Năm 2021, tăng trưởng kinh tế Việt Nam có thể đạt 6,9% Kịch bản Kinh tế Việt Nam 2021: Nên phát triển tập đoàn tư nhân lớn Năm 2021, Việt Nam hướng đến 6 mục tiêu kinh tế |
Tại phiên họp Chính phủ tháng 1/2021 (ngày 2/2), Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng đã báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội tháng 01 và dự báo kịch bản tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong bối cảnh mới khi mà dịch bệnh COVID-19 đang có những diễn biến phức tạp, đáng lo ngại.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu (Ảnh: VGP) |
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ đã xây dựng các kịch bản tăng trưởng đối với từng quý và từng ngành. Nay, trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, Bộ KH&ĐT nhận định, trường hợp dịch COVID-19 được khống chế kịp thời trong quý I, ước tính GDP quý I/2021 tăng 4,46%, thấp hơn 0,66 điểm phần trăm so với mục tiêu đặt ra trong Nghị quyết 01.
Với mức suy giảm trên, nếu hoàn thành các mục tiêu tăng trưởng của các quý sau theo Nghị quyết 01/NQ-CP, tăng trưởng cả năm ước đạt 6,37%, đạt mục tiêu tăng trưởng của Quốc hội (6%) nhưng thấp hơn mục tiêu tăng trưởng tại Nghị quyết 01/NQ-CP (6,5%).
"Để đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5% thì quý II cần đạt mục tiêu đặt ra trong Nghị quyết 01/NQ-CP với tăng trưởng 7,11% và quý III, quý IV phải phấn đấu đạt mức tăng trưởng cao hơn so với Nghị quyết 01/NQ-CP. Theo đó, quý III tăng 6,73% (cao hơn Nghị quyết 01/NQ-CP 0,02 điểm phần trăm) và quý IV tăng 7,04% (cao hơn Nghị quyết 01/NQ-CP 0,37 điểm phần trăm)", ông Dũng cho biết.
Dịch COVID-19 - trở ngại lớn cho phát triển kinh tế
Cũng trong phần báo cáo sáng nay, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng đã làm rõ hơn bức tranh kinh tế Việt Nam sau tháng đầu tiên của năm 2021.
Theo Bộ trưởng Bộ KH&ĐT, tình hình kinh tế - xã hội tháng 1/2021 tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực, nhiều dấu hiệu khởi sắc với nhiều điểm sáng.
Theo đó, xuất siêu tiếp tục là điểm sáng với động lực xuất khẩu từ ngành chế biến, chế tạo. Hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa duy trì mức tăng trưởng ấn tượng, ước tính tháng 01/2021, tiếp tục xuất siêu 1,3 tỷ USD. Ngoài ra, ước giải ngân tháng 1/2021 đạt 15 nghìn tỷ đồng, bằng 3,25% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (cùng kỳ đạt 0,95%)…
Tuy nhiên theo ông Dũng, bên cạnh những điểm sáng, kinh tế Việt Nam vẫn cũng có nhiều điểm cần lưu ý.
Như chỉ số sản xuất công nghiệp tăng cao so với cùng kỳ năm 2020, tuy nhiên giảm 3,2% so với tháng 12/2020; trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 3,1%.
Ngoài ra, số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường vẫn ở mức cao phản ánh ảnh hưởng sâu rộng và lâu dài của dịch bệnh. Số lượng doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh trong tháng đầu năm 2021 lên tới hơn 18 nghìn doanh nghiệp, tăng 54,3% so với cùng kỳ năm 2020.
Cũng theo ông Dũng, dịch bệnh tiếp tục là trở ngại lớn cho việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Tính đến ngày 20/1/2021, tổng số vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài chỉ đạt gần 2,02 tỷ USD, bằng 37,8% so với cùng kỳ năm 2020; trong đó, tổng giá trị vốn góp, mua cổ phần giảm 58,7%.
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT cũng cảnh báo những rủi ro tiềm ẩn của thị trường chứng khoán sau các đợt rung lắc mạnh vào cuối tháng 1 vừa qua. Cùng với đó là áp lực lạm phát sẽ gia tăng trong cả ngắn và dài hạn...
"Tác động của dịch bệnh tới nền kinh tế vẫn còn dai dẳng, phản ánh qua việc số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường còn cao, thu hút nguồn vốn FDI suy giảm và khu vực dịch vụ, du lịch phục hồi chậm. Dự báo dịch bệnh sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến nền kinh tế trong cả ngắn và dài hạn. Rủi ro còn đến từ biến động chính trị, căng thẳng thương mại và tình hình nợ công trên thế giới, đòi hỏi Việt Nam cần chủ động có những giải pháp quyết liệt để bảo đảm thực hiện được các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội đề ra", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.
