![]() |
Pù Luông mùa lúa chín - đẹp quên lối về |
Pù Luông trong tiếng Thái là đỉnh núi cao nhất. Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông thuộc hai huyện Bá Thước và Quan Hóa, cách thành phố Thanh Hóa 130 km về phía Tây Bắc.
Với diện tích hơn 17.600 ha cùng hệ động thực vật phong phú, Pù Luông gây ấn tượng với du khách bằng vẻ đẹp hoang sơ của những khu rừng rậm nguyên sinh, những thửa ruộng bậc thang cùng với cuộc sống yên bình của đồng bào dân tộc miền núi. Đây là điểm du lịch hấp dẫn dành cho những ai yêu thiên nhiên và muốn khám phá những vùng đất mới.
Thiên nhiên trù phú ưu ái cho Pù Luông, vùng đất phía tây bắc Thanh Hóa những sản vật đa dạng. Chuyến du lịch khó trọn vẹn nếu thiếu đi trải nghiệm ẩm thực của người bản địa. Dưới đây là những món ăn độc lạ trên mâm cơm của người Thái ở Pù Luông, du khách nên thử một lần khi đến nơi đây.
Vịt Cổ Lũng
![]() |
Đến Pù Luông Thanh Hóa thì chắc chắn không thể bỏ qua những món ngon chế biến từ vịt Cổ Lũng. Điểm hấp dẫn của giống vịt này là xương nhỏ, thịt chắc, nạc. Vịt ở đây được nuôi thả trên các khe suối, kiếm ăn tự nhiên trong nguồn nước chảy từ núi đá, nên thịt có vị thơm ngon nức tiếng gần xa.
Vịt ở đây được chế biến thành nhiều món ăn ngon khác nhau nhưng ngon nhất phải kể đến món vịt quay thơm phức béo giòn khó loại vịt nào ở đâu sánh bằng. Thịt vịt chín da nâu đỏ, thịt ngọt lịm, mùi thơm quyến rũ riêng khiến du khách không bao giờ quên.
Cá suối nướng
![]() |
Cá bắt được làm sạch đem ướp gia vị. Gia vị thường là những nguyên liệu có sẵn ở núi rừng như: mắc khén, rau thơm rừng, ớt, sả, …trộn với muối. Lấy dao khứa chéo phần thân ngoài cá rồi tẩm các gia vị chừng vài phút, cuộn cá với rau thơm, dùng thanh tre tươi kẹp chặt và hơ nướng trên than tro ủ nóng đến khi cá chuyển sang màu vàng, dậy mùi thơm là đã chín.
Thưởng thức cá suối nướng chấm muối ớt ăn cùng với xôi ngũ sắc, rượu nếp nương thì bạn khó mà quên món ăn dân dã này.
Cơm lam
![]() |
Đây là món ăn vô cùng quen thuộc trong bữa ăn của người dân nơi đây. Cơm lam của ở Pù Luông có vị ngon đặc biệt bởi dùng loại gạo nương có hạt to, mẩy, trắng và có mùi thơm, một món ăn rất giản dị mang hương vị đặc trưng của núi rừng. Sự hòa quyện giữa mùi thơm của gạo nếp với hương thơm của tre, nứa tiết ra, tạo nên dư vị hấp dẫn của cơm lam Pù Luông.
Măng đắng
![]() |
Mưa phùn mùa xuân bắt đầu lắc rắc, người Thái ở Pù Luông chỉ cần vào rừng một lúc là mang về cả bồ măng. Thứ măng có vị đắng bùi, đưa vào miệng còn nhăn mặt nhưng chỉ cần nhai một lúc sẽ cảm nhận được vị ngọt bùi của măng.
Măng đắng chấm muối trộn hạt mắc khén của người dân bản địa ăn là ngon nhất, cảm nhận được hết hương vị của núi rừng. Nếu không có mắc khén thì có thể thay thế bằng mắm tôm hoặc nước mắm pha thêm chút đường, ớt, tỏi ngon không kém. Giữa mâm cao cổ đầy, món măng đắng giản dị nhưng ăn rồi lại nghiện, ăn hoài không biết chán.
Lợn cỏ nướng
![]() |
Lợn cỏ hay lợn cắp nách là vật nuôi đặc sản của người Mường. Để giữ được độ ngọt của thịt phải rửa sạch con lợn trước khi mổ lấy phần nội tạng, sau đó, phần thịt không rửa lại với nước.
