Đảng sâm là loại cây cỏ sống lâu năm |
Việt Nam có nhiều loại sâm quý mọc hoang dại trong các khu rừng, trong đó phải kể tới đảng sâm.
Đảng sâm hay còn gọi là đẳng sâm, thượng đảng nhân sâm; tên khoa học là Campanumoea javanica Blume, họ Hoa chuông.
Đảng sâm là loại cây cỏ sống lâu năm, leo bằng thân quấn. Rễ hình trụ dài, đường kính có thể đạt 1,5 - 2cm, phân nhánh, đầu rễ phình to có nhiều vết sẹo lồi của thân củ, thường chỉ có một rễ trụ mà không có rễ nhánh, càng nhỏ về phía đuôi; lúc tươi màu trắng; sau khô rễ có màu vàng, có nếp nhăn.
Thân đảng sâm mọc thành từng cụm vào mùa xuân, bò trên mặt đất hay leo vào cây khác, thân màu tím sẫm, có lông thưa, phần ngọn không lông. Lá mọc cách hình trứng hay hình trứng tròn, đuôi lá nhọn, phần gần cuống hình tim, mép nguyên, màu xanh hơi pha vàng, mặt trên có lông nhung, mặt dưới màu trắng xám nhẵn hoặc có lông rải rác, dài 3 - 8cm, rộng 2 - 4cm.
Hoa đảng sâm màu xanh nhạt, mọc riêng lẻ ở kẽ nách lá, có cuống dài 2 - 6cm, đài tràng hình chuông, gồm 5 phiến hẹp, 5 cánh có vân màu tím ở họng, lúc sắp rụng trở thành màu vàng nhạt, chia làm 5 thùy, nhụy 5, chỉ nhụy hơi dẹt, bao phấn đính gốc. Quả bổ đôi, hình chùy tròn, 3 tâm bì, đầu hơi bằng, có đài ngắn, lúc chín thì nứt ra.Có nhiều hạt màu nâu nhẵn bóng.
Đảng sâm có nhiều ở Trung Quốc. Từ những năm 1961, Viện Dược liệu Việt Nam đã phát hiện đảng sâm ở các tỉnh phía Bắc (Sơn La, Lào Cai, Hà Giang, Lạng Sơn) và Tây Nguyên (Kon Tum, Lâm Đồng, Gia Lai).
Củ đảng sâm được mệnh danh là nhân sâm của người nghèo |
Đảng sâm được thu hái vào mùa đông, lúc cây đã úa vàng, rụng lá hoặc tới đầu xuân năm sau lúc cây chưa đâm chồi nảy lộc. Khi thu hái, phải đào cả rễ sâu trên 0,7m và không làm trầy xát.
Sau đó, rửa sạch bụi bặm, ủ nước một đêm, hoặc đồ thấy bốc hơi là được, khi mềm, bào mỏng 1-2 ly, tẩm nước gừng để bớt hàn, hoặc sao qua để dùng. Đảng sâm được bảo quản bằng cách đậy kín, tránh ẩm, cần để nơi thoáng gió, khô ráo để phòng sâu mốc vì đây là loạt thảo dược ngọt, rất dễ bị mọt.
Với những người chưa biết tới loại sâm quý này sẽ nghĩ rằng đây là cây mọc dại trong rừng, nhưng với những ai đã biết tới đảng sâm sẽ tìm cách đào về để ngâm rượu hoặc nấu canh, hầm xương, hầm gà, vừa ngon lại tốt cho sức khỏe.
Anh Ngọc Trang (ở Sơn La) chia sẻ: "Trước đây loại sâm này chưa có nhiều người biết tới, chỉ có bà con vùng cao đi đào về để ngâm rượu hoặc nấu canh. Khoảng chục năm gần đây, đảng sâm được nhiều người tìm mua với giá khá đắt đỏ. Chính vì thế bà con thi nhau vào rừng tìm cây đảng sâm để khai thác".
Theo anh Trang, đảng sâm mọc thành từng cụm, bò trên mặt đất hay leo vào cây khác. Đảng sâm được thu hái vào mùa đông, lúc cây đã úa vàng, rụng lá hoặc tới đầu xuân năm sau lúc cây chưa đâm chồi nảy lộc. Khi thu hái phải đào cả rễ sâu trên 0,7m và không được làm trầy xát.
Đảng sâm vị ngọt, tính bình |
Theo Đông y, đảng sâm vị ngọt, tính bình, có tác dụng bổ trung, ích khí, dùng cho các trường hợp tỳ vị hư nhược, khí hư huyết hư, thể trạng mệt mỏi vô lực, ăn kém, đại tiện lỏng...
Trên chợ mạng, đảng sâm được nhiều địa chỉ rao bán với giá 300.000-500.000 đồng/kg loại sâm tươi (tùy kích thước), đảng sâm khô có giá 800.000 đồng/kg.
Hiện đảng sâm rừng mang lại giá trị về kinh tế nhưng trong tự nhiên lại khan hiếm, cộng với việc khai thác tràn lan không theo quy hoạch đã khiến số lượng cá thể loài này giảm sút nghiêm trọng. Vì thế nhiều nơi bà con đã mở rộng mô rừng trồng đảng sâm để bán ra thị trường.
Đảng sâm cũng không có yêu cầu gì đặc biệt về đất trồng; chỉ cần đất có độ tơi xốp, ít sỏi đá, được phân luống để thoát nước và để cây dễ hình thành củ cũng như thuận tiện cho thu hoạch sau này.
Trong quá trình chăm sóc đảng sâm, chỉ cần tưới nước giữ ẩm cho cây phát triển, bón phân cách 3-4 tháng/lần. Sau khi trồng đảng sâm từ 16-24 tháng có thể tiến hành thu hoạch. Đảng sâm có thể tiêu thụ dưới dạng củ tươi, củ khô, thành phẩm dạng bột, thái lát, ngâm rượu... và chế biến dược phẩm.
Những địa phương trồng nhiều đảng sâm
Cây đảng sâm hiện được trồng nhiều ở 4 xã vùng cao gồm Tr’Hy, Axan, Ch’ơm và Gari, nơi có khí hậu mát mẻ và lạnh. Ngoài ba kích tím, đảng sâm là cây chủ lực được Tây Giang chọn ưu tiên phát triển. Nơi đây, hộ trồng ít cũng tầm 1 - 2 sào, nhiều thì cả héc ta. Mỗi héc ta, có thể trồng được 5.000 cây đảng sâm.
Không chỉ lấy củ, lá và thân đảng sâm còn được dùng để chế biến thức ăn hằng ngày như nấu canh, xào thịt, hầm, bồi bổ cơ thể. Sâm nhỏ bán xô từ 80 - 150 nghìn đồng/kg, sâm lớn có giá từ 150 - 200 nghìn đồng/kg, loại 3 - 5 củ/kg có giá 300 nghìn đồng. Mỗi sào trồng sâm có thể thu về hơn 50 triệu đồng. Mỗi héc ta, nếu trồng đúng kỹ thuật, có thể cho ra 5 tấn củ, giúp bà con nông dân thu về cả trăm triệu đồng.
Ngoài ra, bà con nông dân còn trồng xen đảng sâm với hoa màu trên nương rẫy để lấy ngắn nuôi dài, nâng cao hiệu quả kinh tế, cải thiện đời sống. Trong thời gian tới, Tây Giang mong muốn có một tổ chức khoa học đứng ra đánh giá về hàm lượng saponin trong củ sâm, định giá sản phẩm tương ứng với độ tuổi để nâng giá trị và thương hiệu của cây dược liệu quý này.