Nửa đầu tháng 8/2021, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ giảm mạnh Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong tháng 7 thu về 1,3 tỷ USD |
Tác động từ dịch COVID-19
Dịch COVID-19 bùng phát lần thứ 4 dẫn đến các biện pháp can thiệp mạnh của Chính phủ thông qua việc giãn cách xã hội. Điều này đã và đang tác động trực tiếp tới tất cả các khía cạnh của xã hội, bao gồm cả các hoạt động sản xuất kinh doanh của toàn bộ doanh nghiệp ngành gỗ.
Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp đã và đang tác động mạnh mẽ tới ngành chế biến, xuất khẩu gỗ. |
Theo báo cáo: “Tác động của đại dịch Covid-19 đến ngành gỗ: Thực trạng 8 tháng đầu năm và kịch bản cho các tháng cuối năm 2021” mà Nhóm nghiên cứu của các Hiệp hội gỗ và Tổ chức Forest Trends vừa công bố, việc giãn cách xã hội để kiểm soát tình hình dịch Covid-19 vừa qua đã khiến các trung tâm chế biến gỗ lớn như Bình Dương, Đồng Nai, TPHCM, Bình Định bị ảnh hưởng nặng nề. Đứt gãy chuỗi cung, suy giảm đơn hàng, cắt giảm lao động, thu hẹp hoặc đóng cửa nhà máy là những biện pháp ứng phó hiện đang được các doanh nghiệp áp dụng.
Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định (FPA) cho biết, nhiều doanh nghiệp cố gắng duy trì sản xuất ở mức 20-50% so với trước thời điểm giãn cách nhằm đáp ứng phần nào yêu cầu của khách hàng và duy trì công việc cho người lao động.
Ở góc độ con số cụ thể, tính toán của Nhóm nghiên cứu từ nguồn dữ liệu xuất khẩu gỗ của Tổng cục Hải quan cho thấy: Tính chung 7 tháng đầu năm, khi việc giãn cách còn chưa ảnh hưởng nhiều đến sản xuất thì hầu hết các thị trường xuất khẩu đều tăng trưởng khá khả quan. Luỹ kế 7 tháng, kim ngạch xuất khẩu tăng 54% so với cùng kỳ năm 2020.
Tuy nhiên, biện pháp giãn cách xã hội đã làm co hẹp các hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong ngành gỗ. Kim ngạch xuất khẩu của tháng 7/2021 đạt gần 1,3 tỷ USD, giảm 17,3% so với kim ngạch xuất khẩu của tháng 6/2021. Kim ngạch xuất khẩu trong 15 ngày đầu Tháng 8 chỉ đạt 373,8 triệu, tương đương giảm hơn 1 nửa so với 15 ngày đầu Tháng 7 năm 2021.
2 kịch bản đều dự báo kim ngạch giảm
Về thị trường xuất khẩu, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) đánh giá, triển vọng xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ từ nay tới cuối năm khá khả quan, bởi các thị trường xuất khẩu chính như Mỹ và các quốc gia EU đang bắt đầu trong quá trình phục hồi sau dịch Covid-19. Nhu cầu tiêu thụ đồ gỗ sẽ tăng cao đáp ứng cho nhu cầu xây dựng tăng mạnh tại các thị trường này.
Tuy nhiên, tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến khó lường tại thị trường trong nước, khiến hoạt động sản xuất và xuất khẩu của các doanh nghiệp bị đình trệ. Điều này sẽ làm cản trở đà tăng trưởng của ngành gỗ trong thời gian tới.
Kịch bản xấu nhất, kim ngạch xuất khẩu của cả ngành năm 2021 sẽ đạt con số khoảng 12,69 tỷ USD |
Dựa trên các con số báo cáo và phân tích thị trường, Nhóm nghiên cứu của các Hiệp hội gỗ và Tổ chức Forest Trends đưa ra 2 kịch bản tăng trưởng xuất khẩu gỗ những tháng cuối năm 2021.
Kịch bản 1: Kim ngạch xuất khẩu Quý 3 tiếp tục đà giảm như hiện nay, tuy nhiên kim ngạch Quý 4 bắt đầu hồi phục bằng khoảng 70% trung bình Quý 1 và 2. Theo giả định này, tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành năm 2021 sẽ đạt con số khoảng 13,55 tỷ USD.
Kịch bản 2: Kim ngạch xuất khẩu trong các tháng cuối 2021 tiếp tục đà giảm như hiện nay. Kịch bản này dựa trên giả định rằng từ nay tới hết 2021 dịch bệnh vẫn chưa được kiểm soát hiệu quả.
Đà suy giảm về kim ngạch xuất khẩu sẽ tiếp tục kéo dài cho tới hết Quý 4, với kim ngạch xuất khẩu của Quý 4 chỉ tương đương 70% kim ngạch xuất khẩu của Quý 3. Nếu giả định này xảy ra, kim ngạch xuất khẩu của cả ngành năm 2021 sẽ đạt con số khoảng 12,69 tỷ USD.
Theo Ông Tô Xuân Phúc - Chuyên gia phân tích chính sách Tổ chức Forest Trends, đại diện nhóm nghiên cứu: "Chưa thể đảm bảo rằng dịch bệnh sẽ hoàn toàn được kiểm soát sớm. Các kịch bản tốt (Kịch bản 1) và xấu (Kịch bản 2) đều có thể xảy ra đối với các doanh nghiệp ngành gỗ và điều này phụ thuộc vào hiệu quả của các biện pháp chống dịch".
Ông Tô Xuân Phúc nhấn mạnh, điều quan trọng hiện nay đối với các doanh nghiệp là áp dụng các biện pháp kiểm soát rủi ro chặt chẽ nhằm duy trì các hoạt động sản xuất kinh doanh, giữ chân khách hàng, tạo công ăn việc làm cho người lao động, tránh đứt gãy hoàn toàn các đơn hàng, gây rủi ro về thị trường đầu ra sản phẩm trong tương lai.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần chuẩn bị tâm thế để sẵn sàng sản xuất kinh doanh trở lại với cường độ và hiệu quả cao khi bệnh dịch được kiểm soát.