Thịt được pha thành từng miếng, cùng lòng, dồi đem hấp trên bếp củi, phần xương đem nấu với nõn chuối rừng. Thịt ba chỉ thái chỉ, ướp hành, nước mắm rồi quấn lá bưởi bên ngoài, kẹp vào thanh tre nướng trên than hồng. Lá bưởi quện vào thịt, dưới sức nóng của than, thịt săn vàng, toả mùi thơm. Thịt lợn chín tới, thái lát mỏng bày trên lá chuối tươi xanh. Khi ăn, chấm với muối rang và hạt dổi nướng dã nhỏ.
Rau rừng
![]() |
Đến Pù Luông du khách có cơ hội thưởng thức nộm hoa chuối rừng, một món ăn dân dã, mộc mạc nhưng rất dễ gây nghiện. Khi làm nộm hoa chuối được chọn lấy bẹ non, thái nhỏ như sợi miến và ngâm vào chậu nước có pha giấm để tránh bị thâm. Có thể chuẩn bị thêm chút tai lợn thái mỏng trộn đều với hoa chuối và các gia vị tạo nên một món ăn kích thích vị giác.
Nộm hoa chuối có vị chua của chanh, vị cay của ớt, ngọt của đường, vị bùi của lạc rang và mùi thơm đặc trưng của rau húng, mùi tàu, kinh giới hòa quyện khiến cho du khách ăn mãi cũng không ngán.
Ngoài ra, canh lá đắng – một món ăn cũng rất nổi tiếng tại Pù Luông mà bạn không nên bỏ qua. Canh đắng được nấu từ lá đắng được trồng nhiều từ vùng núi Thanh Hóa kết hợp với lòng lợn, lòng gà, thịt lợn và tiết canh. Lần đầu thưởng thức bạn sẽ thấy vị đắng lan tỏa nhưng sau đó là vị ngọt, hòa quyện với mùi thơm của gia vị, độ cay của ớt, chua của mẻ. Đặc biệt món canh lá đắng này có tác dụng giải rượu, chống đầy hơi, tiêu mỡ.
Thịt trâu gác bếp
![]() |
Thịt trâu gác bếp là một trong những đặc sản của bà con người Thái được đồng bào nơi đây làm nhiều nhất vào dịp đầu năm để đón tết và tiếp khách cho hết tháng giêng. Trâu gác bếp phải chọn loại thịt bắp ngon, không gân, thật tươi kèm với các gia vị như ớt, gừng, mắc khén, muối ướp khoảng 2-3 tiếng sau đó sấy trên than củi. Thịt trâu gác bếp ngon là những miếng thịt bên ngoài khô, bên trong mềm, có vị ngọt tươi cùng với vị cay nồng của mắc khén và mùi khói thơm của than củi. Khi ăn thịt trâu bạn có thể đem ra nướng hoặc hấp cách thủy, xào, nộm,… tùy theo sở thích của mình. Nếu có cơ hội đến Pù Luông du lịch bạn đừng quên mua đặc sản này về làm quà cho gia đình và bạn bè.
Ốc đá
![]() |
Đến với Pù Luông du khách đừng quên bỏ lỡ món ốc đá, loài ốc cực hiếm chỉ sinh sống trong các hốc đá. Ốc đá có nhiều vào mùa mưa, nhìn thoáng qua rất giống con ốc sên. Ốc được chế biến thành món ốc hấp mắm hoặc ốc hấp chanh sả chấm với nước mắm gừng ớt chanh hoặc giã củ kiệu với gừng chấm khô theo người bản địa. Thịt ốc núi dai, giòn, vị ngọt thanh sẽ khiến nhiều du khách mê mẩn.
Sâu chít
![]() |
Sâu chít được coi là “đông trùng hạ thảo” của vùng núi Tây Bắc, một loại ấu trùng được sử dụng trong Đông y. Chít là loại sâu sống trong thân cây chít mọc hoang ở các triền núi đá vôi có tác dụng trong việc tăng cường sức khỏe, bồi bổ cơ thể, bổ thận tráng dương. Người Thái ở Pù Luông khi vào rừng bẻ cây chít về làm chăn, đệm thường lấy cả những cây có dấu hiệu bị bệnh tách lấy sâu chít về chiến biến thức ăn. Bên cạnh đó, sâu chít còn dùng để ngâm rượu và trở thành đặc sản mà đồng bào nơi đây giới thiệu đến khách du lịch.
![]() |
![]() |
![]() |