![]() |
Rau cải trời |
Rau cải trời (hay còn gọi là cải đất, cải tàu bay) là loại rau mọc dại, có nguồn gốc từ các nước Ấn Độ, Malaisia,... Nó thuộc cây thảo, mọc đứng có thể cao tới 1m. Thân mập, có rảnh, khía rõ rệt. Lá dày, dài có răng cưa, hai mặt đều có lông, phần cuống lá có cánh. Cụm hoa đầu, đồng giao, mọc thành gù kép, mỗi gù con gồm 1-3 đầu. Tràng mảng chia làm 4 thùy, 4 nhị. Quả hình trụ, mang một chùm lông trắng ở đỉnh.
Cũng từ lâu lắm rồi, cải trời đã gắn với những bữa cơm bình dị của người miền Tây, với những món ăn vừa lành, vừa mát rất “nên thuốc”.
Nếu chưa từng biết đến cải trời, chắc bạn đang hình dung trong đầu, nó cũng là một loại cải thân xốp, mọng nước như cải ngọt, cải bẹ xanh, cải thìa… bán ngoài chợ mà thôi. Nhưng không phải vậy, cải trời vốn họ cúc, thân hơi cứng, lá sờ vào hơi nhám, có lông tơ mịn, nom xa giống như một loại cỏ mọc lẫn trong đám cỏ vườn nhà.
Cải trời vốn mọc hoang, thích đất hơi ẩm nhưng có ánh sáng, lạ lùng là những ngày trời nắng chang, cải vẫn tốt tươi. Rồi chờ đến khi có vài trận mưa đầu mùa, cải sẽ thêm phần mơn mởn, tốt xum xuê, chả cần phải trồng hay chăm bón. Khi ấy, chỉ cần bê rổ ra vườn, ngắt một lúc là đầy cả rổ to, đem vào tha hồ ăn. Nếu để lâu không hái, cải sẽ già, vượt lên cao, lá nhỏ dần và bắt đầu trổ bông vàng rực. Bông này khi khô, được gió phát tán và cứ thế gieo giống tự nhiên khắp vườn.
Cải trời có mùi thơm, kiểu vị thơm của thuốc Nam, nghe đọng một chút ngai ngái của hương cỏ, hương đất. Cải có thể dùng ăn sống, chấm các món kho, nhất là mắm kho, có người còn kẹp ăn chung với mắm tép, mắm cá. Cải trời ăn sống giòn, có vị hơi nhân nhẩn và mùi thơm riêng đặc trưng.
Nếu không ăn sống thì đem cải đi luộc, đôi khi chỉ chấm tương chao thôi cũng đủ thèm. Nhưng ngon nhất có lẽ là khi nấu canh. Cải trời có thể nấu canh tập tàng cùng các loại rau quê khác như rau má, bồ ngót, rau dền, mồng tơi, nồi canh có thêm cải cũng thơm hơn, mát hơn một chút. Hoặc cải trời cứ xắt nhuyễn nấu riêng với tôm khô, thịt băm hay cá thác lác, thậm chí không cần chi cả, nấu với tóp mỡ cũng được, ăn lúc nóng cũng ngon mà lúc nguội thì càng thêm mát.
Nhưng có lẽ ngon nhất và nhiều hương vị nhất là món cải trời xào tỏi. Những cọng cải trời tươi non, mậm mạp được rửa sạch. Phi thơm dầu phụng với tỏi rồi cho cải vào đảo đều tay. Thêm chút nước mắm ngon, bột nêm vào trộn đều. Khi rau chín, bắc ra khỏi bếp và thêm ít tiêu bột vào đảo đều cho món xào thêm ấm nóng. Đĩa rau xào xanh thắm, mỡ màng, điểm vài lát tỏi trắng thật bắt mắt. Vị béo, thơm của dầu phụng quyện với vị cay nhẹ của tiêu, thơm của tỏi, vị dai và thơm ngai ngái của rau thật đặc biệt, hoàn toàn không giống những món rau xào khác.
