Lá bép còn có tên là lá bét, rau nhíp |
Trong kháng chiến chống Mỹ, bộ đội ở Tây nguyên thường hái lá bép về cải thiện bữa ăn hằng ngày. Trong bài hát Nổi lửa lên em của nhạc sĩ Huy Du còn có câu “Lá bép rau rừng thêm thắm tình anh nuôi”.
Lá bép còn có tên là lá bét, rau nhíp, một loại lá rừng, đặc sản của núi rừng Tây nguyên. Nhiều vị lão làng cho biết xưa kia lá bép là món ăn khoái khẩu của loài tê giác. Do đó nơi nào có nhiều cây lá bép là nơi đó có dấu chân tê giác.
Từ lâu, bà con người dân tộc thiểu số Tây nguyên coi lá bép là cây rau, cây thuốc, còn người Kinh coi đây là một loại rau siêu sạch vì cây mọc tự nhiên trong rừng, cho đọt và lá quanh năm mà không cần sử dụng bất cứ loại thuốc bảo vệ thực vật nào cây vẫn phát triển.
Lá bép tròn dài, màu xanh nhạt, lúc còn non màu đỏ hồng, vị ngọt, khi nấu chín có mùi vị đặc trưng. Loại rau này dùng nấu canh, xào với lòng gà hoặc tôm tép đều ngon.
Người dân đi hái lá bép về ăn Tết |
Anh Nguyễn Văn Vương, 39 tuổi, chăm chú hái những đọt non mơn mởn vừa thấy. Bàn tay nhanh nhẹn hái từng nắm bỏ vào bao. Lá bép non màu nâu lục anh bỏ vào bao đeo sau lưng, còn loại già hơn đã chuyển sang màu xanh, anh hái bỏ riêng vào giỏ đeo đằng trước.
Không những hái lá bép, anh Vương còn dùng dao chặt thêm các đọt mây, lột bỏ vỏ gai bên ngoài, cột thành bó, thả vào trong bao. Đọt mây, còn gọi là đọt đắng, theo anh Vương, cũng là một trong những loại thực phẩm tự nhiên mọc trong rừng được người dân bản địa ưa thích.
Người dân Mỹ Thạnh cho biết, lá bép là loại thực phẩm bổ dưỡng, có thể ăn sống hoặc nấu nhiều món ngon, như: lá bép canh cá, canh thịt, xào tỏi hoặc nấu chung với thịt gà, thịt kỳ đà... Đặc biệt, lá bép non nhồi cùng cá suối, nhét vào ống tre bỏ lên bếp lửa nướng chín làm món "canh ống" đặc sản.
Còn lá bép già, không mang nấu trực tiếp, mà được bỏ vào cối giã nhuyễn trộn với bột gạo, nghệ, thịt, đọt đắng và một số loại rau rừng khác làm món "canh bồi" dùng để cúng và ăn trong các dịp lễ, tết quan trọng trong gia đình.
Ở vùng cao Mỹ Thạnh, không những trên núi Rai Vơ mà một số khu rừng khác cũng có lá bép như: Đèo Nam, Thác 7 tầng, núi 04... Những ngày qua, mỗi ngày có hàng chục người trong làng đi hái lá bép về để dành ăn tết. Họ không bán, vì đây là thực phẩm quý hiếm, phải trực tiếp leo núi vất vả mới có dùng.
Ông Trần Ngọc Quảng, Phó chủ tịch xã Mỹ Thạnh, cho biết tiếng Rai (Raglai) gọi loại rau này là "Nhâm Vbiếp", có nghĩa là "rau thật" (rau ăn không chết). Tiếng Kinh phát âm trại ra là rau lá "bép". Còn các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên, Bình Phước, Đồng Nai gọi nó là rau nhíp.
