Mướp khía có tên khoa học là Luffa acutangula L, trong dân gian còn gọi loại cây này với cái tên ve hom, mướp tàu, thuộc họ bầu bí. Đây là loài thực vật thân leo, sống quanh năm, độ dài trung bình từ 3 - 6m, đường kính thân cây khoảng 2cm và có nhiều rãnh. Mép lá có răng cưa, hình tim, mọc so le trên thân với kích thước trung bình là 25cm chiều rộng và 15 - 20cm chiều dài.
Hoa mướp khía thuộc dạng đơn tính, hoa đực mọc theo từng chùm, cánh hoa vàng tươi và có 5 nhị. Trong khi đó hoa cái mọc riêng lẻ một mình, vòi nhụy có lông mềm màu vàng, ngắn và trên đầu nhụy có 3 núm nhỏ.
Quả mướp khía hình chữ y thuôn dài, độ dài khoảng 30 - 40 cm, đường kính từ 7 - 10cm, dọc thân quả có các cạnh nhọn (trung bình 10 cạnh). Như vậy quả có kích thước khá lớn, khi quả chín hạt bên trong chuyển thành màu đen và sần sùi.
Đây là loài cây ưa ánh sáng và sinh trưởng nhanh ở những nơi ẩm ướt. Vì vậy khi gieo trồng nên chú ý chăm sóc, tưới tiêu đều đặn. Tháng 4 - 6 là khoảng thời gian cây kết trái.
Quê hương của mướp khía xuất phát từ các quốc gia có khí hậu nhiệt đới ở Á Phi. Ngoài ra cây còn được tìm thấy ở khu vực Madagascar và một số nước Nam Á, những vùng nhiệt đới. Ở Việt Nam mướp khía được trồng nhiều nhất ở các tỉnh thành phía Nam với mục đích dùng để làm món ăn và làm thuốc.
Quả chín sẽ được người dân thu hoạch vào mùa hè - thu. Đây là thời điểm vỏ quả đã ngả vàng và bên trong ruột đã hình thành xơ mướp. Sau khi thu hái, người ta sẽ bỏ hạt và vỏ quả, lấy phần xơ mướp bên trong rồi phơi khô. Bộ phận này được chế biến để làm thuốc và trong Đông y nó có tên gọi Ty qua lạc.
Mướp khía là một kho tàng chứa rất nhiều các loại protein thiết yếu như trichokirin, momordin, trichosanthin và triterpenoid A, B, C, D, E, F, G,… Nhân hạt mướp chứa pentosan, chất béo, sợi, protein thô, đường khứ và tro. Phần rễ có cucurbitacin B và C.
Mướp khía và ứng dụng trong y học
Trong Đông y
Dây mướp khía có thể được dùng để thông kinh hoạt lạc, chỉ khái hóa đàm, điều trị hiệu quả các triệu chứng ho, viêm mũi, viêm khí quản và đau nhức vùng thắt lưng;
Tác dụng của bộ rễ là thanh nhiệt và giải độc, chữa viêm mũi, viêm xoang và lở loét chảy nước ngoài da;
Hạt quả mướp khía còn là bộ phận giúp tiêu nhiệt, nhuận táo, thông tiểu, hóa đàm, sát trùng;
Lá cây giúp giải nhiệt, thanh mát, tác dụng chữa mụn, chốc lở, ho khan, ho gà, chảy máu vết thương hở, khát nước hay mất nước do thời tiết nắng nóng;
Phần xơ mướp được ứng dụng trong tiêu thũng, lợi niệu, hoạt huyết, thông lạc, chữa tắc tia sữa hay viêm tuyến sữa ở phụ nữ đang cho con bú, bế kinh, đau vùng ngực sườn, đau nhức xương cốt.
Theo Y học hiện đại
Hạt mướp có chứa các protein có thể gây sảy thai ở phụ nữ và bất hoạt ribosome (bộ máy vận hành chu trình sinh tổng hợp protein trong cơ thể người);
Hạt mướp còn chứa một số hợp chất làm ức chế trypsin (một loại enzyme tiêu hóa có vai trò quan trọng trong ruột non của người);
Hạt mướp khía tiết ra một loại dầu khiến người dùng có cảm giác buồn nôn và tiết ra nhiều nước bọt nếu ăn phải.
