Thứ lá hoang dã nay thành đặc sản, giá 140.000 đồng/kg cũng không có để bán |
Trong kháng chiến chống Mỹ, bộ đội ở Tây nguyên thường hái lá bép về cải thiện bữa ăn hằng ngày. Trong bài hát Nổi lửa lên em của nhạc sĩ Huy Du còn có câu “Lá bép rau rừng thêm thắm tình anh nuôi”.
Lá bép còn có tên là lá bét, rau nhíp, một loại lá rừng, đặc sản của núi rừng Tây nguyên. Nhiều vị lão làng cho biết xưa kia lá bép là món ăn khoái khẩu của loài tê giác. Do đó nơi nào có nhiều cây lá bép là nơi đó có dấu chân tê giác.
Từ lâu, bà con người dân tộc thiểu số Tây nguyên coi lá bép là cây rau, cây thuốc, còn người Kinh coi đây là một loại rau siêu sạch vì cây mọc tự nhiên trong rừng, cho đọt và lá quanh năm mà không cần sử dụng bất cứ loại thuốc bảo vệ thực vật nào cây vẫn phát triển.
Lá bép tròn dài, màu xanh nhạt, lúc còn non màu đỏ hồng, vị ngọt, khi nấu chín có mùi vị đặc trưng. Loại rau này dùng nấu canh, xào với lòng gà hoặc tôm tép đều ngon.
Chị Hơ Ren (29 tuổi, Buôn Ma Thuột) cho biết: “Lá bép phát triển trong môi trường tự nhiên, hoang dã, không phải bón phân, xịt thuốc trừ sâu… Nó cho lá ăn quanh năm nhưng nhiều và ngon nhất là vào mùa mưa.
Từ lá bép, mỗi dân tộc sẽ có một cách chế biến riêng, thông dụng nhất vẫn là dùng phần ngọn và lá non nấu với thực phẩm khác như cá tươi, cá khô, tôm, cua, thịt gà”.
Người dân kiếm thêm thu nhập từ lá bép |
Cũng theo chị Hơ Ren, lá bép là nguyên liệu không thể thiếu trong món canh thụt truyền thống của người M’nông. Hiện nhiều nhà hàng, quán ăn đã chế biến lá bép thành nhiều món ngon khi kết hợp với các thực phẩm ăn sẵn như cá hộp, thịt hộp…mang đến hương vị mới lạ và độc đáo.
“Trước đây, lá bép ít người biết đến lắm, chỉ có người đồng bào chúng tôi mới biết. Hễ cứ mùa mưa tới, các mẹ các chị trong buôn lại kéo nhau vào rừng hay đi ven suối để kiếm rau rừng, trong đó có lá bép.
Rau rừng hái về nhiều ăn không hết, chúng tôi đem ra phố bán. Nhờ đó chúng dần dần được nhiều người ở thành phố biết đến và ưa chuộng. Song giờ rừng xa rẫy vắng, muốn ăn rau rừng không còn dễ như trước. Do đó chúng bỗng trở thành đặc sản hiếm…”, người phụ nữ 29 tuổi nói.
Chị Khánh Trinh (34 tuổi) – chủ cửa hàng rau quả sạch nằm trên đường Trương Định (quận 1, TP.HCM) cho biết: “Lá bép được coi là rau đặc sản nổi tiếng tại các tỉnh Tây Nguyên. Nếu trước kia nó có nhiều thì giờ khan hiếm lắm! Thi thoảng tôi may mắn mới gom được loại rau này về bán”.
“Tôi có người quen ở Tây Nguyên vì thế mua được lá bép với giá rẻ. Do đó cửa hàng tôi bán với giá chừng 140.000 đồng/kg/túi to. Chị em nội trợ mua về có thể nấu canh hoặc nấu thành các món ngon khác. Thực sự lá bép được ưa chuộng bởi hương vị lạ, thanh mát, dễ ăn”, chị Khánh Trinh nói.
Hiện tại, lá bép được rao bán trên các trang thương mại điện tử với giá 150.000 đồng/kg tươi. Chị em nội trợ muốn thiết đãi cả gia đình món ăn từ loại rau rừng này chỉ cần đặt và chờ đợi hàng về.
Canh lá bép – Hương vị độc đáo trong ẩm thực Gia Lai |
Lá bép giờ trở thành đặc sản rau rừng trong các nhà hàng, quán ăn ở Tây nguyên với thực đơn phổ biến nhất là canh cua lá bép, lá bép xào thịt bò.
Với lá bép xào thịt bò và hột gà non cũng chỉ cần phi thơm dầu ăn rồi cho lá bép vào xào, sau đó cho thịt, hột gà vào xào chung, thêm gia vị cho đến khi bốc mùi thơm lựng.
Ở các hàng quán có thể biến tấu món canh lá bép thành món lẩu với tôm, thịt hoặc cả mực và cua đồng vừa thơm ngon vừa ngọt ngào, mùi vị đặc trưng không lẫn vào đâu được.
Cả hai món đều mang đậm hương vị núi rừng, khẩu vị lạ, kích thích vị giác nhiều người.
Lá bép rừng được coi là món ăn tinh khiết, trong lành nên du khách đến Tây nguyên hầu như ai cũng gọi món này để vừa thưởng thức, vừa khám phá.
Chỉ là loại rau rừng mộc mạc, không phải sơn hào hải vị nhưng ai thưởng thức qua một lần sẽ nhớ mãi hương vị độc đáo của đại ngàn, càng ăn càng ghiền.
Top 15 món ăn đặc sản Sơn La mang hương vị núi rừng Tây Bắc |
Loại lá rụng đầy gốc không ai nhặt lại trở thành đặc sản |
Hà Tĩnh: Nhiều động vật hoang dã được thả về lại môi trường tự nhiên |