Hướng dẫn đường đi lên Mộc Châu Cao nguyên Mộc Châu bốn mùa hoa nở Cao nguyên Mộc Châu - Một trong những cao nguyên đẹp nhất Việt Nam |
1. Cá hồi
Giá cả dao động: 200.000 VNĐ - 450.000 VNĐ/phần
Địa chỉ ăn món cá hồi ở Mộc Châu Sơn La:
Nhà hàng Cá Hồi Vườn Đào - Vườn Đào, Mộc Châu, Sơn La
Nhà hàng Cá Hồi Chiềng Đi - Km 73 Tiểu khu 3, Đông Sang, Mộc Châu, Sơn La
Cửa hàng Cá Hồi Tám Béo - Hoàng Quốc Việt, Phiêng Luông, Mộc Châu, Sơn La
Cá hồi là tên chung cho nhiều loài cá thuộc họ Salmonidae. Nhiều loại cá khác cùng họ được gọi là trout (cá hồi).
Ở vùng cao núi rừng Tây Bắc, có 2 nơi có đặc sản cá hồi là Sapa và Mộc Châu. Bởi 2 nơi này thời tiết rất thích hợp để nuôi cá hồi, nên khi du khách đến Sapa và Mộc Châu sẽ được thưởng thức đặc sản Lẩu Cá Hồi ăn rất tuyệt vời thêm vào đó với những ly rượu ngô thì khó mà quên được núi rừng Tây Bắc.
Cá hồi không những là thực phẩm tốt cho sức khỏe mà còn giúp có làn da và mái tóc đẹp hơn. Hãy thử biến tấu để có thật nhiều món với cá hồi hấp dẫn.
Đến Sơn La du khách nhất định phải thưởng thức món cá hồi |
Cá hồi được đánh bắt từ sông, suối sau đó chế biến, thưởng thức tại chỗ nên thịt cá rất tươi ngon, ngọt, béo và chất lượng. Người ta thường dùng cá hồi làm thành những món ngon như cá hồi xông khói, lẩu cá hồi chua cay, cá hồi áp chảo hoặc chiên,...
Mỗi món ăn là một hương vị thơm ngon, đặc trưng riêng biệt, khiến cho du khách ăn rồi lại muốn ăn thêm, cứ bị cuốn hút mãi. Đến Mộc Châu mà không ăn cá hồi thì quả là đáng tiếc.
2. Nộm da trâu
Giá cả dao động: 80.000 VNĐ - 120.000 VNĐ /phần
Địa chỉ ăn món nộm da trâu ở Mộc Châu Sơn La:
Trâu 75 Tây Bắc - Tô Hiệu, Đông Sang, Mộc Châu, Sơn La
Quán ăn Thường Hiền - TT. Mộc Châu, Mộc Châu, Sơn La
Nhà hàng trâu 99 - Phiêng Luông, Mộc Châu, Sơn La
Nộm da trâu |
Một món đặc sản mà du khách không thể bỏ qua trong chuyến du lịch đến Sơn La đó chính là nộm da trâu đặc biệt thơm ngon, xứng danh đặc sản Sơn La. Những miếng da trâu dày và cứng cứ ngỡ là chỉ dùng được làm mặt trống thôi, nhưng qua bàn tay của đồng bào dân tộc Thái nơi đây, da trâu đã trở thành một món ăn cực kỳ hấp dẫn.
Để chế biến được món nộm da trâu người ta phải mất rất nhiều thời gian trong việc lựa chọn và chuẩn bị nguyên liệu. Da trâu sau khi được sơ chế sẽ mang đi hơ lửa, rồi ngâm nước cho thật mềm, sau đó thái ra thành từng miếng mỏng. Đây là công đoạn quyết định đến chất lượng và hương vị của nộm da trâu thành phẩm.
