Bún thang lươn Phố Hiến
Món đặc sản Hưng Yên đầu tiên phải nhắc đến chính là món bún thang lươn. Cũng giống như bún thang Hà Nội, món ăn đậm hương vị đồng quê này được chế biến từ nhiều loại nguyên liệu khác nhau như giò lụa, trứng rán, thịt ba chỉ, bún… nhưng vẫn sở hữu điểm khác biệt đó là ở phần thịt lươn xào lạ miệng.
Bún thang lươn như một bức tranh muôn màu bởi nền trắng của bún, màu vàng của trứng gà, màu nâu vàng của lươn, màu trắng ngà của giò lụa, màu vàng béo của thịt ba chỉ kết hợp với màu xanh của rau răm, hành lá. Tất cả được kết hợp với nhau một cách thật hài hòa, tạo nên một “tác phẩm” tuyệt hảo mà ít món ăn nào có được.
Thế nên, những người con Hưng Yên có dịp trở về thăm quê hay những du khách thập phương đều mong muốn tìm đến thưởng thức hương vị đậm đà của bún thang lươn Phố Hiến, niềm tự hào của người Hưng Yên mỗi khi nhắc đến đặc sản của quê mình.
Gà Đông Tảo
Gà Đông Tảo từ lâu đã trở thành món ăn đặc sản nổi tiếng khi nhắc đến quê hương Hưng Yên. Loại gà này có nguồn gốc từ xã Đông Tảo, huyện Khoái Châu. Gà Đông Tảo đặc biệt nhất ở đôi chân, chân của chúng có thể to gấp 10 lần chân gà bình thường, vảy da sần sùi, có màu đỏ hồng từ cẳng xuống tận ngón chân. Do việc chăn nuôi giống gà này rất khó, đòi hỏi phải có sự tỉ mỉ cao nên giá thành của gà Đông Tảo khá đắt.
Gà Đông Tảo chế biến được nhiều món như da gà bóp thính, gà hấp nấm, chân gà hầm thuốc bắc...nhiều địa phương đang có phong trào nuôi gà Đông Tảo vì dễ nuôi, hiệu quả kinh tế cao. Một số nước như Anh, Nhật Bản... cũng đang có ý định nhập khẩu loại gà này về nghiên cứu.
Tuy nhiên, trên thị trường Việt Nam hiện nay xuất hiện rất nhiều gà lai tạp. Do đó, để nhận biết được đâu là thịt gà Đông Tảo thì phải xem đôi chân gà bởi gà Đông Tảo có đôi chân rất to, khi thịt ra chân màu hơi đỏ. Ngoài ra, da bụng của gà Đông Tảo hơi sần sùi, có màu hơi thâm rất dễ nhận biết bằng mắt thường.
Chả gà Tiểu Quan
Món chả gà có xuất xứ từ thôn Tiểu Quan của huyện Khoái Châu, ăn ngon nhất vào thời tiết se lạnh. Để làm món chả gà cũng lắm công phu. Gà phải là những con to khỏe được nuôi ở vườn cho chắc thịt. Khi làm cũng phải chọn phần nạc nhất của con gà, lọc bỏ gân, da, xương rồi thái nhỏ, cho vào cối giã nhuyễn.
Thịt gà giã bằng tay thịt sẽ mịn và ngon hơn. Trong lúc giã cũng cho thêm một chút gia vị, vỏ quýt vào cho thịt đậm đà, thoảng thoảng hương thơm. Người giã thịt cũng phải rất khéo léo để cho thịt không được nát quá hay to quá, chả sẽ không mịn. Sau đó cho thêm lòng đỏ trứng, nước mắm, hạt tiêu, chút gừng. Sau khi giã xong, thịt gà được cho vào miếng mo cau rồi đặt lên bếp nướng bằng than hoa, than củi nhãn mới ngon. Người nướng cũng phải khéo léo lật để miếng chả không bị khô quá.
Miếng chả được dọn ra bao giờ cũng vàng óng, có độ kết dính, không bị nứt, thơm mùi thịt gà và thoang thoảng hương vỏ quýt. Không giống như các món khác, ăn chả gà phải nhấm nháp từng chút một mới cảm nhận được hương vị ngọt thơm, ngậy. Chả thường được dùng kèm với xôi, cơm trắng.
Ếch om Phượng Tường
Người Phố Hiến từ xưa đến nay thường truyền miệng nhau câu “Đi thì nhớ vợ cùng con. Về nhà lại nhớ ếch om Phượng Tường” để nói về sự thơm ngon cuốn hút của món ăn đặc sản Hưng Yên này. Ếch vốn dĩ là món ăn tốt nhiều chất dinh dưỡng cộng thêm với khi được om cùng chuối, gia vị, rau thơm,... Khi ăn miếng ếch mềm, nước sánh đặc thưởng thức đến đâu là xuýt xoa đến đấy.
