Ở đuôi của bọ cạp có một tuyến độc, và mặc dù tất cả các loài bọ cạp đều có nọc độc, nhưng chỉ có một số loài thực sự sở hữu nọc độc chết người.
Một nghiên cứu được tiến hành vào đầu năm nay đã phát hiện ra rằng những loài bọ cạp càng nhỏ sẽ sở hữu nọc độc càng nguy hiểm. Chẳng hạn, bọ cạp đuôi dày Nam Phi có nọc độc mạnh gấp 10 lần bọ cạp vàng Israel.
Trên thực tế, "bọ cạp phải tăng cường trao đổi chất rất nhiều lần để tạo ra nọc độc. Đối với chúng, việc tạo ra nọc độc diễn ra giống như khi con người đang chạy ma-ra-tông" tiến sĩ sinh vật học tiến hóa Arie van Der Meijden của Viện CIBIO-InBIO ở Bồ Đào Nha nói với IFLScience.
"Chúng tôi đã thực hiện một nghiên cứu cách đây vài năm, trong đó chúng tôi chỉ chọc vào con bọ cạp và khiến nó tức giận để nó tiêm nọc độc vào lọ. Chúng có xu hướng sử dụng khoảng 3 đến 5 phần trăm nọc độc cho mỗi lần đốt, điều đó có nghĩa là chúng có thể đốt nhiều lần".
Bắc Phi cùng với Trung Đông, Ấn Độ, Mexico và một phần Nam Mỹ là nơi sinh sống của khoảng 50 loài bọ cạp đại diện cho mối đe dọa tiềm tàng đối với cuộc sống con người. Mặc dù mọi người đều hiểu rằng nọc độc của các loài khác nhau sẽ có mức độ nguy hiểm khác nhau, nhưng điều có lẽ ít được biết đến hơn là chất lượng của nọc độc cũng thay đổi theo số lần đốt.
Bọ cạp tạo ra tiền nọc độc trong vết đốt đầu tiên của chúng, chất này chảy ra dưới dạng chất lỏng trong suốt. Ở những lần đốt tiếp theo, nọc độc đó ngày càng trở nên mờ đục và trở nên đặc hơn, dính hơn. Đến vài lần đốt cuối cùng, nọc độc sẽ có kết cấu rất khác, điều mà Der Meijden đã tận mắt chứng kiến khi nhóm của ông thiết lập một phương pháp mới để chiết xuất nọc độc bọ cạp.
Tại sao con người muốn nọc độc bọ cạp?
Thiên nhiên từ lâu đã là nguồn cảm hứng cho sự đổi mới của con người trong mọi lĩnh vực, từ công nghệ và thiết kế đến dược phẩm và liệu pháp điều trị.
Với việc nọc độc của bọ cạp rất giàu protein, peptide và các hợp chất phân tử có khả năng ngăn chặn hoặc sắp xếp lại các kênh ion trong cơ thể, chúng được coi là ứng cử viên đầy triển vọng cho các loại thuốc có nguồn gốc từ nọc độc.
Các ứng dụng của nọc bọ cạp trong dược phẩm có thể khác nhau tùy thuộc vào các kênh ion cụ thể mà chúng tác động. Một số hoạt động trên các kênh natri đã cho thấy nhiều hứa hẹn trong việc quản lý chứng động kinh ở các mô hình chuột. Những loại khác lại ảnh hưởng đến các kênh kali đang được nghiên cứu trong điều trị các bệnh tự miễn dịch như bệnh đa xơ cứng.
Những nọc độc này đã phát triển thành vũ khí để vô hiệu hóa một số bệnh nhất định bằng cách tác động lên các kênh này. Do đó, nọc độc của bọ cạp, cùng với hải quỳ, rắn và tất cả các loại động vật có nọc độc khác hiện rất được quan tâm trong một số lĩnh vực nghiên cứu có khả năng sinh lợi.
Tại sao nọc độc của bọ cạp lại đắt?
Theo Oddity Central, nọc độc của bọ cạp Deathstalker không chỉ là nọc độc nguy hiểm nhất thế giới mà còn là chất lỏng đắt nhất hành tinh, có giá lên tới 39 triệu USD/gallon (khoảng 40 tỉ đồng/lít).
Nó đắt như vậy vì việc "vắt kiệt nọc độc" một con bọ cạp chỉ có thể tạo ra một giọt nọc độc có kích thước bằng một hạt đường. Để có được 1 gallon nọc bọ cạp, bạn sẽ phải thu thập nọc độc từ khoảng 2,64 triệu con bọ cạp, và đó là lý do tại sao nó có giá 39 triệu USD mỗi gallon.
Để có được hỗn hợp độc tố quý giá này, người ta sẽ phải vắt nọc độc bằng tay, vì các biện pháp lấy nọc độc tự động chỉ mới đang được phát triển. Tuy nhiên, bạn có thể sẽ phải đối mặt với nguy cơ bị bọ cạp đốt trong quá trình vắt nọc độc. Các chuyên gia, mô tả cơn đau khi bị một con bọ cạp tử thần hành hạ sẽ rất kinh khủng.
Ngoài ra còn một sự thật là mỗi khi nọc độc của loài bọ cạp này được nghiên cứu, người ta lại tìm thấy nhiều công dụng hơn cho nó, do đó, nó càng được đánh giá cao hơn và nhu cầu về loại chất lỏng này tiếp tục tăng dần.
Thu thập nọc bọ cạp như thế nào?
Để có thể có hàng lít nọc bọ cạp, người ta phải nuôi chúng với số lượng lớn trong các trang trại. Lấy ví dụ, ở Thổ Nhĩ Kỳ, có một trang trại nuôi 20.000 con bọ cạp với 12 nhân công.
Những nhân công làm công việc vắt nọc sẽ đến đây mỗi ngày và ngồi đối diện với một đồng nghiệp khác (người ta ghép đôi các nhân công vì lý do an toàn).
Từng nhân công sẽ làm việc một cách chậm rãi theo phương pháp đã xác định để thu từng giọt nhỏ nọc độc từ những con bọ cạp.
Vắt nọc độc bọ cạp là một công việc có bản chất nguy hiểm và nhân viên cũng thường xuyên bị đốt. Theo ước tính, bọ cạp là 1 trong 5 loài động vật nguy hiểm nhất trên thế giới, nên các cơ sở cũng phải luôn luôn có thuốc chống nọc độc của loài này.
Để vắt nọc, nhân viên dùng kẹp cao su để giữ một con bọ cạp. Đôi kẹp cao su này được nối với hai dây điện từ một chiếc ắc quy. Chiếc ắc quy được sử dụng để phát ra điện tích nhẹ, không làm tổn thương bọ cạp nhưng sẽ kích hoạt cơ chế tự vệ của bọ cạp, khiến nó giải phóng nọc độc. Nọc độc sẽ được hứng vào những ống nghiệm nhỏ.