Món nộm da trâu độc đáo của Sơn La |
Sau đó, người ta mang da trâu đi trộn với nước măng chua, hạt mắc khén, hoa chuối, rau mùi, rắc thêm chút đậu phộng rang nữa. Phần da trâu vừa dai dai, vừa giòn giòn nhai cực thích. Vị của món nộm da trâu cũng rất đặc biệt, có vị chua thanh, hương thơm của măng rừng, mắc khén, khiến cho ai ăn rồi cũng phải vấn vương mãi không thôi.
3. Xôi sắn
Xôi sắn là là món ăn quen thuộc của người Thái vùng Tây Bắc. Sắn được đào từ nương về bóc vỏ, rửa sạch rồi nạo thành từng sợi nhỏ trộn lẫn với gạo nếp cho vào chõ đồ lên.
Món xôi sắn |
Để xôi dẻo, nắm tay không dính, lâu thiu, dân bản địa không dùng các loại chõ sành, chõ kim loại vì có nhược điểm thường gây ra “ướt xôi” không ngấm nước.
Khi nấu xôi họ thường dùng cái chõ được làm bằng những khúc gỗ có đường kính nhỏ, gỗ mềm đem về cắt khúc, cưa rỗng giữa, tạo dáng đẹp như một đài hoa, thon nhỏ từ dưới lên trên, đáy chõ có hai thanh tre nhỏ để đặt tấm đan thưa đỡ gạo khi cho gạo vào chõ xôi. Phần chõ lại được đặt trên một cái ninh đồng, thay cho nồi.
Dùng loại chõ gỗ có ưu điểm gỗ hút hơi nước lên, xôi chín dẻo, khô. Khi xôi chín bà con đổ xôi ra mâm, dàn mỏng dùng quạt, quạt cho xôi nguội nhanh. Rồi cho xôi vào các “giỏ” đan bằng mây có nắp đậy, có quai treo lên cột nhà. Đến bữa đem ra dùng hoặc đem đi làm nương ăn rất tiện. Thức ăn để ăn kèm với xôi chỉ cần là gói muối ớt, hoặc con cá nướng.
4. Bê chao
Giá cả dao động: 150.000 VNĐ - 200.000 VNĐ/phần
Địa chỉ ăn món bê chao ở Mộc Châu Sơn La:
Nhà hàng Đông Hải - Trần Huy Liệu, TT. Mộc Châu, Mộc Châu, Sơn La 34706
Nhà hàng Nam Hưng 70 - Km70, QL6, Phiêng Luông, Mộc Châu, Sơn La
Quán 64 Mộc Châu - AH13, Vân Hồ, Mộc Châu, Sơn La
Cao nguyên Mộc Châu, nơi cửa ngõ Tây Bắc với thảo nguyên xanh rộng hàng chục nghìn héc ta tuyệt đẹp, được trời phú cho kiểu khí hậu cận ôn đới đã trở thành nơi có đàn bò lấy sữa lớn nhất cả nước. Hiện nay, ở Mộc Châu có khoảng 10.000 con bò sữa. Ở đây, bê cái luôn được giữ lại nuôi lớn để cho sữa, còn bê đực được chế biến thành đặc sản bê chao nức tiếng.
Nguyên liệu để làm bê chao ngon nhất là bê sữa khoảng một tuần tuổi, chưa từng ăn cỏ, nên miếng thịt bê có vị thơm và cái mềm ngọt mà bê già tuổi hơn không thể nào có được. Trong số những món bê thường thấy như xào lăn, hấp sả, tái chanh… thì bê chao có lẽ là món ăn được chế biến đơn giản nhất, nhưng hương vị lại thuộc hàng đặc sản. Có lẽ bởi bê non đã sẵn cái ngon, cái ngọt, cái thơm, nên càng bớt cầu kỳ lại càng tôn hương vị đó lên trọn vẹn.
Vàng thơm màu sắc bát mắt, giòn rụm của món bê chao Mộc Châu |
Bê phải chao trên lửa to để thịt không ngấm mỡ. Lửa to thì dầu phải ngập miếng thịt để tránh “sống trong, chín ngoài. Mùi thơm của thịt, mùi cay nồng của gừng, sả. Độ chín của gừng, sả ướp cùng thịt bê cũng là một yếu tố để đánh giá tay nghề đầu bếp. Bê chín, gừng, sả cũng vừa vàng ươm, thơm nức mà không khét, cháy.