Các công dụng khác của mướp khía
Ở Ấn Độ, người dân ở đây dùng mướp khía để làm thuốc điều trị tình trạng hen suyễn, lợi tiểu, chữa lá lách to, cải thiện tình trạng táo bón và vấn đề về da. Hạt được chế biến thành thuốc kích thích nôn, long đờm, còn quả để chữa vàng da. Đối với phần rễ còn được người Ấn Độ và người Malaysia sử dụng để tăng lực, điều hòa kinh nguyệt, chữa rối loạn đường tiết niệu và hạ sốt;
Ở Campuchia, người dân thường dùng thân và rễ sắc với nước để lợi sữa, hoặc sắc phần thân cùng những thảo dược khác để làm nước súc miệng rất tốt;
Ở Thái Lan, lá, thân và rễ có công dụng hạ sốt;
Ở Indonesia, người ta chữa sốt rét hoặc hạ sốt từ bột của hạt tán nhỏ.
Những món ăn và bài thuốc từ mướp khía có công dụng chữa bệnh
Món ăn thanh đạm từ mướp khía |
Mướp khía chữa viêm xoang: chuẩn bị từ 10 - 20g thân mướp khía, 8 - 12g thân cây sim đem dược liệu sắc với nước uống. Nếu sau khi sử dụng bài thuốc này bị táo bón thì bạn có thể thêm 30 - 40g vừng đen để cải thiện tình trạng này;
Món ăn lợi sữa: Cách 1: Nấu canh mướp khía (10g) cùng móng giò ăn hàng ngày;
Cách 2: Chuẩn bị 10g mướp khía, 1 con cá mè, 100g gạo tấm. Luộc cá chắt lấy nước. Sau đó cho gạo vào nước nấu hỗn hợp thành cháo. Mướp khía bỏ vỏ, thái lát cho vào cháo, nêm thêm gia vị và ninh cho đến khi cháo chín. Dùng ăn hàng ngày;
Điều trị bệnh hen suyễn: băm nhỏ 20g xơ mướp, giã dập 12g hạt đay và sao các dược liệu này lên. Trộn đều nguyên liệu rồi đun cùng nước, uống khi còn ấm. Dùng liên tục 2 lần/ngày, duy trì 2 - 3 ngày;
Điều trị bệnh kiết lỵ, xuất huyết trĩ, rong kinh, băng huyết: đốt tồn tính xơ mướp (không đốt thành tro, cháy khoảng 70% thì ngừng), sau đó tán bột chia ra mỗi lần bỏ ra dùng khoảng 4 - 8g, hòa cùng nước ấm uống 2 lần/ngày;
Điều trị viêm tuyến vú và tắc tia sữa: 1 củ hành tươi, 10 cái bồ kết và 1 cái xơ mướp khía. Băm nhỏ các nguyên liệu đun cùng 400ml nước, cho đến khi cạn còn khoảng 100ml. Uống 2 lần/ngày và dùng liên tục từ 2 - 3 ngày. Để thông tắc tia được hiệu quả cần kết hợp bài thuốc này và động tác massage ngực;
Chữa bệnh sởi: chuẩn bị 4g cam thảo nam, 8g cỏ mần trầu, kim ngân, bạch chỉ và kinh giới (12g mỗi thứ) cùng 20g xơ mướp. Thái nhỏ các nguyên liệu, sao vàng rồi sắc với nước dùng mỗi ngày 2 lần.
Mướp khía có một tác dụng phụ là có thể gây táo bón nên nếu bạn gặp phải tình trạng này, hãy thêm vừng đen vào bài thuốc, đồng thời uống thêm nước vào ăn nhiều rau xanh. Đối với phụ nữ mang thai nếu muốn dùng mướp khía thì nên tham khảo ý kiến từ bác sĩ.
Bên cạnh giá trị dinh dưỡng cao được dùng để làm thực phẩm hàng ngày, mướp khía còn chứa nhiều dưỡng chất có công dụng điều trị các bệnh lý khác nhau. Quả mướp khía khá lành tính nhưng những bộ phận khác của mướp khía cần dùng theo liều lượng hợp lý và thận trọng khi sử dụng.