Bánh chín cắt ra từng miếng |
Ẩm thực Cao Bằng sở hữu vô vàn những món ăn thơm ngon và hấp dẫn mang đậm chất miền núi rừng như vịt quay, hạt dẻ, xôi trám,…. Nhưng đặc biệt trong đó phải kể đến một món bánh đặc sản của người Tày mà chẳng nơi đâu có chính là bánh trứng kiến.
Trong tiếng Tày, bánh trứng kiến gọi là “pẻng khày mật”. Bánh trứng kiến béo ngậy thơm mùi nếp nương, mùi lá vả và đặc biệt là phần nhân làm từ thịt lợn bản và trứng kiến non hòa quyện lại với nhau làm nên một món ăn độc đáo, hấp dẫn không chỉ về hình thức mà cả hương vị.
Chẳng có ai nhớ rõ món bánh trứng kiến Cao Bằng này có từ khi nào, người Tày cũng chỉ truyền tai nhau rằng bánh có nguồn gốc từ câu chuyện kén rể của một gia đình người Tày. Từ đó, nó được truyền từ đời này qua đời khác cho đến tận bây giờ và trở thành một món ăn không thể thiếu trong những dịp lễ hội quan trọng ở miền đất này.
Đúng như tên gọi của mình, nguyên liệu chính dùng để chế biến bánh trứng kiến ở Cao Bằng không quá phức tạp vì chỉ cần có bột gạo nếp và trứng kiến non. Tuy nhiên, không phải trứng của loại kiến nào cũng có thể làm bánh mà phải là trứng của kiến đen rừng, một loại kiến lành làm tổ ở trong rừng sâu, thân nhỏ và đuôi nhọn.
Tổ của chúng có màu đen thường là hình bầu dục hoặc hình tròn được kết lại với nhau bằng những chiếc lá cây đã mục treo lơ lững trên những cành cây, nhưng điều thú vị là trứng của chúng tròn mẩy, béo ngậy và chất đạm cũng nhiều hơn hẳn những loại khác.
Món bánh độc đáo với nhân được làm từ trứng kiến đen |
Bởi vậy nên dù cho nguyên liệu vô cùng đơn giản nhưng để chế biến được món đặc sản Cao Bằng này ngon đúng điệu thì phải trải qua nhiều công đoạn chế biến công phu và mất nhiều thời gian cũng như công sức của người làm bánh.
Hằng năm, cứ vào khoảng cuối tháng 4 đến tháng 5, người dân ở miền sơn cước Cao Bằng lại rủ nhau vào rừng để tìm trứng kiến non mang về làm bánh, bởi đây là thời điểm sinh trưởng manh nhất của loài kiến này.
Ngay sau khi đã thu được trứng kiến thì người Tày sẽ đem về rửa cho sạch bụi bẩn ròi cho vào chảo phi cùng hành khô cho thơm, rồi sau đó cho thêm một ít lá kiệu và củ kiệu đã được cắt nhỏ vào đảo đến khi chín là xong. Cũng có một số nhà biến tấu thêm phần nhân bánh này với chút thịt heo băm nhuyễn cùng một ít đậu phộng rang giã nhỏ cho thêm phần hấp dẫn.
Trứng kiến đen có màu trắng sữa, to bằng hạt gạo, mỗi tổ kiến cho khoảng 1-2 lạng trứng |
Phần nhân bánh đã xong thì tiếp đến công đoạn chuẩn bị phần lá để gói bánh và làm vỏ bánh. Không giống như những món bánh nếp khác được gói bằng lá chuối hay lá dong, bánh trứng kiến Cao Bằng lại được gói bằng lá vả non đã được bỏ phần cuống lá và gân ra ngoài.
Còn phần vỏ bánh thì được làm từ gạo nếp nương, người dân địa phương sẽ đãi sạch rồi ngâm qua đêm đến sáng hôm sau thì vớt ra để ráo nước. Sau đó mới đem đi xay thành bột và nhào nặn bột với nước đến khi nào thấy bột có độ dẻo và mịn là được.
Tiếp đến là tới khâu chia bột và cán mỏng ra thành từng miếng nhỏ hình vuông bằng bàn tay, dày khoảng nữa phân rồi đặt lên miếng lá vả. Cho một chút nhân đã chế biến sẵn dàn đều lên bề mặt lớp bột đó và đặt thêm một miếng lá lên nữa rồi gói lại để giữ chặt phần bột và nhân bên trong.
Cuối cùng là mang bánh đi hấp cách thủy trong khoảng thời gian từ 45 đến 50 phút là hoàn thành. Bánh có thể ăn nóng hoặc nguội đều được vì kiểu nào cũng có hương vị đặc trưng riêng nên người ta có thể thoải mái lựa chọn cách thưởng thức tùy theo sở thích.
Người Tày không sử dụng lá chuối hay lá dong, mà dùng lá ngóa (lá vả) loại bánh tẻ không quá non hay quá già để gói bánh |
Thông thường, trước khi ăn bánh trứng kiến Cao Bằng sẽ được cắt thành từng miếng hình vuông nho nhỏ rồi bày ra trên đĩa. Nếu bánh được gói bằng hai lớp lá thì phải gỡ bớt phần vỏ ngoài, còn nếu loại nào gói một lớp thì có thể ăn cả vỏ vì lá vả có khá nhiều công dụng tốt cho sức khỏe như thanh nhiệt, giải độc và giúp làm mát gan.
Từng miếng bánh thơm mùi gạo nếp nương, dẻo dẻo hòa quyện với vị béo ngậy của thịt heo và trứng kiến non đảm bảo sẽ khiến nhiều người mê mẩn ngay từ lần đầu thưởng thức.
Đối với những người mới lần đầu thưởng thức món bánh trứng kiến cũng cần phải thử trước vài miếng nhỏ để xem mình có dị ứng với trứng kiến không.
Trứng kiến không độc, tuy nhiên những người nhạy cảm có phản ứng phụ khi ăn hải sản, nhộng…thì cần lưu ý khi ăn bánh này. Đối với những người không bị dị ứng thì có thể thưởng thức thoải mái.