Bê chao phải ăn nóng. Trút ra đĩa, mỡ vẫn còn riu riu sôi trên những miếng thịt. Chấm thịt ấy vào bát tương sánh vàng, điểm thêm chút gừng bằm nhỏ. Thịt vàng hườm, mềm và ngọt khó tả. Phần bì phồng lên lấm tấm trắng, khẽ cắn vào thì thấy giòn, nhưng nhai kỹ vẫn có một chút dai vương vấn. Thi thoảng lại có thêm những lát gừng mỏng, vàng ruộm, không cay xè. Đảm bảo món ăn này sẽ khiến du khách mê ngay từ lần đầu tiên nếm thử.
5. Cá suối
Giá cả dao động: 70.000 VNĐ - 170.000 VNĐ /phần (tùy món)
Địa chỉ ăn món cá suối ở Mộc Châu Sơn La:
Nhà hàng Đông Hải - Trần Huy Liệu, TT. Mộc Châu, Mộc Châu, Sơn La 34706
Nhà hàng Cá Cao Nguyên - Phiêng Luông, Mộc Châu, Sơn La
Cá suối là món ngon mà du khách nên thử nếu có dịp đến với vùng đất Sơn La. Những con cá sống trong môi trường tự nhiên nên có kích thước rất đa dạng, có con to bằng cổ tay, nhưng cũng có con chỉ to bằng ngón tay út.
Người ta thường chế biến cá suối thành những món ăn thơm ngon như: nướng trui, chiên giòn chấm cùng nước mắm chua ngọt, pịa cá,...
Cá suối nướng ở Mộc Châu là món ăn khoái khẩu của nhiều du khách đến với Mộc Châu |
Nổi tiếng nhất chính là cá xôi. Cá sau khi làm sạch người ta sẽ nhồi thêm vào bụng mắc khén, sả, ớt, húng quế,... và các gia vị khác, sau đó gói lá chuối lại và mang đi xôi hoặc nướng trên lửa than.
Thịt cá suối sau khi chế biến rất thơm, ngọt thịt, kết hợp với gia vị tẩm ướp vừa ăn, thơm nức mùi mắc khén, sả, ớt cực hấp dẫn.
6. Gân bò xé Phù Yên
Món gân bò xé, chiên giòn. |
Nguồn gốc, cũng như ai nghĩ ra cách chế biến món này thì chưa thể khẳng định, chỉ biết nó đã có trên bàn tiệc của bà con vùng Mường Tấc (Phù Yên) nhiều năm rồi.
Ban đầu chỉ chế biến đủ ăn trong gia đình, sau do nhu cầu thưởng thức, “đặc sản” này bỗng lên ngôi và theo quy luật “cung – cầu”, món “mực khô phố núi” đã hiện diện ở nhiều các quán, nhà hàng ẩm thực.
Gân bò mua về lọc sạch, luộc khoảng 15 phút, vớt ra rửa sạch, cắt thành từng khúc, lấy chày đập cho tơi ra, ướp các loại gia vị trộn đều, để ngấm khoảng 30 phút mang ra chiên qua dầu ăn là có ngay món “mực khô phố núi”.
7. Ốc đá suối Bàng
Địa chỉ ăn món ốc đá Suối Bàng ở Mộc Châu Sơn La:
Làng văn hoá của người Mường - Mộc Châu, Sơn La
Khu vực suối Bảng - Mộc Châu, Sơn La
Ốc đá Suối Bảng |
Những con suối với dòng nước dồi dào quanh năm luôn mang đến cho ẩm thực Sơn La những nguyên liệu tươi ngon, phong phú, cho ra đời những món ngon độc đáo.
