Hai kịch bản xuất khẩu gỗ những tháng cuối năm Nửa đầu tháng 8/2021, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ giảm mạnh Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong tháng 7 thu về 1,3 tỷ USD |
Vượt "bão" COVID-19, ngành gỗ xuất siêu 9,1 tỷ USD
Theo báo cáo của Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT) 8 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu gỗ và lâm sản ước đạt 11,2 tỷ USD, tăng 42,7% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó, gỗ và sản phẩm gỗ 10,4 tỷ USD, tăng 41,9%, lâm sản ngoài gỗ đạt 0,79 tỷ USD, tăng 54,2%.
Ở chiều ngược lại, ước nhập khẩu gỗ và lâm sản đạt 2,1 tỷ USD, tăng 34,1% so với cùng kỳ năm 2020. Như vậy, 8 tháng đầu năm 2021, gỗ và lâm sản xuất siêu 9,1 tỷ USD.
Xuất khẩu gỗ tăng trưởng mạnh trong 8 tháng, chủ yếu nhờ vào tăng trưởng của các tháng trước dịch bệnh |
8 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu gỗ và lâm sản sang trên 130 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó, 5 thị trường Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, EU, Hàn Quốc tiếp tục là những thị trường xuất khẩu chính, tổng giá trị xuất khẩu tại 5 thị trường chiếm trên 90% tổng giá trị xuất khẩu của cả nước.
Cụ thể, xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ đạt trên 6,7 tỷ USD, tăng 59,8% so với cùng kỳ năm 2020; xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản đạt 953,1 triệu USD, tăng 11,4% so với cùng kỳ năm 2020; xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc đạt 1,008 tỷ USD, tăng 21,6% so với cùng kỳ năm 2020; xuất khẩu sang thị trường EU đạt 782 triệu USD, tăng 32,8% so với cùng kỳ năm 2020; xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc đạt 605,2 triệu USD, tăng 11,5% so với cùng kỳ năm 2020.
Trên 50% doanh nghiệp dừng sản xuất do ảnh hưởng dịch COVID-19
Theo ông Bùi Chính Nghĩa - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, năm 2021, ngành chế biến, xuất khẩu gỗ và lâm sản được dự báo sẽ có mức tăng trưởng tương đương so với năm 2020, khoảng trên 15% do có nhiều thuận lợi. Tuy nhiên, ảnh hưởng của đợt bùng phát dịch bệnh lần thứ 4 đã tác động tiêu cực, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất, chế biến của các doanh nghiệp ngành gỗ, đặc biệt tại khu vực phía Nam như Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, nơi tập trung nhiều các doanh nghiệp chế biến gỗ.
Trong 3 tháng gần đây, giá trị xuất khẩu đã có sụt giảm đáng kể, bình quân 3 tháng Sáu, Bảy, Tám giảm hơn 16% so với các tháng liền kề trước đó. Ước giá trị xuất khẩu lâm sản tháng 8 đạt 949 triệu USD, giảm 34,5% so với tháng 7 và giảm 22,8% so với cùng kỳ năm 2020.
Lũy kế 8 tháng, xuất khẩu lâm sản ước đạt 11,2 tỷ USD, tăng 42,7 % so với cùng kỳ năm 2020. Riêng gỗ và sản phẩm gỗ đạt 10,4 tỷ USD, tăng 41,9%.
Ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho biết khảo sát nhanh của các hiệp hội địa phương vào trung tuần tháng 8/2021 đối với 360 doanh nghiệp tại Bình Dương, Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai và Bình Định cho thấy bình quân có trên 50% doanh nghiệp dừng sản xuất. Những doanh nghiệp còn hoạt động cũng chỉ duy trì được khoảng 50-60% số lao động; công suất giảm từ 30-50% so với điều kiện bình thường.
Nhưng những doanh nghiệp này đang đối diện nguy cơ phá sản do phải trả chi phí cao. Riêng chi phí để duy trì sản xuất tăng khoảng 20-30%. Doanh nghiệp rất khó cầm cự và cũng không đủ nguồn lực để trả các khoản vay đến hạn. Ngoài ra, doanh nghiệp còn phải đóng bảo hiểm xã hội, y tế, thất nghiệp, phí công đoàn chiếm khoảng 15% chi phí hoạt động sản xuất kinh doanh. Đây cũng thực sự là gánh nặng cho doanh nghiệp.
