Cây Thạch đen (còn được gọi là cây sương sáo, cây thủy cẩm, tiên thảo...) là loại cây bản địa được trồng từ rất lâu ở tỉnh Lạng Sơn. |
Nông dân miền núi làm giàu từ cây thạch đen
Cây Thạch đen (còn được gọi là cây sương sáo, cây thủy cẩm, tiên thảo...) là loại cây bản địa được trồng từ rất lâu ở tỉnh Lạng Sơn, diện tích tập trung trên địa bàn các huyện như Tràng Định, Bình Gia, Văn Lãng với diện tích khoảng 4.000 ha.
Tràng Định được coi là thủ phủ của cây thạch đen, một loại cây có giá trị kinh tế cao. Từ năm 2010, huyện quy hoạch vùng trồng thạch đen tại 8 xã phía Tây như: Đoàn Kết, Cao Minh, Tân Tiến, Kim Đồng, Đề Thám… diện tích thạch đen duy trì hằng năm từ 1.500 - 2.000 ha.
Được biết, trước khi xây dựng chuỗi liên kết, huyện Tràng Định đã nâng diện tích, chất lượng vùng trồng, quảng bá thương hiệu đối với cây thạch đen. Đồng thời, năm 2017, huyện bắt tay vào việc triển khai xây dựng kết nối một số doanh nghiệp, hợp tác xã liên kết nhằm tiêu thụ sản phẩm cho bà con.
Để hình thành liên kết doanh nghiệp với người dân, UBND huyện Tràng Định đã kết nối, tạo điều kiện để Công ty TNHH sản xuất và đầu tư Xuất nhập khẩu Đức Quý, thực hiện liên kết bao tiêu sản phẩm cho trên 300 hộ dân, tại hầu hết các xã trồng thạch đen của huyện. Đặc biệt, từ tháng 10/2020, UBND huyện Tràng Định đã phối hợp với Sở Công Thương Lạng Sơn, lựa chọn các xã: Cao Minh, Tân Tiến, để thực hiện thí điểm mô hình liên kết giữa doanh nghiệp – hợp tác xã – nông dân trong tiêu thụ và cung ứng vật tư nông nghiệp, tiêu thụ nông sản.
Tràng Định được coi là thủ phủ của cây thạch đen, một loại cây có giá trị kinh tế cao. |
Ông Vũ Đức Thiện, Chủ tịch UBND huyện Tràng Định cho biết: Huyện đã và đang triển khai các chính sách đặc thù, khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; kêu gọi các doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư xây dựng nhà xưởng, trang thiết bị và vùng nguyên liệu sản xuất nông, lâm nghiệp.
Địa phương cũng tăng cường kết nối giữa doanh nghiệp, hợp tác xã với nông dân để xây dựng, hình thành các chuỗi liên kết bền vững từ cung ứng vật tư nông nghiệp, đến bao tiêu và tiêu thụ sản phẩm. Thông qua việc xây dựng chuỗi liên kết, giá trị cây thạch đen trên địa bàn huyện Tràng Định đã tăng cả về quy mô và chất lượng.
Đặc biệt trong năm 2020, cây thạch đen ở Lạng Sơn chính thức được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, đây chính là cơ hội phát triển kinh tế lớn của Tràng Định. Năm 2021, diện tích cây thạch đen đã tăng gấp 2 lần năm trước, tương đương với khoảng 3.000 ha thạch đen. Bên cạnh đó, giá thu mua thạch đen từ đầu năm 2020, đã tăng từ 20.000 đồng/kg lên 40.000 đồng/kg; tổng thu hằng năm trung bình được khoảng 200 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với thời điểm trước năm 2017.
Nâng tầm thương hiệu thạch đen
Có hàng chục cơ sở chế biến sản phẩm thạch lâu năm và đặc biệt, sản phẩm thạch đen tại Cơ sở chế biến thạch đen Chu Hạnh đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao đầu tiên của tỉnh Lạng Sơn
Chị Chu Thị Hạnh – Chủ Cơ sở chế biến Thạch đen Chu Hạnh cho biết, thạch đen là một loại dược liệu có vị ngọt, tính mát, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc cơ thể và được sử dụng trong điều trị một số bệnh lý như giảm cholesterol trong máu, chống lão hóa.
Bởi vậy, nếu thường xuyên sử dụng các sản phẩm từ thạch đen sẽ rất tốt cho sức khỏe của mọi người. Không phải tự nhiên mà sản phẩm thạch đen Lạng Sơn lại được thị trường Nhật Bản, Đài Loan, Trung Quốc... săn đón.
Cô giáo Chu Thị Hạnh (thị trấn Na Sầm, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn) là chủ nhân của sản phẩm thạch đen đạt OCOP 3 sao đầu tiên tỉnh Lạng Sơn. Ảnh: Gia Tưởng. |
Chị Hạnh cũng cho biết thêm, trước đây, đầu ra cây thạch đen hoàn toàn phụ thuộc vào thị trường nước ngoài. Có những năm mất mùa, giá cây thạch đen khô lên tới 70.000 đồng/kg. Nhưng khi được mùa, giá cây thạch đen khô lại bị ép giá xuống còn rất thấp. Ví dụ như năm 2021, giá thạch đen khô xuống còn 17.000 đồng/kg, khiến bà con rất lo lắng, không yên tâm canh tác.
"Nếu chúng ta tìm được đầu ra cho cây thạch đen bằng những sản phẩm chế biến chuyên sâu, em tin rằng cây thạch đen sẽ là cây làm giàu cho huyện miền núi Lạng Sơn này. Những người nông dân như bố mẹ, làng xóm em cũng sẽ không còn thấp thỏm bởi phụ thuộc vào những thương lái nước ngoài nữa" – chị Hạnh bày tỏ.
Hiện nay, sản phẩm thạch Chu Hạnh đã được bán tại thị trường TP.HCM, Bình Định, Quảng Trị, Hà Nội. Bên cạnh đó, huyện Văn Lãng đã chọn thạch Chu Hạnh là một trong những sản phẩm tiêu biểu của huyện, hỗ trợ mở cửa hàng giới thiệu sản phẩm OCOP ngay tại thị trấn Nam Sầm.
Những sản phẩm thạch đen Chu Hạnh được thị trường tin tưởng. |
Theo bà Lô Thị Kim Oanh, Phó Trưởng phòng NNPTNT huyện Văn Lãng cho biết, chị Chu Thị Hạnh (SN 1986) là cô giáo, sản phẩm thạch đen là nghề truyền thống của gia đình. Với tư duy của một nhà giáo dục, chị Hạnh đã tạo ra sản phẩm thạch đen có chất lượng dẫn đầu toàn tỉnh, đặc biệt đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Còn ông Lê Tuấn Minh, Chủ tịch UBND Văn Lãng tự hào cho biết thêm, mới đây sản phẩm thạch đen Chu Hạnh đã vinh dự được đoàn đại biểu Quốc hội Lạng Sơn mang theo để mời các đại biểu Quốc hội cả nước. Theo đánh giá, món thạch đen Lạng Sơn tạo ấn tượng rất tốt đối với các đại biểu sau những phiên họp tập trung cao độ.
Thứ cây một thời mọc như cây dại, nay trở thành cây chủ lực của Lạng Sơn. Ngày nay, với những giá trị đem lại, cây thạch đen Lạng Sơn đã được nhiều thị trường quốc tế đón nhận. Sản phẩm thạch đen được chế biến sâu, trở thành món thực phẩm bổ dưỡng cho sức khỏe. Sản phẩm OCOP thạch đen Chu Hạnh tự hào có mặt tại kỳ họp của Quốc hội./.