Ốc đá Suối Bảng là đặc sản trứ danh mà du khách nên thử nếu đã đến Sơn La vào khoảng tháng 4 đến tháng 8. tức là vào mùa mưa, khi thời tiết ẩm ướt. Những tháng còn lại ốc đá sẽ vùi mình trong những lớp lá dày hoặc nằm im dưới đất.
Người ta thường chế biến ốc đá thành nhiều món ngon như ốc luộc sả, làm gỏi trộn, nấu súp,... món nào cũng mang một hương vị thơm ngon, khó lòng mà cưỡng lại. Nhất là món ốc luộc, tuy cách chế biến có phần đơn giản nhưng lại giữ được trọn vẹn hương vị tự nhiên của ốc.
Những con ốc được rửa sạch và đưa lên bếp luộc. Con ốc khều ra quệt qua tí nước chấm bỏ vào miệng thấy cay cay đầu lưỡi, ốc chạm vào răng lại thấy dòn dòn, vị ngọt mát lan dần xuống cuống họng.
Cái ngon ngọt, mát dòn của ốc đá là thế, không tanh nhưng có vị hăng, thơm của lá rừng. Ăn ốc đá nên nhai chậm và kỹ mới thấm được vị mát lành, vị thơm độc đáo. Và cũng chỉ ăn theo kiểu thưởng thức, không nên vì ngon, lạ mà háo hức “ăn lấy no” như nhiều món khác.
8. Nậm pịa
Giá cả dao động: 70.000 VNĐ - 100.000 VNĐ /phần
Địa chỉ ăn món nậm pịa ở Mộc Châu Sơn La:
Nhà hàng Thung lũng Hoa Ban Sơn La - Số 75 đường Lê Đức Thọ, Tổ 13, Sơn La
Nhà hàng Đông Hải - Trần Huy Liệu, TT. Mộc Châu, Mộc Châu, Sơn La 34706
Nhà hàng 75 - 34 Tô Hiệu, TT. Mộc Châu, Mộc Châu, Sơn La
Nậm pịa Sơn La món đặc sản của người Thái |
Nậm pịa là một món ăn rất lạ, nguyên liệu làm món ăn này là tiết bò hoặc tiết dê để đông, đuôi, dạ dày, cuống tim và không thể thiếu một thứ nước sền sệt từ bên trong ruột non của con bò, gọi nó là “pịa”.
Người ta chọn một đoạn ruột non ngon để lấy pịa, ninh xương và lục phủ ngũ tạng lên để lấy nước, sau đó họ đổ pịa vào, có nơi còn cho thêm chút mật bò vào pịa. Phần ruột non sau khi lấy phải buộc chặt hai đầu, sau đó cắt thành khúc, trộn kèm rau thơm, bột mắc khén (hạt tiêu rừng), tỏi, ớt, mùi tàu…tất cả các gia vị được băm nhỏ rồi đun sôi lên.
Nồi pịa đặt trên bếp lửa đun đến khi nồi pịa sánh, sền sệt lại là được. Món nậm pịa ăn kèm với rau chuối và bạc hà. Ban đầu chưa quen, chưa dám ăn thì món nậm pịa quả thật là rất khó ăn.
Thưởng thức Nậm pịa |
Món nậm pịa được múc ra bát có màu nâu, nước sền sệt, ban đầu khi nếm thử ta sẽ thấy vị đắng và mùi hơi khó ngửi. Có nhiều người mới đầu khi trông thấy bát nậm pịa, ngửi thấy mùi đã không ăn được. Nhưng khi đã nếm đôi ba miếng, bỏ qua những cảm nhận ban đầu về mùi và vị, thì những miếng tiếp theo, ta sẽ cảm nhận được mùi thơm của mắc khén, một loại gia vị của núi rừng.
Vừa ăn nậm pịa, vừa nhấm nháp chén rượu thơm, ta lại thấy miếng nậm pịa đắng nơi đầu lưỡi và ngọt nơi cuống lưỡi. Món nậm pịa tuy vậy nhưng lại rất an toàn cho những ai yếu bụng.