Kịch bản tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2021 (ảnh minh họa) |
Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng cao so với cùng kỳ năm 2020, tuy nhiên giảm 3,2% so với tháng 12/2020; trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 3,1%. Nguyên nhân có thể do chu kỳ kinh doanh, khi doanh nghiệp thường có xu hướng đẩy mạnh sản xuất trong các tháng cuối năm và tập trung tiêu thụ trong tháng 1. Tuy nhiên cần tiếp tục theo dõi sát sao để đề xuất chính sách hỗ trợ phù hợp nếu xu hướng này tiếp tục kéo dài.
Việt Nam đã thành công trong việc kiểm soát lạm phát, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô trong năm 2020. Dù vậy, dự báo áp lực lạm phát sẽ gia tăng trong cả ngắn và dài hạn.
Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế qua “cỗ xe tam mã”
Về một số nhiệm vụ giải pháp 6 tháng đầu năm 2021, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, cần khẩn trương, quyết liệt triển khai thực hiện ngay Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và phấn đấu đạt mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 và 5 năm 2021-2025.
Trong 6 tháng đầu năm, cùng với phòng, chống, kiểm soát đại dịch COVID-19, các Bộ, ngành, địa phương khẩn trương, quyết liệt triển khai các chương trình hành động thực hiện nhiệm vụ, giải pháp tại Nghị quyết 01/NQ-CP, đặc biệt là các giải pháp nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế qua “cỗ xe tam mã” gồm đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng.
Cụ thể, tiếp tục thực hiện chính sách tài khóa, tiền tệ mở rộng hợp lý để ổn định kinh tế vĩ mô, kích thích tăng trưởng kinh tế.
Đánh giá kỹ dư địa của chính sách tiền tệ, tài khóa để xây dựng các chính sách hỗ trợ cho các đối tượng còn gặp khó khăn do tác động bởi dịch, đặc biệt là ngành dịch vụ, du lịch, vận tải. Theo dõi sát tình hình trong nước và quốc tế để kịp thời nắm bắt thông tin, chủ động phân tích, dự báo và xây dựng các kịch bản, biện pháp để ứng phó hiệu quả những biến động và vấn đề phát sinh.
Tập trung, chú trọng phát triển thị trường trong nước theo chiều sâu, cải thiện môi trường kinh doanh và bảo đảm lao động. Hoàn thiện thể chế, tạo thuận lợi để phát triển thương mại điện tử, ứng dụng thanh toán điện tử; hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu mở rộng thị trường đầu ra qua hình thức thương mại điện tử xuyên biên giới; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ 4.0 để thúc đẩy quản lý theo chuỗi, tạo điều kiện thuận lợi truy xuất nguồn gốc.
Tiếp tục hoàn thiện, nâng cao chất lượng thể chế, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, thuận lợi.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với các địa phương theo dõi, nắm bắt tình hình lao động, nhất là trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, trước, trong và sau Tết Nguyên đán; kịp thời có phương án hỗ trợ khắc phục tình trạng thiếu hụt lao động sau Tết; tiếp tục theo dõi, đánh giá tác động của dịch COVID-19 đến người lao động và cập nhật tình hình, nhu cầu lao động nước ngoài.
Thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, thu hút vốn đầu tư xã hội, tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế, đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu, khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của các hiệp định FTA đã ký kết. Hoàn thiện thể chế, chính sách thu hút đầu tư nước ngoài có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ, bảo vệ môi trường và đổi mới sáng tạo là tiêu chí đánh giá chủ yếu. Đẩy mạnh phát triển thị trường vốn, thị trường chứng khoán.
Đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đối số trong doanh nghiệp. Tập trung hoàn thiện, triển khai các đề án lớn về kinh tế chia sẻ, kinh tế ban đêm, trung tâm tài chính quốc tế tại Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng.
Cùng với đó, Bộ KH&ĐT sẽ nghiên cứu, đề xuất gói hỗ trợ thứ hai cho người dân và doanh nghiệp. Ngoài ra, Bộ trưởng lưu ý, hiện, các địa phương còn rất nhiều dự án đầu tư gặp vướng mắc. Về vấn đề này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đồng ý thành lập tổ công tác đặc biệt do một Phó Thủ tướng đứng đầu để tháo gỡ...
Chuẩn bị tổ chức Diễn đàn Kịch bản Kinh tế Việt Nam 2021 |
CEBR: Kinh tế Việt Nam xếp hạng 19 thế giới vào năm 2035 |
Việt Nam xuất siêu kỷ lục trong năm 2020 |