Cần có lộ trình và chính sách hỗ trợ thống nhất để giúp doanh nghiệp ngành gỗ vượt qua khó khăn |
Cần có lộ trình và chính sách hỗ trợ thống nhất
Trong những tháng cuối năm, dịch bệnh còn tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, nếu không có sự nỗ lực, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, các doanh nghiệp, người lao động thì ngành chế biến, xuất khẩu gỗ và lâm sản khó đạt được mục tiêu xuất khẩu 14,5 tỷ USD trong năm nay.
Do đó, nhiều ý kiến cho rằng, cần có lộ trình và chính sách hỗ trợ thống nhất giữa các Bộ ngành và địa phương trong triển khai thực hiện tạo niềm tin cho doanh nghiệp yên tâm để xây dựng định hướng và kế hoạch của doanh nghiệp. Giảm chi phí, bảo hiểm xã hội, thuế và lãi suất ngân hàng đặc biệt là nguồn tài chính hỗ trợ mới với những doanh nghiệp vượt qua những khó khăn của đại dịch để doanh nghiệp có đủ nguồn vốn có thể phát triển và nắm bắt cơ hội tiếp tục hướng đến mục tiêu là nguồn cung ứng mặt hàng gỗ là nội thất lớn của thế giới.
Ông Điền Quang Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ và lâm sản tỉnh Bình Dương đề nghị, nâng hạng ưu tiên tiêm vắc xin cho người lao động ngành gỗ từ vị trí 13 lên mức 8 trong bảng ưu tiên tiêm vắc xin của Bộ Y tế, đồng thời tạo điều kiện nhanh nhất và đảm bảo nhu cầu tiêm vắc xin cho công nhân ngành gỗ.
Ông Nguyễn Quốc Khanh, Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, cần có lộ trình và chính sách hỗ trợ thống nhất giữa các bộ, ngành và địa phương trong triển khai thực hiện, tạo niềm tin cho doanh nghiệp yên tâm để xây dựng định hướng, kế hoạch sản xuất, đồng thời giảm chi phí, bảo hiểm xã hội, thuế và lãi suất ngân hàng đặc biệt là hỗ trợ nguồn tài chính mới với những doanh nghiệp vượt qua những khó khăn của đại dịch.
Theo ông Đỗ Xuân Lập - Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, Nghị Quyết số 68 của Chính phủ đã quy định cho vay trả lương ngừng việc, cho vay trả lương phục hồi sản xuất với mức lãi suất 0% (điểm 11, Mục 2); tuy nhiên, chỉ được thực hiện với Ngân hàng Chính sách xã hội. Đề nghị Chính phủ cho phép tiếp tục thực hiện các chính sách như đã quy định tại Thông tư 01/2020/TT-NHNN ngày 13/03/2021 của Ngân hàng Nhà nước.
Ngoài ra đề nghị ngành ngân hàng giảm lãi suất đối với nguồn vốn vay hiện tại và vốn vay mới, với mức giảm lãi suất xuống còn từ 4 - 4,5%/năm thay vì mức lãi suất quá cao như hiện nay. Đồng thời, giãn nợ gốc và trả lãi từ 6 tháng tới 12 tháng để doanh nghiệp có đủ thời gian ổn định sản xuất; Hỗ trợ cho doanh nghiệp được tiếp cận với nguồn vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, vay trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất từ 3 - 6 tháng áp dụng đối với ngân hàng thương mại, với mức lãi suất thấp từ 2-3%....
Thứ trưởng Lê Quốc Doanh - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT đánh giá cao những nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp ngành gỗ trong thời gian qua. Trước kiến nghị của các hiệp hội, hội, doanh nghiệp ngành gỗ, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết, Bộ sẽ đồng hành cùng doanh nghiệp tháo gỡ những khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Thứ trưởng mong muốn các doanh nghiệp tiếp tục phát huy tinh thần đó, vừa đảm bảo sản xuất vừa đảm bảo an toàn, tận dụng những lợi thế, cơ hội của thị trường rộng mở và có nhu cầu cao về đồ gỗ hiện nay.
"Những khó khăn, thách thức hiện nay cũng cho thấy các cơ hội thời gian tới. Doanh nghiệp cần chuẩn bị tâm thế để phục hồi căn cơ bài bản và khả thi. Đây cũng là cơ hội chúng ta đổi mới lại cách quản lý, quản trị của từng doanh nghiệp. Về lâu dài, doanh nghiệp không chỉ là phục hồi mà còn phải thích ứng với dịch để phát triển," Thứ trưởng Lê Quốc Doanh nhấn mạnh.