Chuẩn bị tổ chức Diễn đàn Kịch bản Kinh tế Việt Nam 2021 Năm 2021, Việt Nam hướng đến 6 mục tiêu kinh tế CEBR: Kinh tế Việt Nam xếp hạng 19 thế giới vào năm 2035 |
Chiều 11/1 đã diễn ra Diễn đàn Kịch bản Kinh tế Việt Nam 2021 với chủ đề "Định hình chiến lược đầu tư và kinh doanh trong bối cảnh mới" do Tạp chí Kinh tế Việt Nam - VnEconomy - Vietnam Economic Times phối hợp với Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) tổ chức ở TP Hồ Chí Minh.
Tại sự kiện, các chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh thế giới vẫn đang chịu tác động nặng nề từ đại dịch Covid-19, Việt Nam đã chủ động và sẵn sàng chuẩn bị những điều kiện tốt nhất để thúc đẩy đà tăng trưởng kinh tế; đồng thời, xây dựng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đất nước giai đoạn 5 năm 2021 - 2025.
![]() |
Kịch bản Kinh tế Việt Nam 2021: Nên phát triển tập đoàn tư nhân lớn |
Theo đó, năm 2021 có ý nghĩa rất quan trọng, mở đầu cho một giai đoạn phát triển mới của Việt Nam, đồng thời là năm triển khai thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đất nước thời kỳ 2021 - 2025, hướng đến năm 2030.
Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2025 là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại; đến năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao.
Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển - Trần Hồng Quang cho biết: Mục tiêu chiến lược giai đoạn 2021 - 2030 phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng GDP khoảng 7%/năm. Bên cạnh đó, năm 2025 có GDP/người giá thực tế đạt 4.700 - 5.000 USD (năm 2020 là 3.521 USD) và đến năm 2030 có GDP/người giá thực tế đạt khoảng 7.500 USD.
Theo ông Trần Hồng Quang, Việt Nam phải đẩy mạnh phát triển một số ngành nghề, lĩnh vực kinh tế trọng điểm, có tiềm năng, lợi thế và còn dư địa lớn để làm động lực cho tăng trưởng theo tinh thần bắt kịp, tiến cùng và vượt lên ở một số lĩnh vực so với khu vực, thế giới. Hoàn tất việc sắp xếp lại khối doanh nghiệp nhà nước và tiền thu được từ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tập trung đầu tư các công trình kết cấu hạ tầng trọng điểm quốc gia.
Một số chuyên gia khác cho rằng, phát triển mạnh khu vực kinh tế tư nhân của người Việt Nam cả về số lượng, chất lượng, hiệu quả, bền vững... thực sự trở thành những động lực quan trọng trong phát triển kinh tế, qua đó từng bước xóa bỏ mọi rào cản, định kiến, tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế tư nhân; hỗ trợ kinh tế tư nhân đổi mới sáng tạo, hiện đại hóa công nghệ, phát triển nguồn nhân lực.
Đặc biệt, các chuyên gia cho rằng Việt Nam nên khuyến khích hình thành, phát triển những tập đoàn kinh tế tư nhân lớn, tiềm lực mạnh, có khả năng cạnh tranh khu vực, quốc tế; chuyển trọng điểm chính sách thu hút, hợp tác đầu tư nước ngoài từ số lượng sang chất lượng, có giá trị gia tăng cao, lấy hiệu quả và công nghệ sử dụng làm thước đo chủ yếu, quan trọng nhất.