 tấn nếp Hương Lân Trường Giang, 600 chai dầu mè đen nguyên chất và đạt tổng doanh thu gần 218 triệu đồng, tăng 120 triệu đồng so với năm 2021” - ông Sanh nói.
Tích cực giới thiệu với người tiêu dùng những sản phẩm OCOP mang tính đặc trưng của xứ Quảng. (Ảnh: N.P) |
Ông Trần Văn Noa - Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Quảng Nam cho hay: Những năm qua, Sở NN&PTNT thường xuyên phối hợp với các ngành, địa phương hỗ trợ các chủ thể OCOP tiêu thụ sản phẩm.
Riêng trong năm 2022, Sở NN&PTNT và Sở Công Thương Quảng Nam làm việc với Sở Công Thương Đà Nẵng để kết nối hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, tham gia kết nối, trưng bày, tiêu thụ sản phẩm OCOP Quảng Nam tại Đà Nẵng, Festival nghề truyền thống vùng miền tỉnh Quảng Nam tổ chức tại Hội An, hội chợ triển lãm kỷ niệm 50 năm giải phóng huyện Hiệp Đức, ngày gặp mặt truyền thống Hội đồng hương trẻ - kế cận Quảng Nam tổ chức tại Hà Nội, ngày hội sản phẩm OCOP Quảng Nam tại Đà Nẵng trong khuôn khổ Hội chợ Hành lang kinh tế Đông Tây năm 2022. Cạnh đó, tham gia hội chợ công nghiệp - thương mại - du lịch và sản phẩm OCOP tại Bạc Liêu tháng 12/2022.
Ông Noa cho biết thêm, năm 2022 Sở Công Thương cũng thực hiện nhiều hoạt động xúc tiến thương mại cho sản phẩm OCOP của tỉnh. Trong đó, đáng chú ý là tổ chức Tuần hàng quảng bá các sản phẩm OCOP Quảng Nam tại TP.Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hội An.
Ngoài ra, tổ chức hội chợ thương mại biên giới Việt - Lào và hội chợ Xuân - OCOP Quảng Nam 2023 tại Tam Kỳ, phối hợp tổ chức “Chợ Tết công đoàn năm 2022” tại Tam Kỳ và hội chợ triển lãm thành tựu kinh tế huyện Đại Lộc năm 2022...
Cùng với đó, Sở NN&PTNT và các ngành liên quan còn tập trung hỗ trợ xây dựng các điểm, trung tâm trưng bày giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh. Đến nay, Quảng Nam đã có 22 điểm bán hàng OCOP. Các đơn vị còn phối hợp với Bưu điện tỉnh, Viettel hỗ trợ chủ thể đưa các sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử Postmart.vn với 180 sản phẩm và Voso.vn với 170 sản phẩm.
Bên cạnh đó, để giúp các hộ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn Quảng Nam có thêm cơ hội tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ cũng như quảng bá sản phẩm, thương hiệu của mình đến với đông đảo người tiêu dùng trong và ngoài nước, tỉnh Quảng Nam đã đặc biệt chú trọng đẩy mạnh thương mại điện tử hỗ trợ hộ sản xuất nông nghiệp.
Quảng Nam đã lập ra sàn giao dịch thương mại điện tử và toàn cảnh thương mại điện tử tỉnh Quảng Nam hoạt động tại tên miền https://sanpham.quangnam.gov.vn, trên ứng dụng Smart Quảng Nam để tạo điều kiện kết nối giữa nhà cung ứng sản phẩm và người tiêu dùng.
Đồng thời, Quảng Nam ban hành nhiều kế hoạch về hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn nhằm hỗ trợ đưa các hộ sản xuất nông nghiệp, hộ kinh doanh cá thể, hợp tác xã, tổ hợp tác đăng ký tham gia các sàn thương mại điện tử để kết nối, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, đổi mới phương thức kinh doanh, thêm các kênh phân phối mới, mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước và quốc tế.
Hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp tỉnh Quảng Nam lên sàn thương mại điện tử |
Hỗ trợ hộ sản xuất nông nghiệp đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên các sàn thương mại điện tử; thúc đẩy tiêu thụ nhanh, góp phần tránh ùn ứ nông sản khi tới mùa cao điểm thu hoạch, giúp người dân giữ giá nông sản, tránh phụ thuộc vào thương lái, trung gian.
Thông qua các sàn thương mại điện tử và nền tảng số cung cấp các thông tin hữu ích cho các hộ sản xuất nông nghiệp như thông tin thị trường nông sản, dự báo nhu cầu và năng lực sản xuất nông sản, thông tin thời tiết, thổ nhưỡng, mùa vụ, giống, phân...Từ đó, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn.
Hình thành chuỗi các hộ sản xuất nông nghiệp số (có gian hàng số, địa chỉ số, tài khoản thanh toán số, truy xuất nguồn gốc số, nhãn hàng số trên các sàn thương mại điện tử), thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn.
Tính đến tháng 10/2022, Quảng Nam có 268 sản phẩm của 207 chủ thể được UBND tỉnh công nhận đạt 3 sao OCOP trở lên, bao gồm 46 sản phẩm 4 sao và 222 sản phẩm 3 sao, trong đó có 1 sản phẩm đã gửi hồ sơ đề nghị Trung ương công nhận 5 sao. Trong các sản phẩm này có 199 sản phẩm thực phẩm, 18 sản phẩm đồ uống, 18 sản phẩm thảo dược, 27 sản phẩm thủ công mỹ nghệ, 4 sản phẩm vải may mặc, 2 sản phẩm dịch vụ du lịch nông thôn và điểm du lịch. Đến nay toàn tỉnh có 22 điểm bán hàng OCOP. Riêng 9 tháng đầu năm 2022, toàn tỉnh có 111 sản phẩm tham gia chương trình OCOP. Đợt 1 có 28 sản phẩm tham gia đánh giá phân hạng, trong đó 22 sản phẩm có điểm hồ sơ đạt từ 50 điểm trở lên và đạt yêu cầu để thực hiện các bước đánh giá tiếp theo. |