Trong tiếng Thái, “nậm” có nghĩa là canh, “pịa” là chất sền sệt ở trong ruột non của bò. Món có tên đơn giản là nậm pịa, tùy theo cách hiểu của mỗi người. Nậm pịa chỉ có ở vùng núi Tây Bắc từ Mộc Châu đến Sơn La, đây là món ăn truyền thống có từ rất lâu đời và được đồng bào dân tộc Thái rất yêu thích.
9. Lẩu trâu
Giá cả dao động: 370.000 VNĐ - 400.000 VNĐ /lẩu (cho 4 - 5 người ăn)
Địa chỉ ăn món lẩu trâu ở Sơn La:
Trâu 75 Tây Bắc - Tô Hiệu, Đông Sang, Mộc Châu, Sơn La
Nhà hàng Ngọc Sơn - Hoàng Quốc Việt, Chiềng Cơi, Sơn La
Thịt trâu Huyền Trang - Hoàng Quốc Việt, Chiềng Cơi, Sơn La
Đến với Sơn La du khách chắc chắn không thể nào bỏ qua những món ngon từ thịt trâu, trong đó có món lẩu trâu thơm ngon trứ danh, làm nên tên tuổi của ẩm thực vùng đất Sơn La nói riêng và vùng núi rừng Tây Bắc nói chung.
Thịt trâu được lựa chọn từ những chú trâu khỏe nhất. Từng miếng thịt trâu được thái mỏng nhúng kèm nước lẩu ngọt được hầm trong xương ống trong thời gian dài. Nước lẩu có bỏ thêm một chút cơm mẻ nên có vị chua nhưng không gắt. Nhúng miếng thịt trâu đang còn đỏ tươi vào nước lẩu cay ngọt ăn kèm với các loại rau như: Rau cải, rau muống, rau rừng,…
Một nồi lẩu trâu nghi ngút khói, nóng hổi, vừa thổi vừa ăn trong những ngày Sơn La trở lạnh đúng là một trải nghiệm tuyệt vời. Nước lẩu có vị ngọt tự nhiên từ xương ống, thêm một chút chua thanh của cơm mẻ, thịt trâu mềm, ngọt và mát, khi kết hợp với nước lẩu chua ngọt, cay cay, thơm nức thì đúng là ngon khó cưỡng.
10. Dê núi
Giá cả dao động: 180.000 VNĐ - 300.000 VNĐ /món
Địa chỉ ăn món dê núi ở Sơn La:
Đặc sản dê núi Thông Kháng - TT. Hát Lót, Mai Sơn, Sơn La
Nhà hàng Thung lũng Hoa Ban Sơn La - Số 75 đường Lê Đức Thọ, Tổ 13, Sơn La
Những sản vật núi rừng luôn khiến cho du khách thích thú mỗi khi đến với Sơn La, dê núi sẽ là một trong những món thịt khiến phải phải đổ đừ đừ. Dê chủ yếu được thả nuôi ở vùng cao nguyên Mộc Châu với nguồn thức ăn dồi dào từ tự nhiên.
Thịt dê núi ngọt, chắc thịt và có hương vị đặc biệt thơm ngon, dễ dàng chinh phục được thực khách. Tận dụng những nguyên liệu có sẵn trong tự nhiên người dân Mộc Châu đã chế biến thịt dê núi thành nhiều món ngon khác nhau như: Thịt dê tái chanh, dê hấp tương gừng, dê áp chảo, xào lăn, lẩu dê,... món nào cũng thơm ngon, bổ dưỡng.
11. Hoa đắng Tây Bắc
Giá cả dao động: 50.000 VNĐ - 100.000 VNĐ /phần
Địa chỉ ăn món hoa đắng Tây Bắc ở Sơn La:
Đặc sản côn trùng Tây Bắc - P. Quyết Thắng, Sơn La
Những sản vật vùng núi rừng Tây Bắc luôn luôn mang lại cho du khách những trải nghiệm ẩm thực khó quên. Trong chuyến đi Sơn La lần này hãy thử những món ngon từ hoa đắng.
