Vừa qua, nhằm kết nối tiêu thụ nông sản và sản phẩm OCOP vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến các thành phố lớn và các tỉnh trong cả nước, tổ điều hành Diễn đàn thông tin kết nối sản xuất và tiêu thụ Nông sản 970 Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NN-PTNN) tổ chức Diễn đàn kết nối tiêu thụ nông sản và sản phẩm OCOP các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long năm 2022.
Xoài Đồng Tháp được trưng bày trong Diễn đàn sản phẩm OCOP Đồng bằng sông Cửu Long. |
Diễn đàn được tổ chức trực tiếp tại điểm cầu Báo Nông nghiệp Việt Nam (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) và điểm cầu Trụ sở Cơ quan Bộ NN-PTNT tại TP. HCM (phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP. HCM) và tại Sở NN-PTNT các địa phương.
Tham gia Diễn đàn gồm có đại diện Tổ Điều hành Diễn đàn kết nông sản 970, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Báo Nông nghiệp Việt Nam, Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp, đại diện lãnh đạo Văn phòng Bộ NN-PTNT phía Nam, Cục Trồng trọt, Cục Bảo vệ thực vật, đại diện các Sở NN-PTNT địa phương cũng như các hiệp hội, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nông sản, các nhà bán lẻ, hệ thống phân phối nông sản và các doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại, cơ sở sản xuất nông sản...
Tại diễn đàn, ông Lê Đức Bình, phó Chánh văn phòng Bộ NN-PTNN khu phía Nam cho biết, sau 4 năm thực hiện, qua các báo cáo cho thấy chương trình OCOP đã đạt được nhiều thành quả, hiệu quả nhất định, điển hình như việc các đơn vị địa phương đã thành công trong việc đưa nhiều sản phẩm OCOP mang tính đặc sản vùng miền lên các sàn thương mại điện tử, giá trị giao dịch của các sản phẩm OCOP ngày càng được nâng cao.
Tuy nhiên hiện nay, khi xây dựng thành công thương hiệu sản phẩm OCOP nhiều địa phương gần như cũng chỉ dừng lại ở mức độ trưng bày giới thiệu sản phẩm, khả năng thương mại còn thể hiện nhiều hạn chế.
Đẩy mạnh quảng bá, kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ảnh minh hoạ). |
“Bộ trưởng có chỉ đạo, đối với Văn phòng phía Nam bước đầu sẽ mở một không gian trưng bày và giới thiệu sản phẩm OCOP, trong đó bao gồm cả sản phẩm OCOP của Việt Nam và đặc biệt tập trung cho các sản phẩm OCOP của vùng Đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam Bộ. Hiện chúng tôi đang giao cho Trung tâm dịch vụ thương mại khu vực phía Nam đang thiết kế và lắp đặt các hệ thống cửa hàng và các thiết bị cần thiết để trưng bày và quảng bá kết nối”, ông Bình thông tin thêm.
Ông Lê Thanh Tùng, phó cục trưởng cục Trồng trọt, Bộ NN-PTNN cho rằng, hiện nay việc tiêu thụ sản phẩm OCOP rất phong phú đa dạng tuy nhiên vẫn còn tồn tại những khó khăn về mẫu mã, giá cả thị trường, các chủ thể chưa có bước sẵn sàng từ công tác quản lý thị trường, do đó cần có nhiều hình thức để giới thiệu sản phẩm OCOP của địa phương, đơn cử như sản phẩm OCOP kết hợp với du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng.
“Khách du lịch đến một vùng nào đó sẽ có sản phẩm kỷ niệm ở đó, sản phẩm có thể ăn được hoặc chỉ để trưng bày nhằm tạo ra nét đặc thù riêng. Đó có thể là cách tiếp cận gần nhất, rõ rệt nhất, hiệu quả nhất đối với sản phẩm OCOP”, ông Tùng nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, số lượng sản phẩm OCOP nhiều thì tính riêng biệt cần xem xét, đánh giá. Song song với đó là bài toán kết nối nông sản hiện cực kỳ khó khăn, cần kêu gọi các doanh nghiệp, hệ thống bán lẻ cùng vào cuộc, xúc tiến thương mại, từ đó, tạo thu nhập cho người dân.
Diễn đàn đã nêu ra đã đưa ra những khó khăn vướng mắc còn tồn tại từ khách quan đến chủ quan tại các địa phương, cũng như những định hướng, giải pháp trong tương lai. Cùng với đó là sự đồng bộ về kế hoạch hỗ trợ của Bộ NN-PTNN, Văn phòng điều phối xây dựng Nông thôn mới, Tổ công tác 970 cùng với sự tham gia của báo Nông nghiệp Việt Nam giúp cho chương trình OCOP dần khắc phục những hạn chế tồn tại và phát triển hơn trong tương lai.