![]() |
Loài ốc biển này chỉ bằng cúc áo, vỏ láng, óng ánh sắc màu. |
Loài ốc đặc biệt này có tên gọi là ốc gạo (còn gọi là ốc lể, ốc ruốc, ốc chép) là một loại ốc biển có kích cỡ nhỏ như cúc áo. Loài ốc này rất quen thuộc với những người dân vùng duyên hải miền Trung. Đây là món ăn gắn bó với cả tuổi thơ của những người con miền duyên hải.
Loài sinh vật biển này chỉ bằng cúc áo, vỏ láng, óng ánh sắc màu; có con màu ruốc, con lấm chấm màu gạch, con rằn ri xám tro, lóng lánh... Ruột ốc chỉ có một chút thịt bằng chân tăm xỉa răng nhưng được nhiều người ăn.
![]() |
Loài ốc gạo rất quen thuộc với những người dân vùng duyên hải miền Trung. |
Ốc gạo được ví như một món quà quý giá mà thiên nhiên ban tặng cho cư dân vùng đất ven biển miền Trung. Cứ đến độ tháng Giêng trở đi là ốc xuất hiện và kéo dài trong khoảng chừng 3 tháng. Vào thời điểm này, đi đến đâu, nhất là ở những khu chợ lớn, cũng có thể thấy từng thau ốc gạo cỡ đại được nấu sả thơm phưng phức, bày bán khắp mọi nơi.
Ốc gạo được bán theo lon, mỗi lon khi nấu chín giá 10.000 đến 20.000 đồng một lon. Lúc ăn ốc, sẽ dùng gai cây canh, bưởi để lể từng con ốc, đặt từng con vào đầu lưỡi, tận hưởng cái hương vị đặc trưng của biển gồm ốc, muối, mắm, rồi nuốt chửng con ốc vào đáy lưỡi để cái hương đậm bùi, cay nồng tan đều trong miệng. Khi ăn có vị béo và ngon hơn.
![]() |
Mùa ốc gạo đem lại thu nhập cao cho người dân vùng biển miền Trung. |
Để làm ra món ốc gạo cũng khá kì công. Ốc được cào mang về nhà, thường phải được rửa đi rửa lại rất nhiều lần bằng nước biển hoặc nước vo gạo, vì loại ốc này thường sống dưới cát biển nên ngậm cát rất nhiều. Chưa hết, rửa xong lại phải tiếp tục ngâm ốc với nước biển trong vòng 24 tiếng đồng hồ thì mới sạch cát được.
Ốc ruốc dễ chín, để ốc chín mà vẫn giữ được độ ngon ngọt, người ta thường phơi ốc trên bếp, rải sả, ít muối ớt và tiêu cho ốc được ngấm vị. Sau đó, khi khách đến mua, các chị chủ hàng mới bắt đầu trộn các loại gia vị như dầu phi hành khô, muối ớt, bột ngọt và đặc biệt là nước mắm gừng, đảo nhanh tay rồi gói ghém lại kèm với một ít gai bưởi được chuẩn bị sẵn cho khách.
![]() |
Ốc gạo được rửa sạch và chuẩn bị chế biến. |
Thịt ốc ruốc bé tẹo nhưng qua chế biến có vị cay cay, mằn mặn, beo béo… nhất là phần đuôi ốc. Mỗi người có một cách thưởng thức khác nhau, thường thì người ta khêu ốc (lể ốc) cho vào miệng chứ chưa vội nhai ngay để cái thứ beo béo, mằn mặn và cay cay ngấm dần vào lưỡi, khêu được 5 - 10 con ốc cho vào miệng thì người ta mới bắt đầu nhai dần. Nhiều người không thích ăn ốc ruốc vì nó nhỏ xíu lại ăn hơi cực, thế nhưng một khi đã thích thì... "chết mê chết mệt" với món ăn này.
Khêu ốc là phải khêu hội đồng, đông người ngồi khêu, bởi vậy mà ốc ruốc cũng đem lại… tinh thần đoàn kết rất cao. Vừa moi từng con ốc bé xíu, mằn mặn trên que chanh, vừa rôm rả tám chuyện trên trời dưới đất. Tất cả tạo nên một hình ảnh chân chất dung dị của những người dân vùng duyên hải miền Trung.
![]() |
Ốc ruốc dễ chín, để ốc chín mà vẫn giữ được độ ngon ngọt, người ta thường phơi ốc trên bếp, rải sả, ít muối ớt và tiêu cho ốc được ngấm vị. |
Không những là món ăn khiến người ta phát "ghiền", ốc gạo với những chiếc vỏ đủ màu sắc trông cũng rất đẹp, người dân vùng biển thường làm vòng đeo tay, đeo cổ bán cho du khách. Thậm chí ở nhiều nơi còn có các nghệ nhân làm tranh nghệ thuật từ vỏ ốc ruốc.
Chị Nguyễn Thị Ánh, một người bán ốc gạo trên đường Hùng Vường (TP Tam Kỳ, Quảng Nam) cho biết, thói quen của người dân Quảng Nam khi lể ốc phải... có bạn, vừa lể, vừa trò chuyện và không bận tâm đến thời gian… để cuộc sống trôi qua xung quanh mới đúng vị của người ăn ốc gạo.
![]() |
Con ốc nhỏ là thế, nhưng có người thuần thục có thể lể thoăn thoắt trên tay. |
Con ốc nhỏ là thế, nhưng có người thuần thục có thể lể thoăn thoắt trên tay. Và không có cách thưởng thức nào khác là phải lể từng con một, nên ốc gạo còn có nơi gọi là ốc lể hay ốc ruốc. "Loài ốc bé xíu nhưng càng ăn thì càng bị cuốn hút một cách mê mẩn, để rồi không thể bỏ sót một con ốc nào. Người bán lẻ có thể bán mỗi ngày 30-50kg ốc, mỗi tháng 1,5 tấn ốc, lãi hơn chục triệu đồng”, chị Ánh tâm sự./.