Đồng bào người dân tộc Thái đã khéo léo chế biến những loại hoa rừng thành món ăn thơm ngon, ghi dấu ấn trong lòng thực khách. Từ những loại hoa đắng khác nhau, người ta chế biến thành những món ngon khác nhau. Hoa ban trắng thì làm nộm với măng đắng và rau thối, hoa bó píp thì làm món xào chung với măng, thịt trâu, thịt bò,...
Mỗi món ăn đều mang một hương vị và màu sắc đặc trưng riêng biệt - thứ sẽ làm nên sức hút của ẩm thực Tây Bắc nói chung và Sơn La nói riêng. Hương vị đơn sơ, tươi mát của những bông hoa đắng sẽ gợi nhớ cho du khách về một vùng đất cao nguyên hữu tình với những con người hiếu khách.
12. Côn trùng Tây Bắc
Giá cả dao động: 80.000 VNĐ - 100.000 VNĐ / phần (tùy loại côn trùng)
Địa chỉ ăn món côn trùng Tây Bắc ở Sơn La:
Đặc sản côn trùng Tây Bắc - P. Quyết Thắng, Sơn La
Đối với người dân vùng Tây Bắc, nhất là Sơn La thì bất cứ loại sản vật, cây cỏ gì qua bàn tay tài hoa của những người "đầu bếp" cũng có thể chế biến thành món ngon đặc sản. Thậm chí cả những con côn trùng cứ tưởng là không dùng được nhưng lại là món ngon không tưởng.
Đây cũng là món ăn thách thức lòng can đảm của người dùng. Khi nhìn thấy những dĩa châu chấu rang hay nhộng tằm rang lá chanh, bọ xít rang vàng giòn trước mặt ai cũng "bất ngờ, ngỡ ngàng, ngơ ngác và bật ngửa" cho mà xem
Món ăn chế biến từ Châu chấu thơm ngon, béo ngậy. |
Tuy nhiên, với những người đã từng ăn thử món ngon từ côn trùng Tây Bắc ai cũng phải trầm trồ vì độ thơm béo mà các loại côn trùng này mang lại. Nhất là món châu chấu rang lá chanh, dùng kèm với cơm nóng hoặc làm mồi nhậu thì đúng bài, không một món ngon nào có thể so sánh được.
13. Xôi nếp cẩm
Giá cả dao động: 20.000 VNĐ /phần
Địa chỉ ăn món xôi nếp cẩm ở Mộc Châu Sơn La:
Nhà hàng Mộc Châu Xanh - KM 174, Vân Hồ, Mộc Châu, Sơn La
Những thửa ruộng bậc thang ở các cao nguyên Sơn La đã cho ra đời những hạt nếp cẩm nương dẻo thơm, mang hương vị đặc biệt, được kết tinh từ tinh hoa của trời đất.
Từ hạt nếp cẩm người Sơn La đã khéo léo nấu ra những hạt xôi dẻo thơm, có màu tím sẫm vô cùng thu hút thực khách. Xôi nếp cẩm ăn đúng bài sẽ được dùng chung với muối mè.
Trong không khí trong lành, mát mẻ của vùng núi Tây Bắc, ăn một phần xôi ấm ấm, có đủ hương vị dẻo thơm, bùi bùi, mặn mặn đúng là ngon khó tả. Xôi nếp cẩm không những thơm ngon, giá thành rẻ mà lại còn rất tốt cho sức khỏe.
14. Rau Cải Mèo
Ở miền Bắc Việt Nam, cứ mỗi khi vào dịp mùa đông thì du lịch các tỉnh Đông,Tây Bắc của Việt Nam đều phát triền như Hà Giang, Cao bằng, Bắc Cạn, Sapa, Mai Châu, Mộc Châu …
Trong số đó, các tỉnh đều có những đặc sản riêng biệt từng địa phương, nhưng chắc có lẽ Rau Cải Mèo rất quen thuộc với các vùng đất nơi đây, vì rau cải mèo rất ưa thời tiết mát mẻ và không khí lạnh vì thế rau cải mèo trồng được quanh năm ngày tháng.
