Bông so đũa màu trắng xanh |
Cây so đũa còn có tên gọi khác là điền thanh hoa lớn, tên khoa học là Sesbania grandiflora Pers. Đây là cây thân gỗ, có chiều cao khoảng từ 4-10 m, thuộc chi Sesbania trong họ Đậu (Fabaceae). Loại cây này được tìm thấy ở nhiều nơi như Đông Nam Á, Ấn Độ… đều là khu vực nhiệt đới nóng ẩm.
Ở Việt Nam, cây so đũa có nhiều ở miền Tây, so đũa thường cho hoa màu trắng xanh, phổ biến hơn so với cây so đũa thái đỏ có hoa màu tím đỏ tía, còn màu vàng và màu xanh chủ yếu được dùng làm thuốc. Trước đây, cây so đũa thường mọc dại ở ven bờ ruộng, sông ngòi kênh rạch, sau đó được mang về vườn nhà trồng với mục đích chủ yếu làm hàng rào, làm cảnh, các phần non của hoa, lá, quả thường được dùng làm rau ăn.
Bông so đũa có 2 màu chính là tím đỏ và trắng xanh, là đặc sản nổi tiếng ở miền Tây có thể chế biến thành nhiều món ngon trong nhà hàng, quán ăn. Trên thị trường, bông so đũa có giá khoảng 150.000 đồng/kg.
Bông so đũa màu tím đỏ |
Theo nghiên cứu, bông so đũa có thành phần dinh dưỡng rất cao với nhiều protid, lipid, beta carotene, vitamin A, vitamin B, hàm lượng vitamin C, nhiều khoáng tố như canxi, sắt, natri, kali tốt cho sức khỏe.
Bông so đũa khi ăn có vị ngọt hơi đắng, nhân nhẩn lẫn trong mùi rau cỏ tự nhiên, tính mát nên thường xuất hiện trong các bữa cơm mùa hè oi bức để thanh nhiệt, giải độc. Người dân miền Tây sử dụng bông so đũa để chế biến thành các món ăn phong phú và đa dạng: Bông so đũa luộc chấm mắm kho quẹt, nấu canh chua, xào tôm thịt, ăn lẩu, là rau sống ăn kèm với bún, các món kho tộ, gỏi bông so đũa…
Theo kinh nghiệm, người dân miền Tây phải hái bông so đũa lúc sáng sớm, còn tươi, nhặt bỏ cuống và nhụy đắng, bỏ đài, rửa nhẹ dưới vòi nước để tránh bầm dập mất ngon. So đũa không bảo quản được lâu vì rất nhanh héo úa, dập nếu vận chuyển đi xa và hái xuống quá lâu từ cây mà chưa được chế biến cũng sẽ bị đắng.
Hiện nay, bông so đũa vẫn là đặc sản được nhiều người săn lùng và tìm kiếm tại các thành phố. Theo khảo sát, giá cả của bông so đũa ở TP. HCM không hề rẻ, khoảng 150.000 đồng/kg, bông so đũa thái đỏ sẽ có giá đắt hơn và đều phải đặt trước mới có hàng chứ không sẵn ngoài các sạp hàng ở chợ như các loại rau khác.
Thứ hoa dại này giờ đây có thể làm được thành nhiều món ăn ngon, nổi tiếng, ai cũng muốn thưởng thức |
Trong nhà hàng, bông so đũa cũng được chế biến thành nhiều món ăn từ dân dã tới sang trọng và vô cùng đắt khách. Thưởng thức bông so đũa đúng cách nhất của dân sành ăn là tới tận các nhà hàng ở miền Tây khi đi du lịch, thưởng thức những món ăn từ bông so đũa mới hái từ trên cây xuống.
Do nhu cầu tiêu thụ bông so đũa ngày càng nhiều nên ở các tỉnh miền Tây bắt đầu có chính sách khuyến khích nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao bằng việc mở rộng quy mô trồng cây so đũa. Thay vì trước đó chỉ trồng cây làm cảnh, tiện thể hái bông so đũa để phục vụ cho bữa cơm nhà, giờ đây nhiều nơi đã trồng loại cây này thay thế cho hoa màu và cây nông nghiệp dài ngày.
Tại Hậu Giang, chị Ánh Tuyết đã chuyển 3.000 m2 đất lúa kém hiệu quả sang trồng cây so đũa lấy bông kết hợp với trồng bông súng dưới mương từ năm 2018. Theo chị Tuyết, trước đây khi muốn ăn bông so đũa phải đợi đến mùa, còn thời điểm hiện tại ở chỗ chị Tuyết thì thời điểm nào trong năm cũng có. Cây trồng khá đơn giản, chỉ khoảng từ 2,5 – 3 tháng là có thu hoạch, chi phí đầu tư lại thấp.