Ông Quảng cho hay, rừng bao quanh làng, nhưng chỉ vài khu vực có loại lá thực phẩm này. Cây lá bép chỉ sống ở những khu rừng trên núi cao 300-600 m so với mực nước biển, nơi có tán rừng cao che phủ, không khí mát mẻ, giữ đất ẩm quanh năm. Dân làng đã thử nhổ về trồng, nhưng do môi trường ở dưới làng không thích hợp, nên loại cây ưa mát này không sống được.
"Do vậy, mỗi lần muốn ăn, dân làng chúng tôi phải leo núi vất vả, hái về mới có ăn", ông Quảng cho biết.
Theo ông Quảng, người Rai ở Mỹ Thạnh biết dùng món này hàng trăm năm trước. Thế hệ đi trước cứ thế bày cho thế hệ sau biết cách dùng. Đây được xem là loại lá truyền thống, không thể thiếu trong các bữa ăn long trọng, nhất là lễ cúng, ngày lễ, ngày Tết trong năm. "Với chúng tôi, bữa tiệc có nhiều món đi chăng nữa, nhưng nếu thiếu món lá bép thì coi như kém phần thịnh soạn", ông Quảng nói.
Những món ăn độc đáo từ lá bép
Lá bép nấu canh cua
Thời chiến, lính Trường Sơn chỉ với một nắm lá bép tươi non rửa sạch, xắt nhỏ cho vào nồi nước sôi, thêm chút muối đã thành món canh thanh tao, mát lành. Nhiều người tò mò muốn thử món ăn này chỉ để trải nghiệm hoặc nhớ về một thời chiến đấu bên chốn rừng thiêng nước độc.
Ngày nay, món lá bép nấu cùng cua đá đã trở thành một món ăn không thể bỏ qua khi đến Tây Nguyên. Không hề kém canh cua rau đay mồng tơi của đồng bằng. Món ăn này lưu lại trong lòng thực khách bởi vị nước ngọt, đậm đà, bổ dưỡng, lại thanh mát và thơm mùi rừng khó quên.
Lá bép xào thịt bò
Món lá ép xào rất thơm ngon và để lại ấn tượng khó phai trong lòng người thưởng thức. Phi thơm dầu phộng với gừng băm cho vàng đều. Thịt bò thái lát mỏng vừa ăn, cho thịt bò vào đảo đều tay cho ngấm gia vị. Lá bép nên lấy lá hơi già để có vị bùi và đậm vị hơn. Đem Lá bép rửa sạch vào đảo đều với thịt bò cho chín. Thêm gia vị cho vừa ăn.
Tùy vào khẩu vị của mỗi người mà có thể thêm một ít ớt tươi cắt lát và tiêu bột để món rau xào thêm vị cay và ấm nóng.
Lá bép xào trứng gà non
Hành băm nhỏ phi thơm với dầu. Cho lá bép, đọt mây (hoặc măng) đã rửa sạch, cắt nhỏ vào đảo đều cho gần chín. Sau đó cho trứng gà vào xào chung, thêm gia vị cho vừa ăn. Tùy vào khẩu vị của mỗi người mà có thể them rau thơm hoặc một ít ớt tươi cắt lát và tiêu bột để món ăn thêm cay và ấm.
Lẩu lá bép
Ở các hàng quán, món canh lá bép có thể biến tấu thành món lẩu với tôm, thịt hoặc mực. Món ăn này khiến thực khách thích thú vởi hương vị đặc trưng không lẫn vào đâu được, vừa thơm ngon lại vừa ngọt ngào. Món ăn mang đậm hương vị núi rừng, khẩu vị lạ, kích thích vị giác nhiều người.
Không chỉ là món ăn độc đáo mà thiên nhiên đã hào phóng ban tặng cho con người Tây Nguyên, lá bép còn là vị thuốc có tác dụng bồi dưỡng cơ thể rất tốt. Lá bép giàu đạm, acid amin và khoáng chất rất có lợi cho sức khỏe. Nếu có dịp ghé Tây Nguyên hoặc khi chinh phục núi rừng nơi đây bạn đừng bỏ qua đặc sản rau bép này nhé.