Rau cải Mèo của Mộc Châu hay Sapa được người dân địa phương chế biến bằng nhiều cách: xào, nấu, luộc hoặc dùng để ăn lẩu. Thông thường, chế biến một cách đơn giản nhất, chỉ cần thái nhỏ, đập gừng đổ nước vào đun sôi là có một bát canh mát, rất hợp cho thực khách uống rượu khi lên vùng cao trong thời tiết mùa đông giá lạnh.
15. Khoai sọ Nậm Lầu
Theo các cụ cao niên trong xã Nậm Lầu, đã từng có một thời, khoai sọ ở đây được coi là thứ lương thực cứu đói mùa giáp hạt. Thế nên, loại củ này vẫn luôn gắn bó với người nông dân cho đến nay, dù cuộc sống đã đủ đầy, no ấm.
Khoai sọ trồng ở Nậm Lầu đặc biệt thơm, ngon khiến người từ xa đến chỉ ăn một lần cũng nhớ mãi. Tiếng lành đồn xa, khoai sọ Nậm Lầu đã trở thành đặc sản thu hút khách, được người dân nơi đây mở rộng diện tích trồng để đáp ứng nhu cầu thị trường và đem lại nguồn thu nhập cho gia đình.
Mùa thu hoạch khoai sọ ở Nậm Lầu từ tháng 10 dương lịch đến Tết Nguyên Đán. Hàng ngày, từng tốp xe máy ngược xuôi vào Nậm Lầu, đến từng nhà dân để mua khoai sọ đưa ra thị trường. Ngày trước, khoai sọ ở đây chủ yếu bán cho thương lái ở thị trấn Thuận Châu. Mấy năm gần đây, số lượng khoai nhiều nên đã được mở rộng thị trường tiêu thụ cả trong và ngoài tỉnh.
Từ tháng 10 dương lịch đến Tết Nguyên Đán khoai sọ Nậm Lầu được chất thành đống, xếp vào từng chiếc rọ nhỏ bày bán tại các khu chợ của Thuận Châu hay những hàng quán ven quốc lộ 6. Không chỉ có người trong tỉnh tìm mua mà những du khách qua đường cũng tìm mua vài rọ khoai mang về làm quà.
Món canh khoai sọ ninh xương |
Khác với những giống khoai ở miền xuôi chỉ ưa trồng trên các loại đất tốt, khoai sọ Nậm Lầu không kén đất, có khả năng chịu được hạn cao, ít bị sâu bệnh. Với đặc điểm là giống khoai có thời gian sinh trưởng khá dài (từ 8-10 tháng) nên khoai sọ ở Nậm Lầu chỉ có duy nhất một vụ trong năm. Bắt đầu trồng vào lúc lập xuân (sau tết âm lịch) và thu hoạch vào đầu đông khi lá khoai đã vàng héo. Giống khoai sọ ở Nậm Lầu có duy nhất một củ (củ cái) và các củ nhỏ xung quanh, nặng chừng 600-700 gam, cũng có củ nặng đến 2 kg, với đặc điểm chung là thơm, dẻo, dai.
Khoai sọ có thể được chế biến thành nhiều món hấp dẫn trong các dịp lễ, tết, nhưng phổ biến nhất vẫn là món canh khoai sọ ninh xương, rắc thêm chút hành, thì là, hạt tiêu đậm đà hương vị. Bát canh khoai sọ nóng hổi, dẻo thơm không thể thiếu trong bữa cơm ngày đông nơi vùng cao, làm ấm lòng những vị khách phương xa.
Trên đây là Top 15 món ăn đặc sản ở Sơn La, nếu có dịp đến với vùng đất Tây Bắc này du khách hãy nếm thử để cảm nhận hết hương vị của các món ăn và hiểu hơn về văn hóa ẩm thực của người Sơn La nhé!