Ếch om Phượng Tường được chế biến cầu kỳ, ếch được làm sạch, mổ bụng bỏ hết ruột gan, chỉ bóc lấy lại mỡ áo tơi, đặt ếch lên thớt dùng gọng dao dần kỹ cho nhuyễn xương, nhưng khi cầm lên vẫn phải nguyên là con ếch. Muốn thế gọng dao phải tròn, dần thật khéo, sau đó đem ướp gia vị gồm mẻ, vỏ quýt khô, mộc nhĩ, hạt tiêu, mắm tép, nước mỡ khoảng nửa giờ cho ngấm.
Đoạn lấy lạt bó lại cho vào nồi nấu với măng, thịt ba chỉ. Nhớ đun nhỏ lửa cho sôi kỹ rồi bắc xuống om cạnh bếp, sao cho khi chín ếch và nước chỉ vừa một bát. Khi múc ra ếch phải nhừ, nước om phải có màu vàng đậm, sóng sánh như mật ong, toả mùi thơm quyến rũ.
Cá mòi
Người Hưng Yên rất tự hào với đặc sản cá mòi. Dù đi làm xa hay khách ở các tỉnh, thành lân cận cứ tháng hai, tháng ba âm lịch hàng năm họ lại tìm về Hưng Yên để được thưởng thức món đặc sản hấp dẫn này.
Cá mòi Hưng Yên con nào cũng béo và còn nguyên buồng trứng, khi ăn có vị thơm ngậy khó cưỡng nên ai đã một lần nếm thử hẳn khó có thể quên được. Cách chế biến cá mòi hết sức đơn giản, không cầu kì mà có thể nấu được rất nhiều món ăn như: rán, băm chả, kho, nướng,... nên bạn có thể thoải mái lựa chọn tùy theo sở thích và khẩu vị riêng của mình.
Canh cá rô
Canh cá rô Hưng Yên là món ăn mang đậm hương vị của đồng quê, đặc sản thơm ngon được nhiều người yêu thích. Món canh cá rô thể hiện sự cẩn thận và tỉ mỉ của người chế biến với bánh đa mềm, những miếng cá rô ngọt mát. Kèm với đó là đậu phụ chiên, rau cải hoặc rau cần. Nước dùng canh cá rô hầm từ xương cá và xương ống nên ngọt tự nhiên. Vắt thêm chút chanh hoặc dấm tỏi ớt, đơn giản thế thôi nhưng là món ngon khó mà quên khi bạn ghé đến Hưng Yên.
Tương Bần
Từ xa xưa đến nay, người Hưng Yên vẫn luôn tự hào về sản vật tiến vua này. Giờ đây, tương Bần được sản xuất ở nhiều vùng miền khác nhau và đã trở thành loại nước chấm khiến bao người “mê mẩn”.
Mặc dù nguyên liệu để sản xuất tương Bần không quá khó kiếm, cái khó nằm ở công đoạn làm tương, mất rất nhiều thời gian. Phải trải qua từ 1 đến 2 tháng, người thợ chế biến mới cho ra đời một mẻ tương Bần “ngon đúng điệu”, tuy nhiên tiết trời có nắng hay không sẽ quyết định đến thời gian lâu hay nhanh.
Do đó nguyên liệu chính làm tương cần có là nếp cái hoa vàng, đỗ tương và muối. Trải qua các công đoạn: lên mốc xôi nếp, ngả đỗ và ủ tương sẽ có một mẻ tương Bần chính hiệu ra đời.
Tương Bần có màu vàng sẫm hoặc màu cánh gián, khi rót ra sẽ có kết cấu sánh đặc và rất thơm. Khi ăn, nước tương có vị béo, bùi, đậm đà và có thể để được lâu. Tương Bần đã trở thành nước chấm không thể thiếu khi ăn cùng bánh tẻ, bánh đúc, chấm rau muống, thịt luộc,... Tương Bần không chỉ là một món ngon nổi tiếng ở Hưng Yên mà còn “hớp hồn” biết bao thực khách trên mọi miền đất nước: “Dưa La, húng Láng, nem Báng, tương Bần”.
Bánh cuốn Phú Thị
Cách thành phố Hà Nội chỉ 45 phút dọc theo đê sông Hồng. Bạn sẽ được đặt chân tới vùng đất của món bánh cuốn Phú Thị thuộc làng Phú Thị, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên.