Chị Tuyết thường đổ sỉ cho các quán ăn tại địa phương hoặc bán cho thương lái đến tận vườn lấy hàng. Trung bình mỗi ngày chị Ánh Tuyết hái được từ 13-15 kg bông so đũa, thu nhập một ngày sau khi trừ đi chi phí nhân công khoảng 500.000 đồng/ngày, giá trị kinh tế rất lớn nên vợ chồng chị Tuyết đang có ý định nhân rộng mô hình.
Bông so đũa thường được hái vào lúc sáng sớm để đảm bảo độ tươi ngon, người ta sẽ cắt bỏ đài hoa, nhụy và cuống hoa. Sau đó rửa hoa nhẹ nhàng dưới vòi nước trước khi chế biến. Có rất nhiều món ngon từ bông so đũa và mỗi món ăn đều gợi cho khán giả nhớ đến vẻ đẹp của miền Tây Nam Bộ.
Nguyên liệu nấu món canh chua tôm bông so đũa thơm ngon |
Nếu những món như canh chua bông so đũa nấu với tôm, cá lóc, cá rô, khế... hay lẩu chua với hoa chuối, rau thơm ... thường là món khoái khẩu của người miền Tây thì ngày nay Bông So Đũa luộc riêng hoặc luộc chung cùng với nhiều loại rau, củ, quả khác và chấm với nước mắm kho được người dân phố thị rất ưa chuộng. Đó là lý do tại sao nhiều nhà hàng, quán ăn đưa Bông so đũa luộc vào thực đơn để thêm sự lựa chọn mới cho thực khách.
Vào những ngày hè nắng nóng, không khí oi bức, thưởng thức những món ăn từ hoa so đũa là một lựa chọn tuyệt vời bởi nó có tính mát, vị ngọt hơi đắng, giúp kích thích ăn ngon miệng và tiêu hóa tốt hơn.
Không chỉ là đặc sản miền Tây dùng để chế biến các món ăn ngon, bông so đũa còn được xem là một loại dược liệu quý giá.
Tất cả các bộ phận của cây so đũa đều có giá trị y học tuyệt vời. Ở Ấn Độ và nhiều nước Đông Nam Á, rễ, lá, vỏ cây, hạt, nhựa mủ và hoa của cây so đũa được dùng như một loại thảo dược quý. Trong khi rễ cây so đũa có thể giúp hạ sốt, giảm đau và điều trị viêm khớp thì vỏ cây có thể được sử dụng để hỗ trợ điều trị bệnh đậu mùa. Ngoài ra, so đũa còn được sử dụng như một loại thuốc bổ để kích thích tiêu hóa và chữa bệnh loét miệng trong y học dân gian Philippine. Ở Campuchia, vỏ cây so đũa là vị thuốc chữa bệnh vàng da, ghẻ lở… khá hiệu nghiệm.
Riêng người Malaysia dùng lá cây so đũa trong các trường hợp bị bầm tím hoặc bong gân. Đặc biệt hơn, người dân Ấn Độ còn coi bông so đũa là đại diện của thần Siva, giúp chữa các bệnh như bệnh gút, vàng da, viêm phế quản… khá hiệu quả. Ngoài ra, hạt và quả so đũa được cho là giúp giảm kích thước khối u, nhuận tràng, chống thiếu máu ...
Ở nước ta, người dân miền Nam cũng rất tin dùng cây so đũa trong việc chăm sóc sức khỏe và chữa bệnh. Chẳng hạn, nước ép lá cây so đũa dùng chữa đau răng, nhức răng, viêm họng, ngừa cảm cúm. Rễ so đũa có tác dụng chữa quáng gà, động kinh, xổ giun, tiêu viêm… Còn bông so đũa là vị thuốc khá hiệu quả trong các trường hợp sốt, phù nề...
Có thể thấy, ở những nước có sự xuất hiện của cây so đũa, loại cây này được sử dụng như một vị thuốc vô cùng quý giá và không thể thiếu trong đời sống hàng ngày của người dân. Vì vậy, không quá khó hiểu khi Bông so đũa gần như gắn liền với đời sống của người dân vùng đồng bằng sông Cửu Long và có thể dễ dàng bắt gặp ở bất cứ đâu trên vùng sông nước này.