7 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 10 tỷ USD Hướng đến mục tiêu xuất khẩu sản phẩm trồng trọt trên 26 tỷ USD Việt Nam xuất khẩu hàng hoá sang Hoa Kỳ thu 97 tỷ USD |
Loại củ xưa ăn chống đói, nay xuất khẩu thu về 1,3 tỷ USD. |
Xuất khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, năm 2023, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn đạt 2,95 triệu tấn, trị giá 1,3 tỷ USD, giảm 9,1% về lượng và giảm 7,3% về trị giá so với năm 2022.
Năm 2023, mặc dù xuất khẩu sắn và sản phẩm từ sắn giảm so với năm 2022, nhưng đây vẫn là một trong những mặt hàng nông sản xuất khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD.
Tính riêng mặt hàng sắn, năm 2023, xuất khẩu sắn đạt 821,51 nghìn tấn, trị giá 231,64 triệu USD, tăng 8% về lượng và tăng 4,9% về trị giá so với năm 2022. Giá xuất khẩu sắn bình quân năm 2023 ở mức 282 USD/tấn, giảm 2,9% so với năm 2022.
Năm 2023, giá xuất khẩu bình quân sắn và các sản phẩm từ sắn đạt mức cao nhất kể từ năm 2018 đến nay. Giá sắn và các sản phẩm từ sắn xuất khẩu năm 2023 đạt 441,5 USD/tấn, tăng 2,1% so với năm 2022.
Năm 2023, Trung Quốc vẫn là thị trường tiêu thụ sắn và các sản phẩm từ sắn lớn nhất của Việt Nam, chiếm 91,52% về lượng và chiếm 90,99% về trị giá trong tổng xuất khẩu của cả nước, đạt 2,7 triệu tấn, trị giá 1,18 tỷ USD, giảm 9,3% về lượng và giảm 7,7% về trị giá so với năm 2022. Giá xuất khẩu bình quân sắn và các sản phẩm từ sắn của Việt Nam sang Trung Quốc năm 2023 ở mức 438,9 USD/tấn, tăng 1,7% so với năm 2022.
Nhu cầu sắn và các sản phẩm từ sắn của Trung Quốc chậm lại trong mấy tháng gần đây đã ảnh hưởng đến xuất khẩu mặt hàng này của Việt Nam.
Đặt mục tiêu xuất khẩu 2 tỷ USD năm 2028
Bà con nông dân xã Xuân Hòa, huyện Như Xuân, Thanh Hoá thu hoạch sắn. |
Tây Ninh là địa phương đứng đầu về số lượng nhà máy chế biến sắn cả nước. Hiện trên địa bàn tỉnh này có 65 nhà máy chế biến sắn với tổng công suất 6,4 triệu tấn củ/năm.
Ông Nguyễn Đình Xuân, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tây Ninh, cho biết Tây Ninh hiện là thủ phủ của ngành sắn cả nước, hơn 50% kim ngạch xuất khẩu sắn hàng năm thuộc về các doanh nghiệp Tây Ninh.
Tuy nhiên, diện tích vùng trồng của Tây Ninh không phải lớn, toàn tỉnh hiện có khoảng 62 ngàn ha, năng suất khoảng 2 triệu tấn/năm, chỉ đáp ứng 50% nguyên liệu cho ngành chế biến sắn địa phương. Để đủ nguồn nguyên liệu, các doanh nghiệp thu mua sắn từ các tỉnh lân cận và cả các tỉnh Campuchia giáp ranh.
Theo ông Xuân, ngành sắn Tây Ninh vẫn còn hạn chế khi chưa có liên kết trong đầu tư thu mua nguyên liệu giữa nhà máy chế biến và người nông dân, chưa hình thành cơ chế chính sách liên kết vùng để thu hút nguồn đầu tư ổn định, lâu dài. Để cây sắn của Tây Ninh phát triển ổn định và thật sự bền vững, cần tổ chức lại sản xuất theo hướng xây dựng vùng sản xuất lớn. Đây là cơ sở để liên kết với các doanh nghiệp nhằm giảm các khâu trung gian, tạo cơ hội nâng cấp chuỗi giá trị sản phẩm.
Bà Võ Thị Linh Phượng, Giám đốc Công ty CP Khoai mì Tây Ninh (Tây Ninh Tapioca JSC) cho hay hầu hết các nhà máy đều tăng công suất. Tuy nhiên, do nguồn sắn tại địa phương không theo kịp với việc chế biến nên đã xuất hiện tình trạng tranh mua, tranh bán dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh, đẩy nguyên liệu đầu vào tăng cao, trong khi đầu ra không biến động nhiều khiến không ít doanh nghiệp lao đao. Doanh nghiệp nào làm chủ được vùng nguyên liệu thì doanh nghiệp đó mới thắng lợi.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2023, diện tích sắn trên cả nước đạt khoảng 511,5 nghìn ha, giảm 18,8 nghìn ha so với năm 2022; năng suất trung bình đạt 204 tạ/ha, tăng khoảng 3,6 tạ/ha và sản lượng ước đạt 10,43 triệu tấn củ tươi, giảm khoảng 196,3 nghìn tấn so với năm 2022.
Hiệp hội Sắn Việt Nam đề ra mục tiêu xuất khẩu sắn đến năm 2028 sẽ đạt 2 tỷ USD/năm và tăng lên 2,5 tỷ USD/năm vào năm 2050.
Để đạt được con số này, ông Nghiêm Minh Tiến cho rằng ngành sắn cần phải giải quyết 3 điểm yếu hiện nay. Đó là: Xuất khẩu lệ thuộc quá nhiều vào một thị trường; công nghệ chế biến còn lạc hậu, chưa có nhiều sản phẩm chế biến sâu; mất cân đối giữa chế biến và vùng trồng sắn nguyên liệu…
“Để cho ngành sắn phát triển một cách ổn định, bền vững và có chất lượng, Việt Nam cần tái cơ cấu lại ngành sắn trong nước; đảm bảo cân đối nguyên liệu trong sản xuất. Đồng thời, xây dựng Trung tâm phát triển giống sắn có sự liên kết, nhằm tạo nguồn giống mới đáp ứng kịp thời nhu cầu giống cho bà con nông dân; đảm bảo công bằng chính sách tín dụng và chính sách thuế; đa dạng hóa thị trường xuất khẩu; khuyến khích, tiếp sức cho doanh nghiệp đầu tư xử lý môi trường và sản xuất chế biến có chiều sâu để nâng cao giá trị sau tinh bột”, ông Nghiêm Minh Tiến nhấn mạnh.