Trứng kiến bé như đầu tăm |
Trứng kiến là một món ngon bổ dưỡng cho nhiều lứa tuổi, giúp chữa nhiều loại bệnh và hỗ trợ cho các chức năng trong cơ thể. Nhiều người đi săn có thể kiếm “bộn tiền” khi loại trứng “thần dược” này vào mùa.
Theo kinh nghiệm dân gian, con kiến thường làm tổ trên các cây cao, chúng sẽ cuốn các lá cây vào làm tổ đẻ trứng. Cứ khoảng tháng 3 âm lịch là người dân sẽ đi "săn" trứng kiến - một thứ đặc sản được ví như "lộc trời".
Trứng kiến thường chỉ có ở các khu vực núi cao như huyện Bá Thước ỏ Thanh Hoá, Nho Quan ở Ninh Bình, Lục Ngạn, Sơn Động ở Bắc Giang,… Và không phải loại kiến nào cũng có thể lấy trứng để chế biến món ăn. Thông thường, trứng kiến để làm món ăn là trứng kiến vàng, trứng kiến nâu và trứng kiến gai đen.
Anh Hà Văn Khơi (SN 1990), trú xã Ái Thượng, huyện Bá Thước, Thanh Hoá cho biết, từ khi còn nhỏ anh đã theo bố vào rừng lấy trứng kiến. Trước đây, người dân chỉ đi lấy trứng kiến về để xào măng chua hoặc nấu cơm xôi ăn trong gia đình.
Khoảng 5 năm trở lại đây, trứng kiến trở thành món ăn đặc sản của người dân miền xuôi. Chính vì vậy, cứ vào mùa là thương lái lên gom trứng kiến nhập cho các nhà hàng. Đây cũng được xem là một nghề mang lại thu nhập cao cho người dân vùng cao xứ Thanh.
Theo kinh nghiệm của anh Khơi, những người đi săn trứng kiến thông thường sẽ nhìn mùa hoa xoan nở để đi bắt. Có thời điểm, hoa xoan nở muộn, kéo dài đến tận tháng 5 Âm lịch, nhờ đó người đi săn có thời gian lấy trứng kiến dài hơn.
“Cứ mùa hoa xoan là tổ kiến bắt đầu có trứng. Thông thường, kiến sẽ làm tổ trên các cây xoan, cây vải, nhãn, bụi tre,... mỗi chuyến đi săn như vậy họ cũng kiếm được từ 3-5kg mỗi người, giá bán dao động từ 200.000-250.000 đồng/kg. Một ngày đi săn cũng kiếm được cả triệu đồng/người”, anh Khơi chia sẻ.
Người dân xã Đồng Loan, Hạ Lang (Cao Bằng) lấy trứng từ tổ kiến |
Anh H, xóm Đồng Biên, xã Đồng Loan, huyện Hạ Lang (Cao Bằng) cho biết, trước đây, trung bình một ngày anh có thể kiếm được từ 2 - 3 kg trứng kiến, tuy nhiên, giờ rừng bị khai thác nên càng ngày càng hiếm, người đi tìm trứng kiến nhiều nên không tìm được như trước nữa.
"Thường những tổ kiến được làm từ hỗn hợp, trong đó có nước bọt và chất bã từ phân gia súc nên mọi người sẽ lựa chọn tìm trứng kiến ở những nơi gần bãi thả trâu bò, kiến cũng chỉ làm tổ ở những chỗ vắng, nhiều cây, nơi ít khói đốt nương rẫy", anh H chia sẻ kinh nghiệm săn trứng kiến.
Trứng kiến vàng được ví như thần dược |
Hiện nay, trứng kiến được bán tại chợ hoặc trên mạng xã hội facebook, zalo và các trang mua bán Cao Bằng với giá từ 200.000 - 300.000 đồng/kg. Muốn mua trứng kiến phải đi thật sớm nếu không sẽ hết hàng, còn nếu đặt trên mạng nhiều khi phải đặt trước vì không phải lúc nào trứng kiến cũng có sẵn, nhiều khi có người đặt thì người dân mới lên rừng săn trứng kiến.
Các món ngon từ trứng kiến
Trứng kiến được xếp vào hàng các món ăn đặc sản quý hiếm. Do có nhiều công dụng đối với sức khỏe con người nên trứng kiến đã trở thành một trong những nguyên liệu chế biến các món ăn ngon, hấp dẫn và bổ dưỡng mang tới giá trị dinh dưỡng cao.
Bánh trứng kiến
Bánh trứng kiến là một trong những món ăn của đồng bào dân tộc vùng núi Đông Bắc như Tày Nùng và Thái và là đặc sản của vùng đất Cao Bằng, Bắc Kạn.
Nhân bánh trứng kiến được làm từ 2 nguyên liệu chính là trứng kiến non và bột nếp nương. Vỏ bánh là lá của cây vả, một loài cây rừng ở vùng núi phía Bắc. Vị ngon của bánh trứng kiến là sự kết hợp của bột gạo nếp dẻo thơm, trứng kiến béo ngậy cùng vị mềm của lá vả. Tất cả hòa quyện vào nhau và tạo thành một hương vị đặc biệt ngon miệng, khó quên.
Xôi trứng kiến
Xôi trứng kiến là đặc sản của một số khu vực như Ninh Bình và các tỉnh miền núi phía Bắc. Xôi và trứng kiến là sự kết hợp tuyệt vời, nó có mùi thơm hấp dẫn, xôi dẻo nhưng ráo, ăn vào béo ngậy, có vị ngọt thanh và cảm giác lẹp bẹp của trứng kiến rừng. Cắn miếng xôi trứng kiến với tiếng lốp bốp thú vị.
Muối trứng kiến
Muối trứng kiến vàng có thể dùng thay thế cho muối ớt, chấm ăn kèm với nhiều món khác nhau, nhưng ngon nhất là chấm với các loại thịt nướng. Món này không quá nặng mùi kiến, có hương thơm, ăn vừa miệng.
Ở các xã vùng cao của Phú Yên và Gia Lai, ai cũng dễ thấy những hàng quán hai bên đường có bày bán món muối kiến vàng.