Loại lá xưa bỏ đi, giờ thành đặc sản được nhiều người ưa chuộng |
Đậu đen thuộc dạng cây thảo mọc liên tục quanh năm, thường đứng, có khi leo, toàn thân không có lông. Chúng có đặc điểm: lá kép gồm 3 lá chét, mọc so le với nhau, có các lá kèm nhỏ. Lá chét giữa to và dài hơn các lá chét ở bên; chùm hoa thường dài từ 20-30cm và có hoa màu tím nhạt; quả mọc thẳng đứng hay nghiêng, dài tầm 7-13cm, chứa từ 8-10 hạt xếp dọc trong quả, to hơn hạt đậu xanh, dài từ 5-6mm.
Cây đậu đen có nguồn gốc từ châu Phi, sau đó được nhân giống rộng tại sang khu vực Trung Á, Ấn Độ và các nước châu Á. Ngày nay, chúng được trồng nhiều ở khu vực nhiệt đới và cận nhiệt đới như Nam Mỹ, Hoa Kỳ, Việt Nam...
Tại Việt Nam, đậu đen được trồng khắp các tỉnh thành và chủ yếu ở các vùng nông thôn. Cây thường được thu hoạch vào mùa hè khoảng tháng 5 -6 hàng năm. Khi thu hoạch người ta sẽ hái những quả già trước. Quả được phơi khô, tách vỏ và lấy hạt đậu bên trong. Hạt đậu phơi khô được mang đi bảo quản và dùng dần.
Xưa nay, người Việt vốn chỉ dùng hạt đậu đen để nấu chè, nấu xôi... mà ít ai biết rằng lá đậu đen cũng có thể ăn được. Thậm chí, chúng còn là đặc sản của một số vùng quê ở Đồng bằng Bắc bộ.
Hạt đậu đen để nấu chè, nấu xôi... |
Chị Lam Hồng (Nam Định) chia sẻ: Ngày còn ở quê, cứ độ tháng hai, nhà nào cũng trồng vài luống đỗ đen để lấy hạt nấu chè trong những ngày hè oi ả. Cây đỗ đen dễ trồng, chẳng kén đất nên gieo hạt ở chỗ nào cũng mọc xanh um từng bụi. Những bông hoa như cánh bướm màu tím nhạt rập rờn giữa màu lá biếc.
Thỉnh thoảng, các bà các mẹ lại ngắt bớt đọt non, lá non, hãm không cho ngọn đỗ vươn cao để tập trung nuôi quả. Vườn quê rau xanh các loại lúc nào cũng sẵn, nhưng những món canh từ lá đỗ mát lành luôn được ưa thích trong mùa hè nóng bức. Sau những cơn mưa rào, những búp lá đâm lên mơn mởn, hái không xuể.
Lá đỗ đen xanh mềm, lại rất ngọt, dù luộc hay nấu canh suông đều có vị bùi và hương thơm riêng. Nhưng ngon nhất là canh lá đỗ non nấu với cua. Thường thì trước lúc nấu cơm, các mẹ mới xách rổ ra vườn hái ngọn non và lá bánh tẻ về nấu nên rau bao giờ cũng rất tươi ngon. Chờ cho nồi nước cua sôi, từng đám gạch nâu hồng nổi lên bề mặt mới nhẹ nhàng thả nắm rau vào, đun sôi bùng lên rồi bắc ra ngay. Chẳng cần thêm mì chính, canh cua lá đỗ đen đã có vị ngọt lịm tự nhiên, ai đã ăn một lần đều không thể nào quên. Bữa cơm trưa hè, chỉ cần bát canh cua lá đỗ non ăn kèm cà pháo muối xổi là bao nhiêu mệt nhọc, uể oải vì nắng nóng tan biến hết.
Từ ngày rời quê lên phố, bao món ngon dân dã của quê hương chỉ còn trong hoài niệm. Cuộc sống đã dư giả hơn, nhưng nhiều lúc, thấy nhớ, thấy thèm một món ăn xưa cũ, dù có tiền cũng chẳng thể mua nơi phố sá.
Thỉnh thoảng, gặp bạn bè đồng hương cũ, trong những ồn ào ôn nghèo kể khổ vẫn không quên gợi nhắc món này, món nọ rồi xuýt xoa với nhau. Để hôm nay, nhận mớ rau lá đỗ từ bà lão bán hàng quen, lại thấy mình của ngày thơ bé, tung tăng theo mẹ đi hái lá đỗ non và rình bắt những con bướm rập rờn bên những luống hoa màu tím nhạt.
Đĩa ngọn đậu luộc chấm mắm tỏi chanh |
Chị Tiên Sa lại trải lòng về những kỷ niệm với cây đậu đen đã theo chị những ngày thơ tấm bé.
Ở vùng đất phù sa ven triền sông quê tôi ngày ấy, những người dân quê và mẹ tôi trồng những đám đậu xanh tốt mỡ màng, chen lẫn đám cải hoa vàng tiếp nối dọc triền sông. Sau những cơn mưa cuối mùa đông, mẹ tôi cũng như bao người dân quê khác bắt đầu trồng, tỉa trên đất phù sa ven sông nào bắp, dưa, các loại đậu... Và, nhờ những cơn mưa xuân tưới tắm, hạt đậu nhanh chóng đâm chồi nẩy lộc. Hơn 1 tháng sau, cây đậu vươn dài thân ngọn, nhất là đậu đen và đậu đỏ.
Khách đến nhà chơi, mẹ tôi thường lấy ngọn đậu nấu canh với tép khô, ngọn đậu xào tôm thịt... Đặc biệt, mẹ nấu món ngọn đậu xào tỏi như sau: Dầu phụng (lạc) phi với tỏi cho thơm, bỏ ngọn đậu vào xào, nêm nếm cho vừa... Mùi thơm của dầu phụng phi tỏi hòa quyện cái ngọt, cái bùi bùi, cái béo, ăn rất thi vị. Thi thoảng, mẹ cũng chế biến món ngọn đậu xào với con tôm, con tép dưới sông do cha bắt được. Song, món ngọn đậu luộc chấm nước mắm tỏi ớt- chanh là món ăn dân dã để ăn với cơm cũng rất ngon, do vị ngọt, bùi của nó.
Ôi cái món “ngọn đậu” của ngày thơ tấm bé ấy cứ đeo đẳng bên tôi suốt cả cuộc đời.