Những điều kiêng kỵ tuyệt đối không nên làm trong ngày Halloween 5 ngày lễ, Hội An bán 21.300 vé tham quan khu phố cổ 5 ngày lễ, khách quốc tế đến Phú Quốc tăng gần 3% |
Tết Thanh minh năm nay là ngày nào?
Tiết Thanh minh thường kéo dài từ 15 đến 16 ngày, bắt đầu khoảng ngày 4/4 hoặc 5/4 và kết thúc vào ngày 20/4 hoặc 21/4 Dương lịch, ngay trước khi chuyển sang tiết Cốc vũ. Tết Thanh minh hay ngày Thanh minh là ngày đầu tiên của tiết Thanh minh.
Trong năm 2025, tiết Thanh minh bắt đầu từ ngày 4/4 và kết thúc vào ngày 19/4 Dương lịch. Ngày Tết Thanh minh (4/4) nhằm vào thứ Sáu ngày 7/3 Âm lịch.
Theo nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ, Tiết Thanh Minh là một trong 24 tiết khí theo quan niệm của các quốc gia phương Đông. Đây là tiết khí thứ năm trong 24 tiết khí của năm.
Tết Thanh Minh là ngày đầu tiên của Tiết Thanh Minh và mang ý nghĩa đặc biệt quan trọng, gắn liền với phong tục truyền thống của người dân Việt Nam. Khi tiết Xuân phân kết thúc, mưa xuân dần thưa thớt, bầu trời trở nên trong sáng hơn, đó là dấu hiệu Tiết Thanh Minh đã đến.
![]() |
Vào Tết Thanh Minh, các gia đình thường dành thời gian để tảo mộ. |
Vào ngày này, các gia đình thường dành thời gian để tảo mộ, dọn dẹp và sửa sang phần mộ của tổ tiên, thể hiện lòng biết ơn và tưởng nhớ đối với những người đã khuất.
Từ lâu đời, Tiết Thanh Minh đã trở thành một ngày lễ thiêng liêng trong văn hóa Trung Quốc. Không chỉ là dịp khởi đầu cho một vụ mùa mới, Tiết Thanh Minh còn mang ý nghĩa là phong tục đầu xuân quan trọng, đánh dấu sự kết thúc của nỗi buồn và mở ra hy vọng mới.
Người Việt Nam cũng chọn thời điểm này để thăm mộ tổ tiên, dọn dẹp mộ phần sạch sẽ, bày biện mâm cúng và thắp hương tưởng nhớ những người đã khuất.
Tiết Thanh minh từ lâu đã ăn sâu vào tiềm thức và văn hóa của người Việt. Câu thơ nổi tiếng trong Truyện Kiều của Nguyễn Du: "Thanh minh trong tiết tháng Ba/ Lễ là tảo mộ, hội là đạp thanh..." giúp người dân nhớ rằng ngày này diễn ra vào tháng 3 Âm lịch. Nếu tính điểm Xuân phân là gốc (kinh độ Mặt trời bằng 0°) thì điểm diễn ra hay bắt đầu tiết Thanh minh là kinh độ Mặt trời bằng 15°.
Tiết Thanh Minh mang ý nghĩa sâu sắc trong văn hóa người Việt, là dịp để tưởng nhớ tổ tiên và gắn kết gia đình. Đây là thời điểm con cháu bày tỏ lòng thành kính, biết ơn đối với ông bà, tổ tiên. Đồng thời, các thành viên trong gia đình có cơ hội sum họp, cùng nhau chia sẻ những kỷ niệm về người đã khuất, qua đó tăng cường tình cảm gia đình.
![]() |
Tết Thanh Minh cũng là dịp để giáo dục con cháu về truyền thống tốt đẹp của dân tộc. |
Tết Thanh Minh cũng là dịp để giáo dục con cháu về truyền thống tốt đẹp của dân tộc, nhắc nhở về lòng biết ơn và sự trân trọng nguồn cội, thể hiện đạo lý "uống nước nhớ nguồn".
Người xưa thường chọn ngày đầu của tiết Thanh Minh để làm Tết Thanh Minh. Do vậy, thời điểm diễn ra Tết Thanh Minh mỗi năm có sự xê dịch khác nhau.
Trong ngày này, hoạt động tảo mộ được xem là quan trọng nhất. Các gia đình đến nghĩa trang để dọn dẹp cỏ dại, vun đắp mộ phần, thắp hương và bày biện lễ vật cúng, thể hiện lòng thành kính đối với người đã khuất. Lễ cúng Tết Thanh Minh thường được tổ chức cả tại nhà và tại mộ, với mâm cỗ truyền thống bao gồm xôi, gà luộc, bánh trôi, bánh chay,...
Bên cạnh việc tảo mộ, nhiều người còn kết hợp đi chơi xuân, tận hưởng tiết trời trong lành, thoáng đãng của ngày đầu Thanh Minh.
Tết Hàn thực khác gì Tết Thanh minh?
Tết Thanh minh và Tết Hàn thực rất gần nhau, có những năm bị trùng ngày khiến nhiều người nghĩ đó chỉ là một. Không ít người nhầm lẫn Tết Hàn thực là Tết Thanh minh, đồng thời thắc mắc không biết Tết Hàn thực có phải là tên gọi khác của Tết Thanh minh hay không.
Tết Hàn thực, diễn ra cố định vào ngày 3/3 Âm lịch hàng năm, là dịp mà người Việt chuẩn bị mâm lễ cúng bao gồm bánh trôi và bánh chay. Dù có nguồn gốc từ Trung Quốc, Tết Hàn thực ở Việt Nam đã được biến đổi để phù hợp với văn hóa địa phương. Khác với truyền thống tránh lửa ở Trung Quốc, người Việt vẫn nấu nướng bình thường trong ngày này và chỉ sử dụng bánh trôi, bánh chay thay thế cho các món nguội trong mâm cúng.
Bánh trôi, bánh chay không chỉ là món ăn đặc sắc mà còn trở thành biểu tượng của Tết Hàn thực ở Việt Nam. Việc thắp hương, dâng lễ lên tổ tiên trong dịp này thể hiện lòng tri ân thần linh và tổ tiên, là dịp để con cháu tưởng nhớ và nhắc nhở về cội nguồn.
Khác với Tết Hàn thực, Tết Thanh minh không diễn ra vào một ngày cố định theo lịch âm. Đây là ngày đầu tiên của tiết Thanh Minh, một trong 24 tiết khí của năm, thường rơi vào ngày 4/4 hoặc 5/4 Dương lịch và kéo dài đến 20 - 21/4.