Không nổi tiếng bằng bánh cuốn Thanh Trì, không ồn ào như bánh cuốn trứng Cao Bằng, bánh cuốn Phú Thị lặng lẽ hơn nhưng đã nếm thử thì không thể quên. Lớp vỏ bánh không bóng bằng nơi khác vì nó không được bôi một lớp mỡ mỏng. Lớp nhân cuộn bên trong lá bánh cũng đặc biệt với thịt lợn nạc băm nhỏ xào với hành khô. Bát nước chấm thêm một chút nhân thịt băm trở nên đậm đà và đẹp mắt hơn.
Không nhiều màu sắc, không cầu kỳ hương vị thế nhưng món bánh cuốn Phú Thị vẫn hấp dẫn được những thực khách khó tính nhất bởi chính sự giản đơn mà rất khác biệt của nó. Hãy thử một lần về thăm nơi đây để thưởng thức món bánh cuốn đặc biệt này. Ăn một lần sẽ nhớ mãi miếng bánh mềm mịn cùng với vị bùi thơm của nhân thịt xào hành khô hòa quện trong vị nước chấm chua ngọt rất vừa miệng.
Bánh dày làng Gàu
Bánh dày làng Gàu có nguồn gốc từ xã Cửu Cao, huyện Văn Giang. Loại bánh này được xem đặc sản nổi tiếng của đất phố Hiến nhằm để tưởng nhớ và biết ơn đến công lao của các vị vua hùng có công dựng nước. Đến với quê hương Văn Giang du khách không chỉ bị thu hút bởi cảnh đẹp của vườn hoa, cây cảnh nơi đây mà còn được thưởng thức, được trải nghiệm các công đoạn làm bánh dày cùng với người dân.
Nguyên liệu chính là gạo nếp cái hoa vàng. Cả một năm hai vụ, thóc lúa có bội thu thì năm đó bánh được sản xuất nhiều. Người làng Gàu kĩ lưỡng tỉ mẩn trong việc chọn gạo làm bánh. Sau khi thóc được xay xát, người già và trẻ nhỏ được phân cho công việc “chọn gạo”. Gạo hạt phải mẩy, chắc. Những hạt sâu lép được bỏ loại ra ngoài. Phải như vậy, khi thành phẩm cả miếng bánh mới đạt độ trắng trong như gái son trẻ. Gạo được ngâm với nước sạch sau đó giã đều tay rồi nặn thành những chiếc bánh giầy trắng tinh, tròn trịa. Bánh giã phải đúng số nhịp số chày buông xuống. Lực giã phải vừa, không được quá mạnh, chẳng được quá yếu mềm. Vì thế nam nữ phải giã cùng nhau, mới vừa mềm vừa rắn, bánh mới chuẩn dẻo.
Công đoạn làm nhân bánh khá cầu kỳ, cần sự khéo léo của người làm, nhân bánh làm từ đỗ xanh, Đỗ xanh phải mẩy hạt, xanh đều. Sau khi “tuyển chọn” kĩ càng, đỗ phải được ngâm nước ấm khoảng chừng bốn mươi độ qua đêm. Đỗ xanh ngâm mềm, đãi sạch vỏ, không được để vương vấn chút vỏ nào trong rổ, hấp chín nhừ tơi, giã đỗ bắt buộc phải nhuyễn sánh, không được lợn cợn hạt đỗ và vo tròn cùng dừa sợi bào sẵn thành từng nắm nhỏ. Mỗi một mẻ xôi, mẻ đỗ đưa ra bốc bừng hơi nóng. Không được giã ngay, không được quá nguội. Giã ngay dễ bết, giã nguội khó dính. Vì thế mà bánh dày làng Gàu nổi là món đặc sản nổi tiếng Hưng Yên.
Nhãn lồng
Nhãn lồng từ lâu đã trở thành một thương hiệu độc quyền mang nét đặc trưng và là niềm tự hào của tỉnh Hưng Yên. Tuy ngày nay có rất nhiều nơi trồng được nhãn, trong đó có những địa phương có cùng điều kiện khí hậu, cùng thổ nhưỡng nhưng chỉ có nhãn lồng Hưng Yên mới có được hương vị thơm ngon nổi tiếng mà không địa phương nào có được.
Tháng 7, tháng 8 đang là mùa nhãn chín rộ, tháng 9 là mùa nhãn muộn. Thế nên, nếu đến Hưng Yên vào mùa này, đi trên đường ai cũng có thể chạm tay vào những chùm nhãn to tròn, bóng mịn, nặng trĩu. Rồi khi nếm thử bạn sẽ phải mê mẩn bởi hương vị ngọt thơm giòn dai đậm đà ăn mãi chẳng hề thấy chán tí nào.