Bữa cơm quê nghèo có món canh cải trời kèm thêm vài con cá khô chiên hay cá kho mặn vậy mà cứ đủ đầy, ngon lành, mát ruột mát gan làm sao. Ngày hè mà có tô canh cải trời ăn thì thấy được giải nhiệt ngay tức khắc, chẳng cần phải uống chi nhiều loại nước mát thanh nhiệt cơ thể.
Cải trời ăn rất mát, lại mọc tự nhiên nên tuyệt đối lành. Dân gian còn dùng cải trời tươi giã nát để cầm máu vết thương, trị băng huyết, chảy máu cam. Nó cũng có tác dung trị ho, mất ngủ, giải nhiệt rất tốt nên cải trời cũng được xem là cây thuốc trong vườn nhà.
![]() |
Gia đình ông Bùi Đại Ngọc sống khỏe nhờ trồng cải trời |
Nhờ trồng cải trời, nhiều hộ dân xã Thuận An (TX.Bình Minh, Vĩnh Long) thu nhập hơn 100 triệu đồng mỗi năm.
Ông Bùi Đại Ngọc (49 tuổi, ngụ ấp Thuận Phú A, xã Thuận An) phấn khởi cho biết, cách đây 2 năm, sau nhiều đợt cải xà lách xoong bị chết do nắng hạn kéo dài, ông đã đi nhiều nơi tìm giống cải trời về trồng.
Ban đầu, ông trồng thử nghiệm khoảng 500 m2, hơn 1 tháng sau đã thu hoạch. Sau khi cắt lứa đầu thì bụi cải trời lớn gấp nhiều lần, vì vậy từ lứa thứ 2 trở về sau (mỗi lứa cách nhau 30 ngày) mỗi ngày ông thu hoạch từ 50 - 60 kg cải. Lúc bấy giờ ít người trồng nên nguồn cải trời chưa dồi dào, thương lái thu mua với giá khá cao, khoảng 10.000 đồng/kg. Nhờ đó, mỗi ngày gia đình ông có nguồn thu nhập khoảng 500.000 đồng.
“Thừa thắng xông lên”, ông Ngọc mạnh dạn mở rộng diện tích và đến nay gia đình có 2 công đất chuyên trồng rau cải trời. Bình quân mỗi ngày ông cắt bán cho thương lái khoảng 150 kg, có ngày lên đến 300 kg.
Thấy ông Ngọc có nguồn thu nhập cao nhờ rau cải trời, các anh em của ông cũng bỏ nghề trồng rau diếp cá chuyển sang trồng loại rau này. Ông Bùi Khắc Định, em ông Ngọc, hiện có 1,5 công đất trồng cải trời.
Nhằm nâng cao giá trị và thu nhập từ cây cải trời, nhiều nông dân xã Thuận An đã mạnh dạn đầu tư hệ thống tưới tiêu. Mỗi ngày tưới 2 đợt để rau phát triển nhanh, lá xanh tốt, dễ bán. “Cải trời rất dễ trồng. Chỉ cần đến rẫy hỏi mua giống, người bán sẽ cắt sát gốc để về trồng không bị chết và mau ra rễ. Khoảng cách trồng 20 cm/bụi, mỗi bụi 3 cọng rau. Cứ sau mỗi đợt thu hoạch, bụi rau sẽ nảy nở thêm hàng chục đọt. Nếu đất được làm tơi xốp, cắt 4 - 5 bụi có thể được 1 kg rau”, ông Ngọc chia sẻ. Để có thể thu hoạch cải trời mỗi ngày, theo ông Ngọc, khi trồng nên khoanh mỗi ô khoảng 200 m2 và cắt luân phiên. Còn việc bón phân cũng khá đơn giản. Sau khi thu hoạch 1 tuần thì rải phân NPK loại 16-16-8, sau đó mỗi tuần tưới Urê 1 lần và chỉ tuới 1 - 2 lần là tới đợt thu hoạch.