Nhìn giống chân vịt, xưa là rau dại nay thành đặc sản nổi tiếng |
Loài rau này có tên khoa học Porphyra crispata, thường mọc nhiều ở các tỉnh thành miền biển như đảo Phú Quý, Phú Quốc, Kiên Giang… Rau đá biển có thân nhỏ như sợi chỉ, màu nâu tím, mọc thành từng tảng lớn bám chặt vào mặt đá, nhìn từ xa khá giống chân con vịt. Bởi vậy, nó còn có tên gọi khác là rau câu chân vịt.
Người dân miền biển coi rau đá biển như "báu vật trời ban" bởi giá trị dinh dưỡng và kinh tế mà nó đem lại. Trước đây, rau đá biển có nhiều nhưng chủ yếu có mặt trong những bữa cơm dân dã của người dân nghèo miền biển chứ ít ai mang ra mua bán. Giờ đây, loại rau dại này thành đặc sản nổi tiếng, được du khách biết tới từ đó được các thương lái thu mua rồi bán về đất liền.
Đây là loại rau sinh tồn trên đá biển nên rất khó để có thể khai thác, cần phải có kỹ thuật riêng mới có thể thu hoạch thành công. Khi nước rút, bà con vùng biển sẽ bám dần theo con nước đang rút để hái rau đá. Dụng cụ để thu hái rau rất đơn giản chỉ là một cái thau và một cái liềm nhỏ.
Một người dân ở Phú Quốc chia sẻ, muốn hái rau đá biển có 2 cách: Ngắt từng sợi nhỏ để tránh bị đứt hoặc dùng thìa cạo để tách rau ra khỏi bờ đá. Chính vì phải có sự khéo léo mà bao nhiêu đời nay, người phụ nữ Phú Quốc đã gắn liền với việc khai thác rau đá biển. Chiều về, khi nước biển rút xuống nhanh hàng chục cây số, trơ trọi những bãi đá ngầm, những người phụ nữ tập hợp thành từng nhóm, họ bám dần theo con nước đang rút để hái rau đá, ngoài ra còn có thể thu hoạch cả một “vựa” những sản vật của biển khác.
Người dân miền biển coi rau đá biển như "báu vật trời ban" |
Rau đá biển có quanh năm, mỗi ngày trung bình thu hái được 5kg rau tươi. “Cả đời của tôi gần như gắn với việc hái rong, nên tôi thuộc lòng từng bãi đá, nơi nào có rong gì, nhiều hay ít. Tuy vậy vẫn phải cẩn thận vì đá biển rất trơn, dễ bị trượt chân va đầu vào đá nếu bất cẩn. Tôi thường bị trầy chân chảy máu, do đá quá trơn. Nhưng vì độ “hấp dẫn” của loại thực vật này mà rau đá biển vẫn thu hút nhiều người đi hái mỗi ngày”, chị Đặng Thị Nghè, trú tại Phú Quốc cho biết.
Trước đây, lượng rau đá biển thu được rất nhiều nhưng giá bán rất thấp, chỉ vài chục nghìn đồng mỗi kg rau khô. Hiện nay, tại Phú Quốc, rau đá biển đã trở thành đặc sản và được bày bán rộng rãi trên các sàn thương mại điện tử với mức giá khoảng 800.000 đồng/kg.
Lý do loại rau dại mọc đầy biển này lại có giá “ngất ngưởng” là bởi rau đá hoàn toàn tự nhiên, không thể gieo trồng như các loại rau sản xuất công nghiệp khác. Chưa kể là rau đá biển khô 1kg phải phơi cả 10kg rau đá biển tươi, không tính loạt công đoạn phơi khô nhiều ngày rất cầu kỳ.
Rau đá biển sau khi được hái về phải ngâm để làm sạch đá, sạn, cát… Rửa sạch rau cho vào nồi đổ ngập nước, cho thêm vào một nắm lá me tươi, lá già hay non đều được, nấu sôi vài phút, nhấc khỏi bếp, lọc qua vải mùng thưa, cho nước đường vừa đủ ngọt, để nguội ăn rất ngon. Đó chính là món rau câu huyền thoại của người dân Phú Quốc, ăn vừa ngọt vừa mát, thanh nhiệt lại tốt cho sức khỏe.
Rau đá biển chế biến được rất nhiều món ăn |
Ngoài ra, rau đá biển còn có thể để nguyên nấu chè, nấu canh, làm gỏi, còn dùng hầm chung với thịt lợn, nấu canh với thịt, cá. Trong những bữa ăn dân dã của người Phú Quốc, món rau đá không chỉ là thực phẩm chính mà còn giúp cân bằng mùi vị, đặc biệt là ăn kèm các món ăn nhiều dầu mỡ. Những ngày Tết, ăn nhiều dầu mỡ chiên xào hay uống bia rượu mà có món rau đá nấu canh là lại tỉnh táo như chưa từng say cồn.
Nhiều người dùng rong đá biển vì lợi ích to lớn cho sức khỏe mà nó mang lại, một số lợi ích sức khỏe mà rong cau cung cấp cho người sử dụng có thể kể đến như: Giảm thiếu máu; chống lại sự thiếu hụt sắt, ổn định tế bào hồng cầu máu; ổn định năng lượng; cải thiện tuyến giáp; trị liệu chức năng thần kinh và tăng khả năng phục hồi sức khỏe; thanh nhiệt giải độc cơ thể... Chính vì vậy mà nó trở thành món quà biếu rất được lòng giới nhà giàu.